17:08 25/07/2025

TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: "Không nên để ai phải thiệt mạng vì một nguyên nhân có thể ngăn ngừa"

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Khánh Minh

Nhân Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước 25/7, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chia sẻ: "Bất kỳ ai cũng có thể bị đuối nước, nhưng không nên để ai phải thiệt mạng vì một nguyên nhân có thể ngăn ngừa".

Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt trong độ tuổi từ 5 đến 14. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong công tác phòng, chống đuối nước, song tỷ lệ tử vong do đuối nước vẫn chưa giảm nhanh như mong đợi. Nhân Ngày Thế giới Phòng, chống Đuối nước 25/7, Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em Không thuốc lá (CTFK) kêu gọi các cấp, các ngành và toàn xã hội tăng cường hành động nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ tử vong do đuối nước.

Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước năm nay tại Việt Nam là: “Cùng hành động để không còn trẻ em bị đuối nước” - nhấn mạnh vai trò phối hợp liên ngành và hành động của toàn xã hội để giảm thiểu nguy cơ tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Theo WHO, thống kê năm 2021 cho thấy, trên toàn cầu có khoảng 300.000 trường hợp tử vong do đuối nước, 57% là trẻ em và thanh thiếu niên, và 92% số ca xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, trong cùng năm, ghi nhận 4.019 ca tử vong do đuối nước, trong đó 40% là trẻ em dưới 14 tuổi, khiến đuối nước trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm tuổi này.

nh màn hình 2025-07-25
Trẻ em học các kỹ năng an toàn dưới nước trong môi trường có giám sát - một bước quan trọng để thực hiện cam kết nhằm chấm dứt tình trạng trẻ em bị đuối nước tại Việt Nam, được nhấn mạnh nhân Ngày Thế giới Phòng chống Đuối nước 2025. Ảnh: WHO Việt Nam

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế, cho biết:

“Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống đuối nước trẻ em, song vẫn còn nhiều thách thức. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị ưu tiên nguồn lực, thực hiện các giải pháp hữu hiệu, tăng cường truyền thông, thúc đẩy hợp tác đa ngành và mở rộng các mô hình hiệu quả phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Mỗi trường hợp tử vong do đuối nước là một bi kịch nhưng có thể phòng tránh. Chúng tôi kêu gọi cha, mẹ, nhà trường, cộng đồng và chính quyền địa phương cùng hành động phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đặc biệt tại vùng nông thôn và khu vực có nhiều ao, hồ, sông, suối… để hướng tới mục tiêu không còn trẻ em bị đuối nước.

Nhân dịp này, chúng tôi một lần nữa đề nghị các cấp chính quyền: Tăng đầu tư cho các chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt ở các địa phương có nguy cơ cao; Tăng cường giáo dục cộng đồng về kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu và quản lý, giám sát trẻ; Mở rộng chương trình dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học và cộng đồng; Đẩy mạnh hợp tác liên ngành và quốc tế, lồng ghép nội dung phòng, chống đuối nước vào chính sách phát triển bền vững”.

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, chia sẻ: “Mỗi ca tử vong do đuối nước là một mất mát không thể chấp nhận. Bất kỳ ai cũng có thể bị đuối nước - nhưng không nên để ai phải thiệt mạng vì một nguyên nhân có thể ngăn chặn. Có rất nhiều giải pháp hiệu quả và chi phí thấp đã được chứng minh. Chúng ta cần mở rộng quy mô các can thiệp này để giảm thiểu nguy cơ, bảo vệ trẻ em và xây dựng một môi trường sống an toàn hơn cho tất cả mọi người”.

Bà Đoàn Thu Huyền, Đại diện CTFK tại Việt Nam, phát biểu: “Đuối nước có thể xảy ra chỉ trong khoảnh khắc, nhưng với nhận thức đúng và hành động kịp thời, chúng ta có thể thay đổi kết cục. Đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được”.

Các giải pháp hiệu quả được khuyến nghị dành cho cơ quan chức năng:

Lắp đặt rào chắn tại các khu vực có nguy cơ đuối nước;

Bố trí nhân viên cứu hộ tại bể bơi, bãi biển công cộng;

Tổ chức tập huấn kỹ năng cứu hộ và sơ cứu cho cộng đồng;

Duy trì hoạt động tìm kiếm, cứu nạn thường xuyên;

Cung cấp cảnh báo thời tiết miễn phí, dễ tiếp cận cho người dân.

Các hành động cá nhân và gia đình có thể thực hiện:

Học bơi - trang bị kỹ năng sống còn cho bản thân và trẻ em;

Giám sát trẻ em - không để trẻ ở gần nước một mình, kể cả trong thời gian ngắn;

Không uống rượu bia gần nước - luôn tỉnh táo khi ở gần khu vực có nguy cơ;

Chú ý môi trường - theo dõi thời tiết, điều kiện nước trước khi bơi hoặc đi thuyền;

Sử dụng thiết bị an toàn - mặc áo phao khi đi thuyền, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Quỹ từ thiện Bloomberg và tổ chức CTFK, hàng chục nghìn trẻ em Việt Nam đã được đào tạo bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

WHO đã hỗ trợ xây dựng và triển khai Chương trình Quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030. Dựa trên bằng chứng toàn cầu, WHO khuyến nghị: Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống đuối nước; Nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ và các biện pháp phòng, chống đuối nước; Xây dựng kế hoạch quốc gia về phòng, chống đuối nước; Thu thập và sử dụng dữ liệu để hoạch định chính sách hiệu quả.

Cục Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế) là cơ quan chuyên môn giúp Bộ Y tế quản lý nhà nước và chỉ đạo thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vị thành niên. Cục được thành lập trên cơ sở sáp nhập Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) và Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), nhằm tăng cường tính thống nhất trong quản lý, điều phối các chính sách và chương trình chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phụ nữ.

Trong lĩnh vực phòng, chống đuối nước trẻ em, Cục Bà mẹ và Trẻ em chủ trì xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình, tài liệu chuyên môn; phối hợp với các Bộ, ngành và tổ chức quốc tế triển khai các mô hình can thiệp hiệu quả; đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cha, mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng chống đuối nước. Cục cũng là đầu mối xây dựng các chính sách, kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó đuối nước là một nội dung trọng tâm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam

Được thành lập vào năm 1948, WHO là cơ quan của Liên Hợp Quốc có nhiệm vụ kết nối các quốc gia, đối tác và người dân nhằm thúc đẩy sức khỏe, bảo vệ an toàn và phục vụ những nhóm dễ bị tổn thương - để mọi người, ở mọi nơi đều có thể đạt được trạng thái cao nhất về sức khỏe.

Năm 2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết đầu tiên về phòng, chống đuối nước, nhấn mạnh mối liên hệ giữa đuối nước và phát triển bền vững, công bằng xã hội, sức khỏe đô thị, biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như sức khỏe và phúc lợi trẻ em. Nghị quyết kêu gọi WHO điều phối các nỗ lực phòng, chống đuối nước đa ngành trong hệ thống Liên Hợp Quốc và chọn ngày 25 tháng 7 là Ngày Thế giới Phòng, chống Đuối nước.

Tại Việt Nam, WHO đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống đuối nước – với sự hỗ trợ quý báu từ tổ chức Bloomberg Philanthropies và Campaign for Tobacco-Free Kids. 

Tổ chức Campaign For Tobacco-Free Kids (CTFK)

Campaign For Tobacco-Free Kids là một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1997. Tại Việt Nam, tổ chức này đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và trường đại học để triển khai nhiều chương trình về y tế công cộng  bao gồm: phòng, chống tác hại của thuốc lá; phòng, chống đuối nước cho trẻ em; phòng, chống thương tích  giao thông đường bộ;  thúc đẩy dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em. 

 

 

 

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận