10:48 16/07/2025

Báo động hệ lụy từ sự nuông chiều con vô nguyên tắc trong nhiều gia đình

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Một số phụ huynh có xu hướng nuông chiều con, đáp ứng mọi yêu cầu vì tình thương hoặc muốn bù đắp, nhưng vô tình lại khiến trẻ trở nên ích kỷ, bướng bỉnh và thiếu kỹ năng sống.

1.001 câu chuyện đau lòng: Yêu con sai cách - Những bi kịch từ sự nuông chiều

“Con tôi chỉ cần giận là đập phá. Hôm trước, cháu đập vỡ tivi chỉ vì tôi không cho chơi game”, chị Thủy - một phụ huynh tại Hà Nội chia sẻ trong buổi tư vấn tâm lý học đường. Câu chuyện ấy không còn là hiếm trong bối cảnh nhiều bậc cha mẹ hiện đại sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để con “không bị tổn thương”. Nhưng liệu có khi nào, chính cách yêu thương ấy lại vô tình trở thành điều khiến con tổn thương nhiều hơn?

Năm 2025, chứng kiến nhiều vụ việc gây chấn động do trẻ dưới 16 tuổi gây ra: từ cầm dao tấn công người thân, đánh chết bạn học, đến mang hung khí vào trường để giải quyết mâu thuẫn. Phía sau những hành vi ấy là những lời chia sẻ đầy xót xa từ cha mẹ: “Chúng tôi chỉ muốn con được sống đầy đủ, không phải chịu bất kỳ áp lực nào…”. Tuy nhiên, rõ ràng, tình yêu thương nếu thiếu đi giới hạn và trách nhiệm có thể trở thành mầm mống dẫn đến lệch chuẩn trong hành vi và cảm xúc ở trẻ.

Mới đây, dư luận không khỏi bàng hoàng và xót xa trước vụ án Đặng Khánh Linh (SN 2008, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bị truy tố về tội “Giết người” theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự. Điều đau lòng hơn cả, nạn nhân trong vụ án này lại chính là bố và mẹ của bị can.

Theo cáo trạng, do bức xúc vì thường xuyên bị bố mẹ mắng chửi và ép buộc phải đi học, khoảng 3h sáng ngày 16/11/2024, khi đang nằm xem tivi tại phòng riêng ở tầng 3, Linh đã nảy sinh ý định dùng dao sát hại bố mẹ.

Trước đó, trong năm 2024, Linh từng bỏ nhà đi lang thang, tụ tập với bạn bè trong suốt ba ngày. Khi được bố mẹ tìm thấy và đưa về nhà, chị Hạnh - mẹ của Linh - vì quá tức giận nên đã lớn tiếng quát mắng, đồng thời cấm con gái tiếp xúc với bạn bè, sử dụng điện thoại và mạng xã hội. Linh nhiều lần đề nghị được ra ngoài sống riêng nhưng đều bị từ chối.

Bức xúc, Linh đã nảy sinh ý định sát hại bố mẹ.

tp-thanh-thieu-nien-2-730
Các đối tượng trong vụ quái xế ở Hà Nội hầu hết sinh 2005 - 2008. Ảnh: Tiền phong

Mới đây, dư luận cũng hết sức phẫn nộ khi một nhóm quái xế, trong đó có nhiều đối tượng chưa đủ tuổi thành niên đã gây ra cái chết cho một cô gái tại ngã tư thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngay sau đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã triệu tập 10 quái xế để điều tra, làm rõ sự việc.

Không chỉ bi kịch cho cô gái trẻ mất mạng, các quái xế gây ra tai nạn đều còn rất trẻ tuổi. Tài xế trực tiếp gây ra tai nạn N.T.M.K (sinh năm 2008, thường trú Hữu Hòa, Thanh Trì (cũ), Hà Nội) còn chưa đủ vị thành niên.

Việc cha mẹ chiều con, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi không phải là vấn đề mới nhưng đã và đang gây ra những hậu quả đau lòng. Không ít cha mẹ đã phải vướng vòng lao lý chỉ vì chiều con bất chấp.

Câu chuyện cha mẹ chăm con quá đà, nuông chiều theo ý thích của con với tâm lý con vui là được và bảo vệ con bất chấp đúng sai vẫn là câu chuyện không mới.

Các cha mẹ dạy con, chăm con, lo cho con nhưng không hề quan tâm đến các thông điệp sẽ trao cho con. Nếu "chăm bẵm con quá đà", con sẽ nghĩ mọi người phải có trách nhiệm chăm sóc mình, mình không phải làm gì cả, rằng mọi thứ ngoài kia thật đáng sợ, phải để cha mẹ làm giúp, lo giúp, chứ mình không thể làm được.

Ngay cả việc cha mẹ nhắc con học, treo thưởng nếu con được điểm tốt, con sẽ không tự giác mà nghĩ, việc học là vì bố mẹ. Vì thế, con không có ý thức học mà chỉ học để đối phó cho xong chứ không xác định được việc học là tương lai cho mình.

Nếu bố mẹ tạo điều kiện không để con làm việc nhà, con sẽ vô trách nhiệm với chính mình và gia đình. Con sẽ luôn nghĩ nhà của bố mẹ, không phải của mình, coi mình không khác gì người ở trọ nên không chịu làm gì cả. Vậy yêu thương con như nào là đúng cách?

Yêu thương không đồng nghĩa với nuông chiều

dạy con
Cha mẹ nuông chiều con thái quá có thể tạo ra những đứa trẻ khó dạy bảo.

PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Khi cha mẹ luôn cố gắng để con “được vui”, “không bị tổn thương” mà đáp ứng mọi yêu sách của con hậu quả sẽ khôn lường. Đứa trẻ được chiều chuộng quá rất dễ sinh hư. Chúng luôn cho rằng, mình là trung tâm của thế giới, mọi người phải xoay quanh chúng, cung phụng, chiều chuộng chúng. Nên khi có gì trái ý chúng, bố mẹ lỡ nặng lời với chúng, chúng dễ nổi loạn, không biết cách điều chỉnh cảm xúc, và đánh mất năng lực ứng phó với thực tế”.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý - Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Không có đứa trẻ nào tự nhiên mà hư. Nếu con trở nên ích kỷ, dễ nổi nóng hay có hành vi bạo lực, phần lớn là vì người lớn đã không dạy con cách chịu trách nhiệm và ứng xử đúng mực. Cha mẹ cần nhớ: không phải cứ yêu thương nhiều là con sẽ ngoan, điều trẻ thật sự cần là tình yêu có giới hạn, đi kèm với sự định hướng, kỷ luật đúng lúc”.

Theo Báo cáo chuyên đề của Trung tâm Tâm lý - Giáo dục TP. Hồ Chí Minh năm 2025, nhóm trẻ được giáo dục bằng phương pháp “yêu thương có điều kiện và kỷ luật tích cực” có khả năng kiểm soát hành vi tốt hơn 27% so với nhóm được nuôi dưỡng bằng chiều chuộng vô điều kiện.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý - Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, trong các vụ việc đáng tiếc xảy ra với trẻ dưới 16 tuổi, phần lớn cha mẹ đều thừa nhận mình đã “nhường con quá mức”, hoặc “can thiệp thay con trong mọi tình huống”. Đó là một lối giáo dục phổ biến hiện nay, khi nhiều bậc phụ huynh sợ con buồn, sợ con thua bạn, sợ con bị ảnh hưởng tâm lý… nên quyết định “làm hộ” từ lựa chọn quần áo đến giải quyết mâu thuẫn trong lớp học.

Sự tiếp tay ấy làm trẻ thiếu khả năng tự phục hồi tâm lý, không phát triển được bản lĩnh, dễ sụp đổ hoặc bùng nổ trước áp lực.

Đã đến lúc cần định vị lại vai trò làm cha mẹ: không phải là người “giải cứu”, mà là người hướng dẫn. Không phải ai yêu con nhiều hơn là tốt, mà ai dạy con biết tự đứng vững, biết kiểm soát hành vi, biết tôn trọng giới hạn - người đó mới là bậc làm cha mẹ đúng nghĩa.

(Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận