07:11 20/02/2023

Ngăn chặn các sản phẩm sữa bột nhiễm khuẩn vào Việt Nam

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hà Chi

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có thông tin liên quan việc Công ty Lactalis (Pháp) bị cáo buộc hình sự do sản xuất sữa công thức trẻ em bị nhiễm Salmonella. Trước đó vào năm 2022, Cục cũng ghi nhận vụ việc Công ty Abbott Việt Nam tự nguyện thu hồi lô sản phẩm sữa bột Alimentum có cùng lô sản xuất với các sản phẩm nghi nhiễm khuẩn.

Thông tin liên tục cho người tiêu dùng vấn đề liên quan Công ty Lactalis

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có thông tin liên quan việc Công ty Lactalis (Pháp) bị cáo buộc hình sự do sản xuất sữa công thức trẻ em bị nhiễm Salmonella.

Cục An toàn thực phẩm cho biết, sự cố an toàn thực phẩm trên được Pháp phát hiện từ năm 2017. Từ thời điểm đó, Cục An toàn thực phẩm đã kịp thời nắm bắt và cung cấp thông tin liên tục cho người tiêu dùng, đồng thời có những biện pháp thu hồi và ngăn chặn các sản phẩm nhiễm khuẩn vào Việt Nam.

Trước đó, ngày 16/2, Công ty sản xuất thực phẩm Lactalis của Pháp cũng cho biết, hãng đã bị buộc tội liên quan đến vụ bê bối toàn cầu kéo dài 5 năm qua, trong đó hàng chục trẻ sơ sinh bị ảnh hưởng sức khỏe do uống sữa công thức (sữa bột) nhiễm khuẩn đường ruột Salmonella.

Sau 5 năm điều tra, Công ty Lactalis đã bị công tố viên cáo buộc hình sự theo quy định của nước sở tại.

Cuối năm 2017, nhiều trẻ sơ sinh ở Pháp được chẩn đoán bị ngộ độc khuẩn Salmonella sau khi uống các sản phẩm sữa, chủ yếu là sữa Milumel và sữa Picot của Công ty Lactalis sản xuất tại nhà máy Craon.

Lactalis-17022023
Trụ sở hãng sữa Lactalis ở Laval, miền Tây nước Pháp (Ảnh: AFP/TTXVN).

Trong vòng 3 ngày sau khi được cho uống các sản phẩm sữa bột của Lactalis, 36 trẻ sơ sinh đã xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn salmonella. Tây Ban Nha và Hy Lạp cũng báo cáo các trường hợp bị nhiễm khuẩn đường ruột. Vào thời điểm đó, Lactalis thừa nhận rằng, các sản phẩm sữa bột của hãng cung cấp ở hơn 80 quốc gia khác đã bị ảnh hưởng.

Tháng 1/2018, Lactalis đã thu hồi toàn bộ lô sữa bột sản xuất tại nhà máy Craon, ước tính hơn 12 triệu hộp. Lactalis cho biết, lô sữa nhiễm khuẩn được sản xuất vào nửa đầu năm 2017.

Người đứng đầu cơ sở có vụ ngộ độc do ăn sữa và các sản phẩm từ sữa xảy ra phải có trách nhiệm

Thị trường sữa ở Việt Nam là một thị trường có quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng rất cao, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một thị trường đầy triển vọng. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với việc, những bê bối của thị trường sữa sẽ gia tăng mức độ nguy hại đến số lượng trẻ em bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, ngăn chặn các sản phẩm sữa nhiễm khuẩn là việc làm cấp thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và tương lai của các trẻ em Việt Nam.

Vào ngày 20/2/2022, Cục An toàn thực phẩm nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter sakazakii và Salmonella Newport liên quan đến sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition's Sturgis, Mỹ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố tại Mỹ, Công ty Abbott Việt Nam đã lập tức có công văn báo cáo, gửi Cục An toàn thực phẩm và chủ động thông báo thu hồi tự nguyện lô sản phẩm sữa bột Alimentum có cùng lô sản xuất với các sản phẩm nghi nhiễm khuẩn có xuất xứ từ nhà máy ở Sturgis, Michigan (Mỹ).

"Đối với các sản phẩm khác đã công bố và được nhập khẩu, phân phối bởi Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam) không thuộc lô sản phẩm thu hồi theo cảnh báo, vẫn lưu hành bình thường theo quy định của pháp luật", thông báo của cục An toàn thực phẩm nêu rõ.

Điều 14, Quy định điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với cơ sở sản xuất, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa ban hành kèm theo Quyết định số 4282/2004/QĐ-BYT ngày 1/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ rõ việc báo cáo ngộ độc sữa và các sản phẩm từ sữa.

1. Người đứng đầu cơ sở có vụ ngộ độc do ăn sữa và các sản phẩm từ sữa xảy ra phải có trách nhiệm báo cáo với cơ quan y tế gần nhất, phải có biện pháp khắc phục ngộ độc và hậu quả của ngộ độc theo yêu cầu của cơ quan y tế.

2. Cơ sở có liên quan đến vụ ngộ độc phải có trách nhiệm thu hồi và giữ lại lô sản phẩm liên quan để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

3. Cơ sở có loại thực phẩm gây ngộ độc phải chịu mọi chi phí cho việc khám, chữa bệnh cho người bệnh bị ngộ độc và điều tra tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

4. Các số liệu liên quan đến các bệnh do sữa và các sản phẩm từ sữa gây ra phải do cơ quan y tế có thẩm quyền thu thập, đánh giá và công bố theo quy định của pháp luật.

Điều 15 quy định rõ việc lưu hành, thu hồi sữa và các sản phẩm từ sữa

1. Cơ sở sản xuất, chế biến sữa và sản phẩm từ sữa chỉ được phép lưu hành sản phẩm đảm bảo các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn chất lượng công bố. Khi sản phẩm do cơ sở sản xuất có sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm phải thông báo ngay cho cơ quan y tế có thẩm quyền và người tiêu dùng biết và có biện pháp xử lý kịp thời.

2. Thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm yêu cầu các cơ sở thu hồi sữa và các sản phẩm từ sữa không bảo đảm chất lượng và không đúng với hồ sơ công bố chất lượng của cơ sở.

3. Sữa và sản phẩm từ sữa bị thu hồi phải được giữ ở những nơi riêng biệt và chỉ được phép thu hồi, tái chế hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Salmonella là một loại vi khuẩn có thể gây bệnh. Salmonella không gây bệnh cho tất cả những ai bị vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Trẻ em dưới 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất và khoảng 1/3 số trường hợp xảy ra ở trẻ em từ 4 tuổi trở xuống. Trẻ không được bú sữa mẹ có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Một số loại thuốc làm giảm axit dạ dày cũng có thể làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

Các chủng vi khuẩn Salmonella gây ra các bệnh như thương hàn, phó thương hàn, nhiễm trùng máu và ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng do Salmonella gây ra chủ yếu là tiêu chảy, ói mửa, buồn nôn xuất hiện sau 12 - 36 giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm nhiễm Salmonella. Các triệu chứng thường kéo dài từ 2 - 7 ngày.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận