Nhà giáo Phạm Thị Ngọc: Hạnh phúc không chỉ đến từ thành tích của học sinh mà còn từ mối quan hệ thầy trò chân thành
Nhà giáo Phạm Thị Ngọc, Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, trong những lúc trống vắng và mệt mỏi, chênh vênh nhất, chính tình cảm chân thành của những cô cậu học trò nhỏ bộc trực và đầy năng lượng là điểm tựa giúp cô có thêm động lực, thêm niềm tin yêu để gắn bó và say mê với nghề.
Những trăn trở khi bén duyên với nghề
Gần 10 năm gắn bó công việc nghề giáo, nhà giáo Phạm Thị Ngọc chia sẻ, những ngày đầu bén duyên với nghề, cô mang theo hành trang là những kiến thức được giảng dạy tại trường đại học, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đã khiến cô tin bản thân có thể chinh phục mọi thử thách trong nghề giáo.
Tuy nhiên, những tiết học đầu tiên trôi qua trong sự im lặng của học sinh khiến cô nhận ra khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trong giảng dạy thật sự rất xa vời. Những gì cô học được trên giảng đường dường như không đủ để đối mặt với những tình huống thực tế trong lớp học.
"Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những tiết học đầu tiên, tôi cảm thấy thất vọng khi học sinh không hứng thú với bài giảng của mình. Tôi nhận ra rằng, việc truyền đạt kiến thức không đơn giản như những gì tôi đã tưởng tượng. Sự thờ ơ của học sinh đã khiến tôi bắt đầu đặt câu hỏi về phương pháp giảng dạy của mình. Liệu tôi có đang đi đúng hướng?", cô Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, không chỉ có việc soạn giáo án, cô Ngọc còn phải đối mặt với rất nhiều công việc khác như họp hành, sổ sách, tư vấn cho học sinh và phụ huynh. Điều này khiến cô cảm thấy quá tải, mệt mỏi và chán nản. Áp lực từ khối công việc khổng lồ khiến cô ngày càng kiệt sức và muốn buông xuôi. Cô luôn tự hỏi rằng: “Mình sẽ chịu đựng công việc này đến bao giờ?”, “Liệu mình có thể tiếp tục làm công việc này lâu dài không?”.
Chìm trong những trăn trở, lo toan ấy, chính học sinh - những người không giàu kinh nghiệm, trải nghiệm nhưng lại có năng lượng sống tích cực đã mang đến cho cô những bài học sâu sắc về hạnh phúc. Một cô bé học trò của cô lúc nào cũng rạng rỡ đã nói với cô rằng: “Hạnh phúc của em là niềm vui được tới trường, gặp gỡ bạn bè và học hỏi những kiến thức mới từ thầy cô ạ”.
"Câu nói ấy như một tia nắng ấm áp, xua tan đi những mệt mỏi trong tôi và giúp tôi nhìn nhận cuộc sống theo một góc độ tích cực hơn. Lời nói hồn nhiên của cô bé đã thay đổi góc nhìn của tôi về hạnh phúc, hoá ra hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình khám phá tri thức. Niềm vui sống vốn dĩ là những điều giản đơn hiện hữu xung quanh mỗi người nhưng trước giờ lại luôn bị bỏ qua bởi những lo toan ngoài kia”, cô Ngọc nói.
Khi giáo viên chia sẻ và đồng cảm, học sinh sẽ hành động đúng đắn
Trước đây khi còn là một đứa trẻ ngồi trên ghế nhà trường, cô Phạm Thị Ngọc từng có một trải nghiệm không vui trong tiết học môn Ngữ Văn. Khi nhận được bài tập về nhà là viết một bài văn về một chủ đề mà cô rất yêu thích, cô đã dành rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị một cách chỉn chu nhất cho bài văn ấy. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nó không những không được điểm cao mà ngược lại, bài văn ấy bị cô giáo phê bình rất gay gắt trước lớp. Lời phê bình ấy như một gáo nước lạnh dội vào tâm hồn cô, khiến cô mất đi niềm tin vào khả năng của mình.
“Trải nghiệm ấy như một vết sẹo lòng đối với tôi. Nó khiến tôi mất đi sự tự tin vốn có ban đầu và bắt đầu nghi ngờ về khả năng của bản thân. Tôi dần thu mình và sợ hãi việc bị phê bình và đánh giá”, cô Ngọc bộc bạch.
Chính vì lẽ đó, khi chứng kiến cô học trò tên T. của mình sau khoảng thời gian nhập học đã tự ý nhuộm cho mình một mái tóc màu xanh và tuyên bố về quyền tự do cá tính, cô đã không hề tức giận vì cô hiểu việc phê bình và phán xét em trước lớp có thể làm tổn thương lòng tự trọng của T. và cô không muốn khiến em phải trải qua những khoảnh khắc xấu hổ nhất trong cuộc đời.
Sau một quãng thời gian tìm hiểu và tiếp xúc, cô nhận ra cô bé học sinh này có một vốn kiến thức đáng nể, không những giỏi giang mà còn rất am hiểu về văn hóa và thời trang. Em là một học sinh xuất sắc, chỉ thiếu một chút may mắn để vào được trường chuyên. Từ đó, cô Ngọc đã tạo cơ hội để T. chia sẻ suy nghĩ của mình và lắng nghe những điều em muốn nói. Bằng cách khen ngợi sự thẳng thắn và quyết đoán của T., em đã dần mở lòng và chia sẻ suy nghĩ của mình. Những thất bại trong kỳ thi chuyển cấp đã khiến T. cảm thấy thất vọng và hoang mang, hoài nghi về bản thân. Trong cơn bế tắc, em đã tìm cách khẳng định bản thân bằng một hành động nổi loạn.
“Sau khi khẳng định con là một người có cá tính mạnh mẽ, tôi đã giải thích cho con hiểu rằng mỗi thế hệ có một phong cách riêng, tôi tôn trọng điều đó. Tuy nhiên, việc nhuộm tóc quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và thiếu sự tôn trọng đối với cơ thể bản thân”, cô Ngọc nói.
Bên cạnh đó, cô Ngọc cũng nhấn mạnh với T. rằng: “Việc khẳng định giá trị bản thân không được quyết định ở việc các em nhuộm tóc màu gì, mặc bộ đồ như thế nào và phong cách thời trang ra sao, mà giá trị của mỗi con người nằm ở hành động họ làm, suy nghĩ họ có, và trí tuệ họ đang rèn luyện. Chúng ta có quyền bình đẳng trong ước mơ và sự phát triển của bản thân nhưng hãy học cách khẳng định bản thân qua việc tôn trọng và phát triển bản thân mình”.
Câu nói về sự bình đẳng trong ước mơ đã chạm đến trái tim T.. Cô bé đã có một bước trưởng thành đáng kể khi sau ngày hôm ấy, em đã thay đổi màu tóc của mình. T. đã hiểu rằng, việc thể hiện bản thân không chỉ là hình ảnh bên ngoài mà ở những giá trị mà mình mang lại.
Trở thành một người thầy tâm lý
Cô giáo Phạm Thị Ngọc chưa từng nghĩ mình có thể trở thành một người giáo viên. Trong suy nghĩ của cô bé thơ ngây lúc ấy, nghề giáo là một nghề cứng nhắc, gò bó và thiếu sự sáng tạo khi một bài học được giảng dạy lặp đi lặp lại ở nhiều khóa. Vì vậy, khi có cơ duyên làm nghề, cô đã quyết tâm làm sao cho những bài học của mình phải có sự đổi mới và ít khuôn mẫu nhất có thể.
“Những tiết học hoàn hảo không phải là việc giảng dạy hết bao nhiêu trang giáo án, truyền thụ cho học sinh của mình bao nhiêu tri thức mà một tiết học ý nghĩa phải tạo cho các học trò niềm say mê, thích thú và hứng khởi. Đặc biệt qua các bài giảng đó các con cần biết cách áp dụng vào thực tiễn cuộc sống”, cô Ngọc bày tỏ.
Theo cô Ngọc, giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là việc nuôi dưỡng tâm hồn học trò. Có thể nói, mọi triết lý giáo dục, mọi phương pháp giảng dạy đều sáo rỗng và vô nghĩa nếu nó không đến từ sự yêu thương chân thành, sự thấu hiểu của thầy cô với học sinh. Đằng sau mỗi câu chuyện, các em đều có những nỗi trăn trở của riêng mình, sự lắng nghe và chia sẻ không chỉ giúp học sinh tiến bộ mà còn giúp thầy cô tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc.
Chính những điều hồn nhiên, trong trẻo và đầy năng lượng của những cô cậu học trò nhỏ đã khiến cô nhận ra rằng, hạnh phúc không phải là một điều quá xa vời mà nó đến từ những điều vô cùng gần gũi trong cuộc sống.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất