Nhiều địa phương tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học
Sau vụ việc hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa trưa tại trường, trong đó có 1 trẻ tử vong khiến các bậc phụ huynh thêm hoang mang, lo lắng, nhiều tỉnh, thành đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn bán trú trường học.
Theo Giáo dục& Thời đại, để hạn chế các sự việc đáng tiếc xảy ra liên quan đến an toàn thực phẩm, Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú trường học.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Văn Yên (quận Hà Đông) ngày 26/11, từ 6h sáng, khi xe thực phẩm đến trường cũng là lúc đại diện hội phụ huynh nhà trường có mặt để kiểm tra khâu giao - nhận. Nhiều năm qua, hội phụ huynh nhà trường đã duy trì hoạt động giám sát độc lập này.
Anh Bạch Ngọc Đức, một người dân ở phường Văn Yên, quận Hà Đông, cho biết: "Chúng tôi thường kiểm tra đột xuất để khách quan nhất khi kiểm tra thực phẩm. Thực phẩm có đúng như nhà trường niêm yết không, thực phẩm có tươi ngon không. Chúng tôi đều ghi nhận, phản hồi cho ban giám hiệu".
Bà Phương Thị Thìn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Yên chia sẻ: Với sĩ số hơn 3.000 học sinh, áp lực đảm bảo an toàn thực phẩm của nhà trường là rất lớn. Về phía nhà trường, việc giám sát công tác tổ chức bữa ăn học đường luôn được đặt trong trạng thái thường nhật và được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên. Kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường đều chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.
Hàng ngày, từ 5h30 sáng, Ban giám hiệu đã phân công lãnh đạo, giáo viên có mặt tại trường để kiểm tra xem nhãn hàng, tem mác định lượng khẩu phần ăn của học sinh. Tiếp theo là quá trình sơ chế, nhà trường cũng phải thường xuyên có người giám sát, đặc biệt là bộ phận y tế.
Gần một tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung tâm Y tế và Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đã kiểm tra được 62 bếp ăn bán trú trường học, trong đó có 38 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 1 trường THCS. Qua công tác kiểm tra, ý thức chấp hành và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể được cải thiện.
Tương tự, trong năm học 2022-2023, quận Nam Từ Liêm có 100 trường học với tổng số hơn 84.000 học sinh. Với một lượng học sinh lớn như vậy, việc quản lý bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với chính quyền địa phương.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết: Những năm qua, cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đột xuất việc cung cấp, chế biến suất ăn. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, quận đã đánh giá được thực trạng cũng như điều kiện của các trường, từ đó có biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thực phẩm tốt nhất cho học sinh.
Theo Thanh niên, hiện TPHCM có khoảng 1.800 cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn cho học sinh với hình thức tổ chức bếp ăn tại chỗ và hợp đồng cung cấp suất suất ăn công nghiệp.
Ngày 25/11, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo, giao Phòng Chính trị tư tưởng của Sở tăng cường tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, an ninh trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác tư vấn học đường tại các trường học.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng của Sở GD-ĐT, công tác kiểm tra ATVSTP nằm trong kế hoạch kiểm tra giám sát đảm bảo an toàn cho học sinh đã thực hiện ngay từ đầu năm học.
Gần đây nhất là vào đầu tháng 11, Sở GD-ĐT đã phối hợp cùng Ban ATVSTP TPHCM thành lập 2 đoàn kiểm tra việc tổ chức bữa ăn và các công tác an toàn cho học sinh ở 2 quận, huyện. Trong những ngày tới, Sở GD-ĐT sẽ cùng cơ quan quản lý chuyên môn về ATVSTP tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát để các trường quan tâm, tổ chức tốt hơn nữa, theo ông Trọng.
Riêng tại Quận 8, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận này, thông tin, từ ngày 29/11, đơn vị sẽ phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế của quận kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời chấn chỉnh việc đảm bảo ATVSTP. Ông Dân đồng thời cho biết đã yêu cầu các trường học từ mầm non đến THCS có kế hoạch mời phụ huynh cùng tham gia giám sát bữa ăn bán trú.
Trao đổi với báo chí về vấn đề đảm bảo ATVSTP học đường, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, cho hay trường học là đối tượng ưu tiên trong công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP.
Để đảm bảo ATVSTP trong các bữa ăn của học sinh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề nghị trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, quản lý, người chế biến.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng đề nghị nhà trường thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn tập thể, căn tin, dịch vụ ăn uống trong trường học và cơ sở cung cấp suất ăn cho trường nhằm ngăn ngừa ngộ độc tập thể, sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh, sinh viên, theo bà Phong Lan.
Vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ đã kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học. Đây là đợt kiểm tra đột xuất để giám sát tình hình thực tế tại bếp ăn. Mục tiêu là chấn chỉnh công tác tổ chức bán trú, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học. Đoàn tập trung vào các nội dung như chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, khâu chế biến, chất lượng bữa ăn.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ lưu ý các trường không được lơ là, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn các bữa ăn bán trú. Lực lượng bếp ăn phải được đào tạo qua các khóa về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn gốc nguyên liệu phải có xuất xứ rõ ràng. Bởi nếu không may ngộ độc thực phẩm xảy ra, trẻ mầm non sẽ bị nặng hơn các khối lớp khác. Toàn thành phố Cần Thơ có 340 trường mầm non và tiểu học với hơn 76.000 học sinh bán trú.
Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục quận Ninh Kiều đều phối hợp với ngành y tế địa phương triển khai tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng, những người làm công tác bán trú, lãnh đạo nhà trường, xây dựng phương án xử lý sự cố khi xảy ra ngộ độc trong trường nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ông Võ Hồng Lam, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều cho biết: Phòng có chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực các khâu từ kiểm duyệt đơn vị cung cấp thực phẩm, đến chế biến và bảo quản tuân thủ nguyên tắc theo quy định của y tế.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn VSATTP và bếp ăn tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, Sở đã tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở GD có tổ chức bán trú.
Qua kiểm tra các cơ sở giáo dục, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đánh giá cao việc tổ chức thực hiện bán trú của các trường. Nhà trường chấp hành nghiêm quy định về an toàn VSATTP, quy chế nhà trường. Đội ngũ cán bộ nhân viên đều được tập huấn đầy đủ các nội dung kiến thức an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường. Cơ sở vật chất đồ dùng bếp ăn được xếp ngăn nắp, gọn gàng đảm bảo theo quy định, chất lượng bữa ăn học đường được nâng lên so với những lần kiểm tra trước đây. Kế hoạch tới đây ngành giáo dục sẽ kiểm tra các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, tiếp tục quán triệt triển khai các văn bản liên quan đến lớp học bán trú, bữa ăn học đường; tiếp tục phối hợp liên ngành tổ chức triển khai kiểm tra đột xuất.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất