Trải nghiệm 'ngôi nhà hạnh phúc' độc đáo giữa lòng Thủ đô
"Ngôi nhà hạnh phúc" được đặt ở tầng một, vị trí trung tâm của trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội), thuận tiện để các em học sinh ghé qua bất kỳ lúc nào trò chuyện với cô Tổng phụ trách. Tại đây, các em còn có thể thả thư vào những chiếc hộp để tâm sự điều khó nói.
Phòng tâm lý học đường mang tên "Ngôi nhà hạnh phúc"
Ở độ tuổi vị thành niên, những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc thường làm cho trẻ nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Áp lực vô hình trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, nếu không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời và đúng cách sẽ dẫn đến việc gia tăng suy nghĩ tiêu cực. Đây là yếu tố có thể dẫn đến rối loạn tâm lý và làm tăng nguy cơ tự tử ở trẻ vị thành niên.
Trả lời PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô Nguyễn Thu Hà - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự cho hay, phòng tâm lý học đường của trường có tên là “Ngôi nhà hạnh phúc”, được thành lập từ năm 2019.
Nhà trường mong muốn biến “Ngôi nhà hạnh phúc” trở thành nơi để các bạn học sinh có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, thắc mắc của mình.
Căn phòng này được đặt ở tầng một, vị trí trung tâm, thuận tiện để các em học sinh ghé qua bất kỳ lúc nào trò chuyện với cô Tổng phụ trách.
Ngoài mô hình “Ngôi nhà hạnh phúc” còn có một "Cây hạnh phúc" được đặt bên ngoài phòng. Cây này có 5 nhánh tương ứng với 5 hòm thư được đặt tên là "Điều em muốn nói". Những điều thầm kín khó có thể tâm sự trực tiếp với cô giáo, các em có thể trao gửi nơi đây.
“Cô Tổng phụ trách luôn có mặt để lắng nghe tâm tư và đọc thư của các bạn học sinh. Bạn nào cần cô tư vấn, cô sẽ đưa ra những lời khuyên cụ thể cho các con”, cô Hà chia sẻ.
Ngoài ra, để khuyến khích các em nhỏ thoải mái khi đến đây, chỉ cần bước vào phòng chia sẻ bất cứ điều gì, các em cũng đều nhận được nhận quà.
Đây là những món quà nho nhỏ do phụ huynh học sinh ủng hộ các con. Nhờ đó, các bạn học sinh cảm thấy rất thoải mái, tự nhiên, không hề ngại ngùng điều gì khi tâm sự với cô Tổng phụ trách.
Trò chuyện cùng PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về việc triển mô hình phòng tâm lý học đường, đại diện trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy International Bilingual School cho biết, từ năm nay, trường mới bắt đầu triển khai mô hình này và hiện đang trong giai đoạn xây dựng quy trình.
Dự kiến trường sẽ mời chuyên gia tư vấn của Bệnh viện Việt - Pháp để trò chuyện với các em học sinh. Trong tuần, sẽ có hai buổi trường mời chuyên gia tư vấn, những buổi còn lại sẽ có nhân viên trực để đảm bảo luôn có mặt khi các em học sinh cần.
Ngoài ra, trường yêu cầu phụ huynh phải ký cam kết, các thông tin tư vấn chỉ mang tính tham khảo thì học sinh mới được tham gia.
Phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường ở các trường học
Chia sẻ với PV, một số phụ huynh cho rằng, nhiều người thường coi trọng sức khỏe thể chất hơn sức khỏe tinh thần. Để tránh việc các phòng tham vấn tâm lý học đường, phòng công tác xã hội ở trường học chỉ hoạt động cầm chừng, hình thức, chất lượng không đảm bảo, cần tăng cường nguồn nhân lực về chất lượng, số lượng ở các cấp thông qua đào tạo, đặc biệt đội ngũ tư vấn viên, bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý.
Trong tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, một trong những yếu tố rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, phụ huynh và các bên liên quan trong nhà trường.
Nhưng để xây dựng trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục mà đi đầu là các nhà quản lý giáo dục.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò nòng cốt trong hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên.
Phụ huynh đề xuất chương trình giáo dục tăng cường dạy kỹ năng cần thiết để trẻ ứng phó với khó khăn về cảm xúc và giảm bớt áp lực học tập cho các em. Nên đầu tư xây dựng, phát triển mô hình phòng tham vấn tâm lý học đường, phòng công tác xã hội ở tất cả trường học.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất