Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyên đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã trình bày tóm tắt tình hình, kết quả công tác Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Bộ Công an giai đoạn 2021 – 2023.
Theo báo cáo, tỉ lệ trẻ em Việt Nam sử dụng các dịch vụ, ứng dụng trên mạng internet ở mức cao và độ tuổi trung bình tiếp cận, sử dụng các thiết bị di động thông minh và mạng internet sớm so với thế giới.
“Việt Nam kết nối Internet toàn cầu vào ngày 19/11/1997, hiện đã phủ sóng Internet trên 99,7% số thôn trên toàn quốc, riêng vùng phủ 3G - 4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó, có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet”, báo cáo thể hiện.
Một khảo sát của Google thực hiện năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi. Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong dịch bệnh Covid-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình 6-7 tuổi.
Trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Theo Bộ Công an, nguy cơ đối với trẻ em thường tập trung vào các hành vi: xâm hại tình dục qua mạng; hành vi mồi chài, gạ gẫm, dụ dỗ qua mạng vì mục đích tình dục; bị bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục trên mạng; bị xâm phạm quyền riêng tư, sử dụng trái phép thông tin cá nhân vào mục đích vi phạm pháp luật; các loại thông tin độc hại, vi phạm pháp luật; nguy cơ bị xúi giục, dẫn dắt, thúc đẩy thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết, Bộ Công an đã chủ động tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật trong đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng, các nguy cơ và thủ đoạn tội phạm từ môi trường mạng và kỹ năng nhận diện, phòng tránh, xử lý, tập trung trực tiếp vào đối tượng học sinh, phụ huynh, giáo viên và chuyên viên làm công tác trẻ em của các Bộ, ngành thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội nghị, sản phẩm truyền thông phát tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng dân cư.
“Một trong những khó khăn, thách thức trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là tâm lý e ngại, chủ quan trong đề cập tới bảo vệ trẻ em trên mạng vì vậy cũng hạn chế trong nhận thức pháp luật, kỹ năng nhận diện và xử lý những nguy cơ trên môi trường mạng đối với trẻ em. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức của người dân và trẻ em về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho biết.
Tại Hội nghị, Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam Vũ Thị Kim Hoa cho biết, nhằm triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Trẻ em 2016, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025; Chị thị số 28 của Bộ Chính trị về Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em trong đó đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong, thời gian qua Hội BVQTE Việt Nam đã triển khai một số hoạt động cụ thể như: Phát triển tổ chức và nâng cao năng lực của Hội BVQTE tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường kết nối, thu nhận các thông tin, ý kiến của trẻ em, kiến ghị của các tổ chức xã hội liên quan đến bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện quyền trẻ em;
Truyền thông, nâng cao kiến thức kỹ năng cho trẻ em về bảo vệ quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thông qua xây dựng các video phim hoạt hình, tài liệu thân thiện với trẻ em về an toàn mạng, tổ chức các khóa tập huấn cho trẻ em về các nội dung phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường hỗ trợ cha mẹ, người thân trong gia đình, nhà trường trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tổ chức những hoạt động xây dựng mối tương tác lành mạnh giữa cha mẹ và trẻ; trực tiếp tham gia hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng như phát biểu chính kiến và cử luật sư hỗ trợ cho một số trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng như xâm hại tình dục trẻ em nam đồng tính qua ứng dụng mạng xã hội tại Bình Thuận, lừa đảo trẻ em qua mua sắm trực tuyến tại Hà Nội, Bắc Ninh…
Từ thực tế triển khai các hoạt động để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bà Vũ Thị Kim Hoa cũng đã đưa ra những đề xuất cụ thể tại Hội nghị: Tăng cường hướng dẫn cha mẹ về vai trò của gia đình trong quản lý trẻ sử dụng internet an toàn; hướng dẫn trẻ về các kỹ năng cần thiết để trở thành người sử dụng thông minh, an toàn trên môi trường kỹ thuật số; tăng cường tập huấn cho các cán bộ của tổ chức xã hội về kiến thức và kỹ năng hướng dẫn trẻ sử dụng internet an toàn; xây dựng và phát triển các tài liệu truyền thông về an toàn trên mạng internet thân thiện với trẻ em; tăng cường phân bổ nguồn lực để thực hiện kế hoạch của Thủ tướng để triển khai Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 và phối hợp với các tổ chức hoạt động vì trẻ em trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…
Cũng theo bà Vũ Thị Kim Hoa, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và trẻ em trong nhận thức về quyền trẻ em và bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường internet là vô cùng cần thiết. Có như vậy thì mới huy động được nguồn lực của toàn xã hội để giải quyết những vấn đề liên quan tới xâm hại, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng, đảm bảo cho trẻ em được tương tác trong môi trường kỹ thuật số an toàn, lành mạnh.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất