22:09 24/11/2022

Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em tiếp nhận khoảng 500.000 cuộc gọi mỗi năm

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh - Hà Chi

Trong năm 2022, tính đến tháng 11, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em - 111 đã tiếp nhận 356.881 cuộc gọi tới, chủ yếu thông qua 3 kênh chính bao gồm điện thoại, tài khoản Zalo 111 và phần mềm ứng dụng 111.

Hưởng ứng chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” của Chính phủ, ngày 24/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.

Hội thảo có sự tham dự của: Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, ông Ajay Vidyasagar - Giám đốc phát triển và tăng trưởng YouTube tại thị trường Đông Nam Á cùng đại biểu đại diện nhiều bộ, ban, ngành liên quan...

ông Đặng Hoa Nam
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu tại phiên tọa đàm (Ảnh: Hà Chi).

“Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm 2022, với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin và đề xuất kiến nghị cho cơ quan quản lý. Đồng thời cũng mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp phát triển công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng”, Phó Chủ tịch VNISA - ông Vũ Quốc Khánh chia sẻ. 

Ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam
Ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: Hà Chi).

Đặc biệt, phát biểu tại phiên tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ của hội thảo với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm của các bên trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là một kênh, một cổng giao tiếp đặc biệt.

“Tổng đài không chỉ tiếp nhận các cuộc gọi từ trẻ em mà cả các cuộc gọi từ người lớn như cha mẹ, người chăm sóc trẻ, tất cả những người quan tâm đến vấn đề trẻ em”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin.

Theo ông Nam, trung bình mỗi năm tổng đài 111 tiếp nhận được hơn 500.000 cuộc gọi đến, đỉnh điểm là trong thời điểm đại dịch Covid-19 vào khoảng năm 2020-2021, từ đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của hệ thống dịch vụ công này.

“Sang đến năm 2022, số lượng cuộc gọi đến có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng dự báo xu hướng cuộc gọi tới sẽ tăng lên”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam cho hay.

Ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam
Ông Võ Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: Hà Chi).

Theo số liệu từ tổng đài 111, chỉ tính riêng hai công cụ trên môi trường mạng là Zalo và ứng dụng 111, tính đến tháng 11/2022 đã tiếp nhận 9.301 cuộc. Trong đó, 417 cuộc gọi được xếp loại có những vấn đề liên quan đến phòng ngừa xâm hại trên môi trường mạng.

“Nhân viên tư vấn tổng đài đã triển khai 393 cuộc tư vấn và có 20 trường hợp cần hỗ trợ can thiệp tương đối khẩn cấp. Ngoài ra tổng đài đã tiếp nhận 17 thông báo trực tiếp gọi đến cung cấp những nguồn thông tin xấu độc trên không gian mạng cần phải can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam thông tin thêm.   

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phối kết hợp với các bộ, ban, ngành tiếp nhận và xử lý thông tin về các vụ việc bảo vệ trẻ em.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nam cho biết, có hai khó khăn, thách thức chính, đầu tiên phải kể đến đó là khi trẻ em hay các phụ huynh gọi điện tới tổng đài thường rất kỳ vọng, mong muốn có kết quả nhanh.

“Tuy nhiên, để giải quyết nóng và nhanh cần phải có một mạng lưới với sức mạnh nội bộ. Vì đôi khi sự phản hồi từ các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không theo kịp kỳ vọng của trẻ em, người lớn”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh. 

Ngoài ra, một trong những khó khăn thách thức mà các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin đang phải đối mặt chính là làm thế nào để xóa triệt để các thông tin độc hại trên không gian mạng.

Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, những đường link, trang web, tài khoản mạng xã hội cũng cần phải dò ra hết vì thông tin biến tướng rất nhanh. Vậy làm sao để xóa bỏ triệt để, đây là thách thức thuộc về lĩnh vực công nghệ và an toàn thông tin.

Việc bảo vệ trẻ em cần sự kết hợp với nhiều bộ, ban, ngành và nhiều giải pháp khác nhau của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, theo ông Nam, trước hết trách nhiệm vẫn thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong môi trường mạng, kể cả trẻ em hoạt động trên không gian mạng. Đó là những khó khăn, thách thức mà chúng ta cần giải quyết trong thời gian dài.

hội thảo bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Các lãnh đạo tham gia phiên tọa đàm nằm trong khuôn khổ sự kiện (Ảnh: Đình Trung).

Tổng đài 111 là thành viên của mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Lực lượng nòng cốt của mạng lưới gồm có Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công An), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông). Ngoài ra còn có những doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và một số tổ chức khác. Thông qua mạng lưới này, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức kết hợp, liên kết với nhau để tiến hành xử lý, gỡ bỏ những thông tin độc hại một cách kịp thời.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận