10:05 16/04/2024

Những kỹ năng cần dạy trẻ nhỏ khi bị lạc

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An

Trẻ nhỏ có thể bị đi lạc với rất nhiều tình huống khác nhau, vì vậy ngay khi chúng có thể ghi nhớ thì cha mẹ và nhà trường cần trang bị những kiến thức cần thiết.

Tối 15/4, Công an TP Hà Nội phát thông báo tìm kiếm bé gái 11 tuổi "mất tích" sau khi xuống xe buýt đi bộ.

Trước đó, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tiếp nhận thông tin từ gia đình cháu Nguyễn Mai Khánh An (SN 2013, trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy) về việc cháu đi khỏi nhà chưa về.

Thời điểm trước khi mất liên lạc, cháu An lên xe buýt số 32 tại điểm bắt xe dưới chân toà nhà 302 Cầu Giấy, khi đến điểm cuối bến xe Nhổn thì đi bộ ngược về Hồ Tùng Mậu.

Gia đình cho biết, khi đi cháu mặc áo phông ngắn tay xanh lá, quần dài màu nâu, tóc ngang vai, đeo balo hồng.

Câu chuyện xảy ra trên đây một lần nữa đặt ra các tình huống không may có thể xảy ra với trẻ nhỏ, vậy các bậc cha mẹ và nhà trường đã trang bị kiến thức, kỹ năng sống ra sao để trẻ nhỏ có thể tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm rình rập xung quanh?

Trẻ mất tích ở nhà

Với tình huống này, nếu trẻ chỉ trốn ở đâu đó trong nhà, khi đó chúng có thể vẫn ổn, ngay cả khi cha mẹ không tìm thấy con trong 15 hoặc 20 phút. Tuy nhiên, trái lại, trẻ có thể sẽ gặp nguy hiểm nếu trốn trong cốp xe ô tô, thậm chí, một chiếc tủ lạnh cũ, hay đi đến những khu vực nguy hiểm.

Lúc này, ngoài việc kêu cứu, người lớn nên nhanh chóng tìm đến những khu vực nguy hiểm. Trong đó, hãy kiểm tra hồ bơi, bồn tắm nước nóng, ao, suối, hồ hoặc bất kỳ vùng nước nào gần đó.

Hãy nhớ rằng, trẻ có thể đuối nước chỉ trong vài phút ở hồ bơi hoặc ao ở sân sau. Vì vậy, đó phải là những nơi kiểm tra đầu tiên, thay vì bên dưới giường hoặc trong tủ quần áo.

Trẻ cũng có nguy cơ lạc trên con phố có nhiều người qua lại. Sau đó, hãy liên hệ với những người hàng xóm mà trẻ thường đến thăm hoặc chơi cùng, đồng thời nhờ tìm trẻ ở những nơi vui chơi gần nhà.

trebilac
Bé gái 11 tuổi ở Hà Nội mất tích sau khi đi xe buýt. Ảnh: Công an Hà Nội

Trẻ bị lạc ở nơi công cộng

Trường hợp trẻ bị lạc ở nơi công cộng như siêu thị, sở thú hoặc công viên giải trí,… cha mẹ hãy nhờ một nhân viên gần đó giúp đỡ. Nhân viên này có thể thông báo cho bộ phận bảo vệ hoặc người quản lý và đưa ra lời tìm kiếm qua hệ thống phát thanh.

Cha mẹ có thể đưa ra cách xử lý tiếp theo tùy thuộc vào vị trí của phụ huynh và liệu có bất kỳ khu vực nguy hiểm cao nào gần đó hay không? Cụ thể, hãy kiểm tra bất kỳ khu vực nguy hiểm nào tại nơi con mất tích, hoặc đến địa điểm đã giao hẹn với con nếu có.

Trong trường hợp không thấy trẻ, hãy gọi cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương để được trợ giúp thêm.

Dạy trẻ những điều cần biết nếu bị lạc

Mặc dù không ai muốn tưởng tượng việc con mình bị lạc, đặc biệt là tại một địa điểm đông đúc như trung tâm mua sắm, sân bay hoặc công viên nước. Điều quan trọng là bạn phải xem xét khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị cho con mình tốt nhất có thể. Bằng cách này, nếu chẳng may bị lạc, trẻ sẽ biết một số mẹo an toàn cơ bản về cách xử lý tình huống.

baovetreem
Trẻ em rất cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ khi ra nơi công cộng. Ảnh: Getty Images

1. Dạy con ghi nhớ số điện thoại, địa chỉ nhà

Cha mẹ nên bắt đầu bằng cách dạy con mình ghi nhớ tên đầy đủ, số điện thoại di động của bạn ngay khi có thể. Bằng cách đó, nếu chúng bị lạc xa nhà - chẳng hạn như ở công viên giải trí hoặc lễ hội, trẻ có thể nhờ người gọi cho bạn.

Một trong những cách được nhiều chuyên gia khuyên rằng, nên đan xen dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ vào trong các câu chuyện hàng ngày với con.

Phụ huynh cần lặp đi lặp lại những câu hỏi “Con tên gì, nhà ở đâu, số điện thoại của mẹ thế nào…?”. Bằng cách này, nếu bị lạc, trẻ có thể nói cho ai đó biết cha mẹ mình là ai. Cha mẹ hãy giúp trẻ thích học tên của phụ huynh bằng cách trình bày nó như một điều gì đó đặc biệt.

2. Dặn con nơi lưu thông tin gia đình khi bị lạc

Nếu trẻ không thể ghi nhớ số điện thoại hoặc địa chỉ của nhà mình, bạn có thể viết số điện thoại di động vào balo, giày, tất… của trẻ. Sau đó, hãy nhắc con bạn nơi đặt tờ giấy hoặc nhãn dán trước khi đến điểm đến của bạn để chúng biết nó ở đâu và có thể nhờ người khác giúp nếu chúng bị tách khỏi bạn.

3. Kỹ năng nhờ giúp đỡ

Dạy về sự an toàn cho trẻ cũng giống như việc hướng dẫn trẻ đi qua đường. Phụ huynh cần cung cấp cho trẻ những quy tắc tích cực, trao quyền cho hành vi an toàn, thay vì chỉ ra tất cả những điều nguy hiểm có thể làm tổn thương con.

Khi đi lạc, trẻ cũng có nguy cơ bị kẻ xấu lừa dối bằng cách đưa cho những đồ vật hoặc mời đi theo. Việc cha mẹ dạy con kỹ năng không đi theo và nhận đồ của người lạ là rất quan trọng để bé biết cách bảo vệ mình. Phụ huynh cần giáo dục cho con biết rằng, không nên nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, dù đó là đồ chơi hay thức ăn.

Việc dạy con “đừng bao giờ nói chuyện với người lạ” là một sai lầm lớn của cha mẹ. Thay vào đó, cha mẹ cần dạy con không bao giờ được đi bất cứ đâu với bất cứ ai mà không xin phép phụ huynh trước. Đây là bài học mà cha mẹ nên thực hiện ngay khi bắt đầu nói chuyện với trẻ về sự an toàn.

Bằng cách này, phụ huynh cần dạy trẻ cách giao tiếp với người lạ. Với trẻ mẫu giáo nên nhờ một người mẹ khác có con giúp đỡ. Trẻ lớn hơn có thể học cách hỏi nhân viên cảnh sát, nhân viên bảo vệ hoặc người bán hàng, thông qua các đặc điểm nhận diện như quần áo đồng phục, bảng tên… An toàn hơn có thể hướng dẫn con cách tìm đến khu vực như quầy lễ tân, quầy thanh toán, đồn cảnh sát… để nhờ giúp đỡ. 

4. Đề cập đến việc đi lạc

Ngay từ khi trẻ con bé, trí nhớ của trẻ tốt và dễ dàng ghi nhớ nên cha mẹ hãy thường xuyên là người kể chuyện và hướng dẫn nếu như lạc đường các bé cần phải biết làm gì.

Giúp trẻ hình dung ra câu chuyện mà bạn đang nói tới và đưa ra những phương án, cách xử lý ra sao nếu đi lạc bố mẹ. Dùng những từ ngữ dễ hiểu, tích cực và chuẩn bị cho con tâm lý phải bình tĩnh trước mọi tình huống. Đồng thời, đọc những cuốn sách an toàn, giải thích và cùng trẻ xác định “người lạ an toàn” và nhận ra tình huống nguy hiểm.

Cha mẹ có thể tạo dựng những tình huống thật cụ thể để xem trẻ tự xử lý thế nào. Đặc biệt, cần thực tập điều này ở nhà hoặc trong không gian công cộng an toàn. Ví dụ hãy yêu cầu con tự tìm đường về nhà dưới sự giám sát của ba mẹ.

Dành lời khen ngợi khi trẻ làm tốt và hướng dẫn nếu trẻ có điều gì vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc để con tự mình xử lý tình huống, không cần đến sự trợ giúp của ba mẹ sẽ giúp trẻ tự suy nghĩ, tìm phương án giải quyết sẽ hình thành thói quen tự lập của con.

Ngoài ra, cha mẹ có thể trang bị đồng hồ hoặc thiết bị định vị cho trẻ - đây là một giải pháp hiệu quả giúp cha mẹ theo dõi và tìm kiếm được vị trí của trẻ nhanh chóng trong trường hợp trẻ bị lạc. Nhờ đó, tạo cho cha mẹ và trẻ một cảm giác an toàn, yên tâm hơn khi ra ngoài chơi hoặc đi du lịch. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là thiết bị định vị không phải giải pháp tuyệt đối để bảo vệ trẻ khỏi bị lạc. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và chăm sóc trẻ một cách cẩn thận.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận