06:39 09/07/2024

TS. Hoàng Ngọc Vinh: “Không phải trường công là tốt, trường tư là xấu”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ phụ huynh và nhà trường để giảm chi phí học tập cho các cháu tại trường tư, cũng là một giải pháp giảm bớt áp lực thi vào khối trường công lập với hàng nghìn gia đình nhiều năm nay.

Nhiều học sinh trượt công lập, buộc phải vào trường tư

Mới đây, Hà Nội đã công bố điểm thi và điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập. Sau khi có kết quả, nhiều phụ huynh có con không đỗ vào trường công lập như mong muốn và đã chuẩn bị phương án vào trường ngoài công lập nhưng vẫn khá lo lắng.

Vừa có con trượt lớp 10 THPT, chị Nguyễn Thị Bích (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang đau đầu để tìm trường cho con, chị cho rằng, trường tư ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như cách thi cử ở trong nước vì hiệu trưởng hay nói cách khác là ông chủ đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không quan tâm chất lượng giáo dục. 

“Nghĩ đến viễn cảnh con đi học ở trường nguyện vọng 2 cách nhà hơn 10 cây số lại thấy xót xa, muốn cho con học trường tư gần nhà nhưng các trường ngoài công lập chủ yếu là thành phần tạp nham, chủ yếu là con nhà giàu theo học, con nhà nghèo học giỏi cũng không thể vào. Do vậy, hầu như có nhiều thành phần bất hảo. Nếu cho con học tập, tiếp xúc trong môi trường đó thì con cũng sẽ bị ảnh hưởng thói ham chơi, lười học”, chị Bích nói.

Không đồng tình với ý kiến trên, anh Trần Văn Hiển lại cho rằng, áp đặt quan điểm cá nhân là thiển cận, trường công hay trường tư đều có cá biệt. 

“Không thể cứ đánh đồng học trường công là tất cả học sinh đều là nhân tài, học trường nào không quan trọng, quan trọng là con cố gắng thì dù ở bất kỳ môi trường nào con cũng sẽ thành công. Ngôi trường nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu, chọn trường chọn lớp là do phụ huynh, việc của học sinh là phấn đấu học tập thật tốt để chứng minh năng lực. Có những bạn học trường tư đỗ đại học top đầu với số điểm xuất sắc, cũng có những bạn học trường công nhưng không thể thi đỗ vào trường đại học nào”, anh Hiển nói.

Anh Hiển chỉ ra rằng, nếu phụ huynh có định hướng muốn con được chú trọng Tiếng Anh và các kỹ năng sống song song với học các môn học chính, thì các trường ngoài công lập rất phù hợp. Tuy nhiên, các trường dân lập, trường quốc tế học học phí cao, nhiều gia đình không có khả năng chi trả nên ai cũng cố gắng thúc đẩy con thi vào trường công. 

áp lực học tập
Cuộc đua vào các trường THTP công lập tại Hà Nội luôn khắc nghiệt trong vài năm trở lại đây (Ảnh minh họa: VGP).

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, tại Hà Nội còn nhiều trường tư có uy tín được xây dựng nền tảng giáo dục bài bản nhiều năm qua như: Trường liên cấp Ban Mai, trường Đoàn Thị Điểm; trường Lô-mô-nô-xốp, trường TH School, hệ thống liên cấp Vinschool, trường wellspring, trường Newton, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hệ thống giáo dục Hà Nội Academy, hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ, Trường THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội...

Chị Vũ Thị Vân (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Xét năng lực của con và khả năng tài chính của gia đình, chúng tôi quyết định chọn một trường tư vừa sức cho con theo học để con đỡ áp lực ôn tập, điểm số, tỉ lệ chọi và thi cử. Sức học con đến đâu thì cha mẹ là người biết rõ nên không bắt con phải làm những việc vượt khả năng. Giờ có nhiều con đường, nhiều loại hình trường để học, không nhất thiết phải học lớp 10 trường công”.

Chị Vân chia sẻ thêm, con chị rất đam mê bóng rổ và các hoạt động kỹ năng sống, do đó đây là một môi trường rất thân thiện cho các hoạt động kỹ năng. Ngoài ra, chương trình ôn luyện thi rất bài bản và học là học thực mặc dù kỷ luật rất nghiêm, xử lý học sinh đến nơi đến chốn chứ không có chuyện xuề xòa cho qua.

Còn nhiều con đường để mở “cánh cửa” vào đại học 

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhiều bậc phụ huynh còn e dè với trường ngoài công lập do vốn bị ảnh hưởng bởi định kiến từ quá khứ. Bên cạnh đó, gánh nặng học phí cao hơn so với trường công lập cũng là rào cản lớn đối với nhiều gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những gia đình nghèo sống ở thành phố. Do vậy, họ luôn mong muốn con em mình được theo học tại trường công lập.

Tuy nhiên, đây là khiếm khuyết trong cách nhìn nhận, phụ huynh đang thiếu thông tin về chất lượng giáo dục của các trường bởi không phải “công là tốt, tư là xấu”. Thực tế, nhiều trường tư chất lượng giáo dục rất tốt và có đầu vào rất khó. Họ có quan điểm giáo dục, giá trị cốt lõi rõ ràng, môi trường học tập năng động, học sinh được phát triển cá nhân, không bị gò bó bởi khuôn khổ.

Ngoài ra, giáo viên của các trường này được chọn lọc kỹ lưỡng, chương trình giảng dạy đa dạng, do đó một số phụ huynh sẵn sàng trả học phí cao để con có cơ hội được phát triển tại những ngôi trường này.

hoang ngoc vinh
TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: NVCC

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, số lượng trường công lập có hạn bởi diện tích đất đai ở thành phố bị hạn chế. Nếu phụ huynh chỉ định hướng cho con vào trường công lập sẽ dẫn đến tăng tỷ lệ cạnh tranh, áp lực học tập cao, dẫn đến nạn học thêm, luyện thi tràn lan.

“Lựa chọn trường học cho con là quyết định quan trọng, các bậc cha mẹ cần cân nhắc nhiều yếu tố. Do đó, để lựa chọn môi trường phù hợp cho con, phụ huynh cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về tuyển sinh, chương trình học, hoạt động ngoại khóa trước khi cho con em theo học. Ngoài ra, các yếu tố như chất lượng của học sinh ra trường, tỷ lệ thi đỗ vào đại học, tốt nghiệp, đội ngũ giáo viên,... cũng rất quan trọng”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vai trò của nhà nước trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục cho tất cả học sinh cũng rất quan trọng. Đối với trường công, nhà nước cần có trách nhiệm giảm tải sức ép cho học sinh, phải thay đổi mang tính đột phá về thể chế, tăng cường các cơ sở đào tạo, giáo dục sau trung học cơ sở. Đối với trường tư, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ học sinh một phần học phí để giảm gánh nặng cho các gia đình.

Thực tế là với mức sống ở những đô thị lớn như Hà Nội, tổng thu nhập vào khoảng 20 triệu đồng/1 tháng sẽ rất khó khăn nếu nuôi 1-2 con học trường tư thục. Một đứa trẻ hiện nay học trường tư thục tại Hà Nội, nếu tính tổng học phí và các khoản khác thì mức thấp nhất phải chi trả mỗi tháng vào khoảng 10 triệu đồng. Đây là gánh nặng đối với hàng nghìn gia đình và cũng là lý do vì sao các cháu nhỏ phải rất nỗ lực để vào được các trường công lập.

“Phụ huynh nên tin tưởng vào con em của mình, có nhiều con đường để đi lên đại học, và trường ngoài công lập cũng là một lựa chọn tốt. Hà Nội vẫn còn có nhiều trường tư thục chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Mong rằng thời gian tới nhà nước sẽ có thêm chính sách hỗ trợ phụ huynh và nhà trường để giảm chi phí học tập cho các cháu tại trường tư, cũng là một giải pháp giảm bớt áp lực quá lớn thi vào khối trường công lập với hàng nghìn gia đình nhiều năm nay”, TS. Hoàng Ngọc Vinh bày tỏ, đồng thời cũng nhấn mạnh: "Được tới trường học tập là quyền của trẻ em, các cơ quan quản lý, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xử lý tốt vấn đề này, cần phải chấm dứt tình trạng năm nào cũng có hàng nghìn gia đình sống trong cảnh bất an khi có con nhỏ thi vào lớp 10".

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận