21:14 03/02/2024

Mỗi năm có hàng trăm trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Anh

Theo thống kê của Ủy ban an toàn Giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại Việt Nam.

Những con số đáng báo động từ an toàn giao thông cho trẻ em

Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng...

Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh vẫn diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh; chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.

Đáng chú ý, cũng theo thống kê của cơ quan này, tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4 - 15 tại Việt Nam.

Tai nạn giao thông liên quan học sinh xảy ra hết sức lo ngại khi làm gần 500 em chết mỗi năm và hơn 800 em bị thương, để lại những hậu quả nặng nề đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Trong đó 10 địa phương xảy ra nhiều là TP.HCM (155 vụ: bị thương 130, tử vong 60); Hà Nội (56 vụ: 59 bị thương, 19 tử vong); Gia Lai (48 vụ: bị thương 41, tử vong 30); Tiền Giang (28 vụ: 20 bị thương, 24 tử vong); Bình Phước (25 vụ: 15 bị thương, 19 tử vong); Vĩnh Long (21 vụ: 17 bị thương, 19 tử vong); Bình Dương (31 vụ: 36 bị thương, 17 tử vong); Long An (18 vụ: 9 bị thương, 16 tử vong); An Giang (22 vụ: 19 bị thương, 15 tử vong); Bến Tre (13 vụ: 3 bị thương, 12 tử vong).

Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp, chỉ 52%. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chính sách về phòng chống chấn thương năm 2021, chỉ 1,3% xe ô tô có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, TP. Hồ Chí Minh 1,1%, Đà Nẵng 0%. Hầu hết người dùng do đã quen sử dụng khi ở nước ngoài.

lay-mo-hinh-cong-truong-a
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh - Gia Lai). Ảnh Báo Gia Lai

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Chẳng hạn, ngày 19/5, tại km 133+600 Quốc lộ 4D, thuộc địa phận thôn Luổng Láo 2, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 3 học sinh tử vong.

Tại Đắc Lắk, ngày 2/7, một thiếu niên chạy xe phân khối lớn gây tai nạn khiến thai phụ tử vong. Em cũng không qua khỏi do vết thương quá nặng.

Tại Nghệ An, tối 20/9, hai xe máy chở 5 học sinh các lớp 9, 10, 11 (ở Quỳnh Lưu và Hoàng Mai) đang đi trên QL48E tông trúng nhau. Hậu quả, một em tử vong tại hiện trường, hai em được đưa đi cấp cứu.

Một vụ tai nạn giao thông đau lòng khác xảy ra tại Đắk Nông, trưa 21/9, trên tuyến ĐH15 (đoạn qua xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) giữa xe ô tô và xe máy khiến hai em học sinh lớp 8 thương vong….

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ quý IV/2023, Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đánh giá đây là những con số cực kỳ đau xót: "Các em là những mầm non tương lai, là sự phát triển của xã hội, của đất nước mà bị thương như thế, tử vong như thế thì thật sự là chúng ta cần sự chung tay hơn nữa trong việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra".

Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành

Tình hình trên đòi hỏi phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp căn cơ để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh, thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Trước tình hình đáng lo ngại về an toàn giao thông cho trẻ em trong độ tuổi học sinh, Ngày 5/1, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã nhấn mạnh, trẻ em là lứa tuổi chưa có nhận thức đầy đủ về hành vi, khi tham gia giao thông, trẻ có thể vô tình làm các hành động gây nguy hiểm cho mình mà chính trẻ cũng chưa thể nhận thức được.

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh hiện nay còn bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh tai nan giao thông cho trẻ.

Trên thực tế, trẻ em không chỉ được người lớn chở khi tham gia giao thông mà nhiều trẻ để đến trường cũng trực tiếp tham gia giao thông: tự đi xe đạp, xe đạp điện khi tới lớp; thậm chí có những trường hợp đi xe máy trái quy định của pháp luật.

Một số quy định về nguyên tắc hiện tại phù hợp với người tham gia giao thông là người lớn nhưng đối với các trường hợp người tham gia giao thông là trẻ em chưa phù hợp với nhóm tuổi và khả năng của các em như trách nhiệm tự giữ an toàn cho mình và cho người khác vì vậy cần có những quy định phù hợp với nhóm đối tượng tham gia giao thông là trẻ em theo nguyên tắc “Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.

Trong đó có nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong phạm vi quản lý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng bộ quy tắc văn hóa giao thông văn minh (văn hóa chấp hành pháp luật về an toàn giao thông; văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, ứng xử khi chứng kiến tai nạn, va chạm giao thông; ứng xử khi tham gia xe buýt, xe khách và các loại hình phương tiện giao thông khác; ứng xử khi bị tai nạn, va chạm giao thông, ùn tắc giao thông...) và yêu cầu 100% các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm, kết hợp tuyên truyền, giám sát xây dựng thói quen, văn hóa giao thông văn minh, bền vững cho thế hệ trẻ, từ đó lan tỏa, tác động trở lại đối với người thân trong gia đình và cộng đồng xã hội…

Hy vọng rằng thời gian tới chỉ thị của Thủ tướng chính phủ và kiến nghị của Hội Bảo về quyền trẻ em Việt Nam được các địa phương áp dụng tích cực, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em trong độ tuổi học sinh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận