16:37 08/11/2022

Tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An (t/h)

Các đại biểu quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

Trong buổi thảo luận chiều 8/11 về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, các đại biểu quốc hội cho rằng, cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc, đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em.

Theo báo cáo của Chính phủ, số vụ cưỡng dâm, dâm ô với trẻ em tiếp tục có xu hướng gia tăng, một số vụ xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Báo cáo dẫn chứng vụ hiếp dâm cháu gái 10 tuổi do chú họ thực hiện và hiếp dâm học sinh lớp 5 do giáo viên chủ nhiệm thực hiện tại Thái Bình; hay vụ bốn công nhân hiếp dâm bé gái 13 tuổi tại Bắc Giang; vụ hiếp dâm cháu gái 8 tuổi do đối tượng là người quen của ông bà thực hiện tại Hải Phòng...

nguyen-thi-ngoc-xuan
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Bình Dương (Ảnh: SGGP).

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) lo lắng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động.

“Từ đầu năm đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%; gần 72% vụ hiếp dâm có nạn nhân là trẻ em. Nhìn vào số liệu này, tôi cùng nhiều vị đại biểu Quốc hội khác hết sức đau lòng”- đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân.

Vị đại biểu này kiến nghị, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh, hàng năm cần có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh đó, phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em. Các ngành tư pháp cần xây dựng quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại. Trong đó quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.

Đại biểu Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) cũng cho rằng, cần tiếp tục có các giải pháp quyết liệt, toàn diện hơn nữa, nhanh chóng xử lý nghiêm và dứt điểm các vụ việc đấu tranh hạn chế đến mức thấp nhất đối với tội phạm cưỡng dâm, dâm ô trẻ em.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận