09:31 22/12/2022

Giáo viên mầm non áp lực vì phụ huynh xem camera ‘thấy gì cũng phản ánh’

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

"Tôi không thể quên những ngày đầu trở thành giáo viên mầm non, cả gia đình học sinh từ bố mẹ, ông bà bật camera trên tivi 55 inch như xem phim, chỉ để xem con ăn bữa trưa như thế nào, hôm nay có món gì, có ngon không", cô N.H.A tâm sự.

Chuyện camera được lắp đặt ở các trường mầm non, mẫu giáo đã trở nên phổ biến và việc quan sát hoạt động của con ở lớp là chuyện thường thấy với nhiều phụ huynh hiện nay. 

Quan sát con học tập, vui chơi cùng các bạn và được giáo viên dạy dỗ khiến bố mẹ yên tâm phần nào. Thế nhưng trong một số trường hợp, phụ huynh thường xuyên ngồi "canh" camera, soi từng hành động của giáo viên và liên tục nhắc nhở cô, phản ánh với nhà trường vô tình gây áp lực. Điều đó khiến cô giáo cảm thấy e dè, không dám mạnh dạn rèn nề nếp cho những em bé nghịch ngợm.

Cả nhà cùng ngồi xem camera trên tivi 55 inch 

Cô N.H.A - giáo viên tại một trường mầm non tư thục tại Hà Nội, cho hay: “Chuyện của tôi éo le đến nỗi cả gia đình phụ huynh từ bố mẹ, ông bà bật camera trên tivi 55 inch như xem phim, chỉ để cùng ngồi xem con ăn bữa trưa như thế nào, hôm nay có những món gì, con ăn có hào hứng không,...

Thỉnh thoảng còn phóng to vào từng nét mặt học sinh để xem phản ứng, cận cảnh quan sát từng bát cháo. Cháo màu trắng thì kêu sao không thấy có thịt, ăn còn thừa một chút cháo thì lại kêu cô không xúc hết, cô cho ăn hết thì vẫn còn bảo là cô ép cháu ăn nên nhìn mặt cháu như muốn nôn”.

Cô bày tỏ, không biết làm thế nào để có thể vừa lòng phụ huynh.

camera-lop-hoc-074832
Một số phụ huynh "nghiện" xem camera khiến nhiều giáo viên cảm thấy áp lực (Ảnh minh hoạ: Internet).

“Tôi hiểu rằng, cha mẹ nào cũng sẽ thương con nhưng đừng đòi hỏi quá mức”, cô nói. Cô cho rằng, cha mẹ nên yên tâm vì khi tới trường các con đều được đối xử công bằng như nhau. Khi bố mẹ gửi con cho nhà trường đồng nghĩa với việc đặt niềm tin cho nhà trường, giáo viên. Còn nếu phụ huynh lúc nào cũng hoài nghi, e dè thì nên tìm cho con giáo viên riêng. 

Cô M.H. - giáo viên mầm non lâu năm tại Hà Nội bày tỏ ý kiến, giáo viên là nghề "làm dâu trăm họ": “Chúng tôi không chỉ chăm sóc mà còn dạy dỗ, quản lý hồ sơ sổ sách, giáo án, làm đồ dùng trong lớp, có nhiều thứ tự bỏ tiền túi ra làm. Mỗi năm còn phải tham gia phong trào giáo viên dạy giỏi ở trường, đón rất nhiều đoàn ghé thăm...

Phụ huynh không phải ai cũng hiểu hết áp lực của giáo viên mầm non. Thử hỏi hàng ngày bạn đang làm việc, mà có hơn 20 người luôn luôn theo giám sát bạn như vậy, cảm giác của bạn sẽ ra sao? Tất cả xin hãy để theo tự nhiên theo cách ngày xưa chúng ta đã từng trải qua”, cô bộc bạch.

Một giáo viên xin được phép giấu tên kể: “Chắc tôi không thể quên được câu chuyện trong những ngày đầu đi làm. Phụ huynh mang 2 bé sinh đôi sinh non để gửi gắm các cô sau khi đã tìm hiểu rất kỹ các trường. Biết các con sinh non tháng nên chúng tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm sóc các bạn ấy hơn cả các bạn khác. Trong hai tuần đầu, 2 bạn khóc ngằn ngặt cả ngày khiến các cô phải thay phiên nhau dỗ dành, thậm chí lúc cô chợp mắt và đi vệ sinh cũng phải bế trên tay.

Yêu thương con trẻ là vậy, thế mà khi phụ huynh gửi cháo cho chúng tôi thì chỉ muốn cô giáo xúc cho một mình con mình mà không muốn cô xúc cho bạn khác, khi cô dừng cho con ăn vì thấy con không ăn nổi nữa, sợ con nôn trớ, thì lại ý kiến rất gay gắt bảo cho rằng cô không quan tâm con và doạ sẽ chia sẻ điều này với các mẹ quanh khu vực”.

Cô cho hay, nhất cử nhất động mẹ bé đều xem camera và liên tục nhắc nhở chăm sóc theo ý của mẹ. Nếu làm sai một chút, mẹ bé sẽ gọi điện hoặc nhắn thẳng cho cô Hiệu trưởng. Đến bây giờ các bé đều đã ngoan ngoãn, đi vào nề nếp nhưng nhớ lại khoảng thời gian đó, cô vẫn cảm thấy sức ép.

Cô cho rằng, dù cố gắng nhưng cũng có lúc không thể tránh được sơ suất, mong phụ huynh bình tĩnh góp ý. Các cô rất yêu thương các con, và chỉ mong bố mẹ khi đã lựa chọn gửi gắm con mình thì hãy cố gắng tin tưởng và chia sẻ với các cô.

Phụ huynh có ý kiến trái chiều về xem camera

Các phụ huynh có ý kiến khác nhau về việc xem camera trực tuyến của con. Phụ huynh Vũ Mai Hoa, có con học tại một trường công lập tại Long Biên, Hà Nội, cho rằng: “Giáo viên cũng là con người, tiền lương, thu nhập chỉ là một phần. Hơn ai hết, các cô luôn muốn phụ huynh hài lòng, vui vẻ. Vẫn biết còn tồn tại số ít giáo viên ích kỷ nhưng đổ hết cho họ mà bỏ qua trách nhiệm của gia đình và ngành giáo dục thì không thể gỡ được những rắc rối này”.

Theo chị Hoa, trẻ con cũng cần trưởng thành, sự bảo vệ trẻ tốt nhất là dạy cách tương tác với xung quanh, hoà nhập với cộng đồng và tôn trọng người khác, biết được đâu là đúng, sai và nếu sai sẽ có  hình phạt phù hợp.

Đồng quan điểm với chị Hoa, anh Trần Quang Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: “Bản thân tôi là một ông bố có 2 con đi học mẫu giáo, tôi quá hiểu áp lực mà các giáo viên mầm non phải chịu đựng. Con mình có là vàng bạc thì con người khác cũng là kim cương, tại sao lại cứ muốn cô quan tâm riêng con mình, muốn thế thì thuê bảo mẫu về nhà, đi học tập thể là phải có sự công bằng chung”.

bạo hành trẻ em
Hình ảnh bảo mẫu bạo hành trẻ em tại trường Mầm non Mầm Xanh (TPHCM) từng được báo chí phản ánh (Ảnh: Cắt từ clip).

Chị Lưu Thị Phương (Chùa Láng, Hà Nội) lại kịch liệt phản đối ý kiến trên: “Bạn không thấy gần đây có quá nhiều chuyện bạo hành trẻ em, tai nạn học đường xảy ra à? Vấn đề là vì phụ huynh học sinh quá lo sợ, hoang mang, thấp thỏm không yên nên phải theo dõi qua camera xem con mình có bình yên không, có bị đánh đập không. 

Bao giờ mà sự an toàn của trẻ em được bảo vệ tối cao, chuyện đánh trẻ em dù chỉ một cái tát hay một roi ngay lập tức bị xử phạt thì phụ huynh học sinh không cần phải từng phút trông nom con mình qua camera nữa. Ai muốn phiền hà các cô làm gì”.

Thăm dò ý kiến: Quý độc giả cho rằng, có nên theo dõi camera lớp học của con hay không?

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận