08:28 08/11/2022

Số trẻ Indonesia tử vong liên quan đến siro chữa ho tăng lên 195 ca

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Ngày 7/11, Bộ Y tế Indonesia thông báo số trẻ em tử vong do tổn thương thận nghiêm trọng liên quan đến một số loại siro chữa ho đã tăng lên 195 ca.

Bộ Y tế Indonesia cho biết, hơn 320 ca tổn thương thận (AKI) đã được báo cáo tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước và 27 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện. Đa số bệnh nhi là trẻ dưới 5 tuổi.

62f132e709aae0f4b9bb-085516
Siro ho bị thu giữ tại Banjul, Gambia, ngày 6/10. Ảnh: AFP

Theo Bộ Y tế nước này, các kết quả xét nghiệm cho thấy đa số các ca tử vong có liên quan đến sử dụng loại siro chứa lượng lớn ethylene glycol và diethylene glycol. Đây là 2 hợp chất được dùng như loại chất chống đông trong các sản phẩm công nghiệp.

Theo Bộ Y tế Indonesia, nhà chức trách đã nhập 246 lọ thuốc điều trị AKI, trong đó đa số do Singapore và Australia tặng. Những lọ thuốc này cho thấy kết quả điều trị tích cực.

Trước đó, từ tháng 7/2022, các bác sỹ tại Gambia đã phát hiện một số trẻ em có các triệu chứng suy thận sau khi sử dụng một loại siro có thành phần paracetamol được bán tại thị trường trong nước để hạ sốt.

Tháng 9/2022, nhà chức trách Gambia bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ việc và xác định tổn thương thận là nguyên nhân dẫn đến hàng chục trẻ em tử vong.

a565b7828ccf65913cde
Nhân viên Chữ thập đỏ Gambia kiểm tra số siro ho thu giữ tại Banjul, ngày 6/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào đầu tháng 10/2022, WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol.

Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu, thậm chí dẫn tới tử vong.

WHO dẫn thông tin từ Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết công ty Maiden chỉ mới cung cấp các sản phẩm trên đến Gambia, song không loại trừ khả năng những loại siro này được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức.

WHO khuyến cáo các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận