06:29 19/04/2024

Trẻ em cần đảm bảo sức khỏe thế nào khi tham gia chạy bộ?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam H.G

Ngày nay, trẻ em được gia đình cho tham gia nhiều các giải chạy phong chào, nhằm rèn luyện sức khoẻ và kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, bố mẹ đã biết cách chuẩn bị cho con giữ được sự an toàn khi tham gia chạy bộ?

Lợi ích cho trẻ em chạy bộ

Khi trẻ cùng gia đình chạy bộ, sẽ tạo nên những thói quen tập thể dục đều đặn. Điều đó sẽ mạng lại cả lợi ích về tinh thần lẫn thể chất cho cuộc sống. Trẻ sẽ học được tính kiên trì, cố gắng ngay cả khi khó khăn. Chạy cũng giúp trẻ em kiểm soát các bệnh mãn tính, chẳng hạn như trầm cảm, ADHD, béo phì và tiểu đường. Tập thể dục rất quan trọng, nó còn giúp điều khiển cảm xúc tốt hơn, tăng sức chịu đựng, sức mạnh và ý chí chiến đấu.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Anh, chạy bộ làm tăng độ chắc khỏe của xương, giảm nguy cơ mắc các bệnh về tiểu đường và ngăn ngừa chứng loãng xương trong tương lai. Tham gia các giải chạy cũng sẽ giúp trẻ nâng cao nền tảng thể lực, qua đó đảm bảo sức khỏe cho quá trình học tập và tham gia các hoạt động ngoài xã hội.

Tập thể dục nói chung là một liều thuốc kỳ diệu với sức khỏe. Trong đó, chạy bộ là một loại hình thể dục chi phí thấp và dễ tiếp cận nhất. Chạy bộ tạo cơ hội trẻ em được ra ngoài, tăng năng lượng và là môn thể thao hữu ích trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Cũng như các môn thể thao khác, chạy bộ có thể thúc đẩy sự tự tin của trẻ, trẻ em thông minh hơn vì chạy bộ giúp hình thành các tế bào não mới và cải thiện trí nhớ và giúp cải thiện tâm trạng của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho con tập chạy càng sớm càng tốt nếu có thể.

6018ad4bc8db088551ca522-1849-1658462477
Chạy bộ tạo cơ hội trẻ em được ra ngoài, tăng năng lượng và là môn thể thao hữu ích trong việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh (Ảnh: Vnexpress).

Khởi động kỹ trước và sau khi chạy

Giống như bất kỳ môn thể thao nào, người chạy bộ thường dễ bị các chấn thương điển hình như viêm gân, bong gân, gãy xương. Do đó, cần giúp trẻ nhận biết tầm quan trọng của việc khởi động trước khi chạy và giãn cơ sau khi chạy để cơ thể có thể phục hồi giữa các lần chạy. 

Trẻ em khi bước vào giải chạy thường có tâm lý nôn nóng, bỏ qua bước khởi động, làm nóng cơ thể. Đây là bước quan trọng nhằm hạn chế các chấn thương, song nhiều phụ huynh lại không chú ý đến. Chạy bộ đòi hỏi sức bền cao, vì vậy phần hông, chân và nhóm cơ trung tâm phải được làm nóng nhằm giữ cân bằng cho cơ thể xuyên suốt chặng đua. Khởi động trước khi chạy cũng góp phần điều hòa nhịp tim, giúp cơ thể có được một nhịp chạy bền vững.

Trước giờ chạy, trẻ có thể khởi động với một số bài tập quen thuộc như đi bộ bằng ngón chân, nâng cao đùi, gót chạm mông hay bật nhảy. Các động tác kéo giãn cơ thuộc nhóm bài tập lunge sẽ giúp phần hông được mở rộng, làm giảm lực cản bên trong cơ thể và nâng cao hiệu quả trong từng sải chân của trẻ. Sau khi các cơ đã được làm nóng, chạy quãng ngắn với tốc độ chậm là bước tiếp theo nhằm giúp cơ thể quen dần với nhịp chạy và thúc đẩy lưu lượng máu đến các cơ.

Sau khi hoàn thành chặng đua, phụ huynh có thể giúp con thả lỏng cơ và khớp thông qua các bài kéo duỗi cơ đùi, cơ mông, cơ hông và bắp chân. Mỗi bài tập nên kéo dài từ 20 đến 30 giây.

Bảo vệ đôi chân

Để giảm khả năng chấn thương, hãy chắc chắn con bạn có giày chạy tốt, Trẻ em thích chọn những mẫu giày bắt mắt. Tuy vậy, việc chuẩn bị cho bé một đôi giày phù hợp với kích thước chân sẽ giúp hạn chế các chấn thương liên quan đến đầu gối, bàn chân và bắp chân trên đường chạy.

Phụ huynh cần phân biệt được sự khác nhau giữa giày thể thao và các loại giày khác nhằm tạo sự thoải mái cho đôi chân. Việc lựa chọn một đôi tất phù hợp cũng sẽ giúp các em tránh các chấn thương mắt cá. Tất dày là lựa chọn lý tưởng để tạo lớp bảo vệ êm ái cho chân.

Phụ huynh đồng thời có thể trang bị cho trẻ miếng băng đầu gối, đề phòng trường hợp vấp ngã khi đua. Tuyệt đối không nên để trẻ chạy với đôi chân trần.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và ngủ đủ giấc

Ngoài việc duy trì cân nặng hợp lý cho trẻ, việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cũng là một yếu tố quan trọng trước mỗi cuộc đua. Theo các chuyên gia, việc bổ sung không đủ calo cũng dễ dẫn đến chấn thương.

Bố mẹ nên tránh cho con ăn quá no trước khi chạy nhằm hạn chế các vấn đề về dạ dày. Một bữa ăn nhẹ với đa dạng loại trái cây sẽ là lựa chọn hợp lý. Các bé cũng cần uống đủ nước và điện giải trước, trong và sau khi thi đấu.

Ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố cần được chú ý nhằm đảm bảo thể lực. Khi vui chơi, du lịch cùng gia đình, các bé thường sẽ có tâm lý không muốn ngủ sớm. Bố mẹ nên khuyên con đi ngủ sớm và ngủ đủ từ 7 đến 8 tiếng để có thể trạng và tinh thần thoải mái khi đua.

Đặc biệt, hãy để con tự thiết lập tốc độ. Cha mẹ hãy đặt ra những mục tiêu nhỏ để trẻ cảm thấy thành công khi đạt được nó. Những mục tiêu này nghĩa là không nhất thiết phải chạy nhanh. Có thể thêm mục tiêu xa hơn hay thử một kiểu chạy mới trong các trò chơi kết hợp chạy khác như: bóng đá, khúc côn cầu, quần vợt... Bên cạnh đem lại sự vui vẻ, chúng đều rất tốt cho việc tạo dựng sức bền.

Cha mẹ có thể chạy cùng con để đánh giá tốc độ và khả năng chạy của chúng, từ đó cha mẹ có thể tìm ra những điểm mạnh và hạn chế của con. Không nên cho trẻ chạy bộ mỗi ngày, đảm bảo con hiểu được sự khác biệt giữa khó chịu, đau nhức và đau đớn. Một chút cảm giác đau nhức là tốt và hiệu quả, nhưng trẻ em không nên chạy nếu chúng cảm thấy vượt quá sức chịu đựng hãy vì các cơ cần có thời gian nghỉ ngơi.

Điều quan trọng là hãy dặn con nhớ uống thật nhiều nước, trước, trong và sau khi tập thể dục.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận