Lùm xùm tại trường Quốc tế Mỹ Việt Nam: Quyền học tập của trẻ em có bị ảnh hưởng?
Ngày 18/3, trường Quốc tế Mỹ Việt Nam bất ngờ thông báo cho học sinh nghỉ học, do 95% giáo viên không đi dạy vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán. Dư luận bàng hoàng đặt câu hỏi: Liệu quyền học tập của học sinh có được đảm bảo và bà Nguyễn Thị Út Em là ai?
Chủ sở hữu Trường Quốc tế AISVN hoạt động ra sao?
Theo thông tin trên website, bà Nguyễn Thị Út Em (sinh năm 1963) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN), có địa chỉ ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, thuộc CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS.
Bà Nguyễn Thị Út Em hiện đang là người đại diện của nhiều công ty như CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS, CTCP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ, CTCP Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ, CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế, CTCP Tập đoàn Quốc tế Mỹ.
Trong đó, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS hoạt động từ tháng 10/2018 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là bà Nguyễn Thị Út Em nắm 90% vốn, ông Hồ Quang Trung nắm 9,9% và ông Hồ Quang Tri nắm 0,1%. Tuy nhiên, chỉ 15 ngày sau khi thành lập (ngày 25/10/2018), CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đã nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS cũng đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nhiều lô trái phiếu. Trong đó 2 lô trái phiếu 250 tỷ phát hành tháng 10/2021 và tháng 1/2022 đã đáo hạn; Còn 1 lô trái phiếu gần 318 tỷ phát hành tháng 10/2022 sẽ đáo hạn vào tháng 9/2024. Theo tìm hiểu, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là đại lý lưu ký thanh toán cho lô trái phiếu này. Tuy nhiên, ngày 20/9/2023, Chứng khoán Dầu khí cho biết doanh nghiệp đã không thanh toán đầy đủ đúng hạn tiền lãi vào ngày đến hạn thanh toán và không thể khắc phục được trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đến hạn.
CTCP Đầu tư Giáo dục Quốc tế Mỹ có vốn điều lệ 745,28 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Đại học Quốc tế Mỹ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế vốn điều lệ 300 tỷ, bà Em sở hữu 80%, CTCP Tập đoàn Quốc tế Mỹ vốn điều lệ 90 tỷ, bà Em sở hữu 70%.
Học phí Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam đắt đỏ nhất TP. Hồ Chí Minh
Trường Quốc tế AISVN sở hữu khuôn viên rộng 6,5 ha tại 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là trụ sở chính của CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS và nhiều doanh nghiệp khác thuộc "hệ sinh thái" giáo dục của bà Út Em.
Năm 2001, bà Út Em đã thành lập một trường cao đẳng - đại học quốc tế (dạy chương trình Hoa Kỳ) tại TP. Hồ Chí Minh, theo tiêu chí phi lợi nhuận, đây là trường đầu tiên ở Việt Nam đạt được kiểm định bởi Hiệp hội các trường miền Nam Hoa Kỳ (Southern Association of Colleges and Schools - SACS) năm 2003.
Tháng 8/2006, bà Út Em đã thành lập Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) với tầm nhìn một trường quốc tế phổ thông liên cấp, từ cấp mẫu giáo đến lớp 12, không giới hạn về số lượng học sinh là người Việt Nam, hoạt động theo tiêu chí phi lợi nhuận.
Hiện tại, trường có khoảng 1.400 học sinh, 300 nhân viên trong nước, 200 giáo viên nước ngoài.
Theo công khai trên website, năm học 2023-2024, học phí của trường từ mầm non đến lớp 12 là từ 280 triệu - 725 triệu/năm, là một trong những trường phổ thông có mức học phí đắt đỏ nhất TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, học sinh ngay khi nộp đơn đăng ký nhập học sẽ phải đóng phí đầu vào là 2,5 triệu đồng, đối với khối khám phá (dự bị tiểu học) là 1,5 triệu đồng. Phí ghi danh cho tiểu học là 45 triệu đồng, lớp 6-10 là 35 triệu đồng và lớp 11-12 là 25 triệu đồng.
Trong đó, khoản phí này phải đóng trước khi nhập học và sẽ không được hoàn lại. Nhà trường còn có một loại phí nữa là phí chương trình phát triển Anh ngữ bổ sung, thu học sinh lớp 1-5 là 40 triệu đồng, thu học sinh lớp 6-10 là 50 triệu đồng.
Lùm xùm liên quan đến tài chính tại Trường Quốc tế AISVN
Vào cuối tháng 9/2023, AISVN dính lùm xùm huy động vốn từ phụ huynh hàng tỷ đồng, theo chương trình gọi là "đầu tư hoàn lại 100%". Cụ thể, nhiều phụ huynh đã kéo đến AISVN yêu cầu bà Út Em thanh toán tiền theo hợp đồng hoàn vốn. Những phụ huynh này cho biết có con từng học tại trường, được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học. Điều kiện là phụ huynh sẽ cho trường vay tiền. Nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết con của họ kết thúc thời gian học tại trường đã lâu nhưng vẫn chưa được hoàn trả tiền. Các phụ huynh sau đó đã làm đơn gửi lên Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, AISVN cho hay bị ảnh hưởng nghiêm trọng những năm dịch Covid-19, khi phải chi trả lương và các phúc lợi cho người lao động trong và ngoài nước. Trường thừa nhận thiếu sót trong quản trị tài chính nên phải đối mặt với các khó khăn, thách thức trong thời gian gần đây.
Mới đây (hôm 17/3), nhà trường có cuộc họp với phụ huynh học sinh; trong biên bản cuộc họp có thông tin phần lớn giáo viên sẽ không đi dạy vào ngày 18/3 vì các khoản lương, bảo hiểm chưa được thanh toán.
Trường đang gặp khó khăn về tài chính nên không chi trả lương đầy đủ và đúng hạn cho đội ngũ giáo viên và nhân viên. Sau cuộc họp, tối 17/3, Hội đồng trường thông báo tới phụ huynh sẽ cho học sinh của trường tạm nghỉ học ngày 18/3.
Thông tin từ phụ huynh, mục đích cuộc họp, bà Nguyễn Thị Út Em và tập thể phụ huynh tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết tình hình khó khăn về tài chính dẫn đến việc không thể trả lương đầy đủ và đúng hạn cho giáo viên và nhân viên trường. Hai bên đã tìm kiếm các giải pháp khác nhau, trong đó, giải pháp vận động phụ huynh tiếp tục đóng thêm tiền để ủng hộ nhà trường AISVN gặp nhiều khó khăn và gần như không khả thi.
Theo Zing, trong danh sách các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng tính đến hết tháng 1 do Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh công bố, Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS đã nợ 9 tháng BHXH của nhân viên với tổng số tiền chậm đóng là gần 202 triệu đồng. CTCP Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Mỹ nợ 16 tháng BHXH với tổng số tiền khoảng 343,5 triệu đồng.
Trong danh sách còn có Chi nhánh CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS - Trường TH, THCS và THPT Quốc tế nợ 26 tháng BHXH, số tiền chậm đóng là 11,5 tỷ đồng. Còn Người lao động nước ngoài - Chi nhánh CTCP Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS - Trường TH, THCS và THPT Quốc tế nợ 25 tháng BHXH với số tiền chậm đóng 12,1 tỷ đồng.
Vào tháng 9/2023, Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh tình hình hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Trong đó nhấn mạnh, cần tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất