Phương án mới nhất để nhấc trụ bê tông có bé Hạo Nam lên mặt đất
Ngày 6/1, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, an ninh vẫn tiếp tục khẩn trương làm việc. Sau khi đánh giá, thảo luận, các chuyên gia tại hiện trường đề xuất một số phương án khả thi để nhấc trụ bê tông có bé Hạo Nam lên mặt đất.
Bài viết này thuộc chuyên đề Bé trai lọt trụ bê tông
Trưa 31/12, bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 bạn đã vào công trình cầu nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp để nhặt sắt. Trong lúc đi qua công trình đang thi công, Nam bất ngờ bị rơi xuống trụ bê tông rỗng có đường kính
Như PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã thông tin trước đó, vào sáng ngày 5/1, các nhóm chuyên gia, đơn vị thi công đã có buổi hội ý khẩn cấp và trưng cầu ý kiến của những chuyên gia giỏi trong nước và chuyên gia quốc tế về lĩnh vực cứu hộ bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến để giải quyết vấn đề tầng địa chất sâu trong lòng đất.
“Các biện pháp tối ưu đang được chọn lựa, làm thế nào đưa được đoạn ống thứ nhất lên để triển khai phương án cứu hộ tiếp theo”, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể nâng đoạn ống thứ nhất lên trên mặt đất. Theo đó, trong ngày hôm nay (6/1), các chuyên gia đã quyết định thực hiện một phương án khả thi nhất và cũng được các chuyên gia đồng thuận nhiều nhất. Đó là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh trụ bê tông.
Phương án này cụ thể như sau: Cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh trụ bê tông tạo thành một bộ khung 4,8m x 4,8m, đất xung quanh trụ được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1). Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy trụ bê tông (tạm gọi là tầng 2). Tiếp theo sau đó đất xung quanh trụ sẽ được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Đến khi tiếp cận được với đáy trụ, sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhắc trụ bê tông có bé Hạo Nam lên.
Được biết, trong chiều và tối hôm nay (6/1), lãnh đạo tỉnh và các ngành chuyên môn luôn liên tục xuống hiện trường để nắm bắt được tình hình thực tế và trực tiếp chỉ đạo các công tác cứu hộ. Địa phương vẫn duy trì tất cả các lực lượng túc trực, an ninh, hậu cần để hỗ trợ tối đa cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
Chiều 6/1, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công văn khẩn yêu cầu tăng cường công tác an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.
Đáng chú ý, công văn có đoạn đề nghị Sở Xây dựng khẩn trương yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu tổng rà soát, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình từ khâu thiết kế, thi công và giám sát thi công công trình. Đồng thời, bảo đảm các điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, hạn chế thấp nhất các yếu tố gây nguy hiểm đến tính mạng, gây hại đến sức khỏe người lao động và nhân dân.
Đối với các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; các ban quản lý dự án cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác quản lý, việc thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng đối với các công trình đang thi công xây dựng theo thẩm quyền quản lý.
Đồng thời, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lập phương án, biện pháp thi công đảm bảo an toàn cho người và công trình; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đặc biệt lưu ý phải kiểm tra thông tin về điều kiện năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; kiên quyết đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân vi phạm và báo cáo kịp thời về Sở Xây dựng, Công an tỉnh để tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Tỉnh yêu cầu các nhà thầu thi công xây dựng, phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình theo quy định.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất