06:29 14/03/2024

TS.Lê Đông Phương: “Tuyển thẳng đại học bằng chứng chỉ IELTS là rất bất hợp lý”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang 

Phương thức xét tuyển thời gian qua đã tạo ra cuộc chạy đua lấy chứng chỉ IELTS, nhằm mục đích rộng cửa vào đại học. Tiến sĩ Lê Đông Phương lo ngại, phương thức này bất công và bất hợp lý.

Thực tế các kỳ tuyển sinh gần đây cho thấy, nhiều học sinh khao khát sở hữu chứng chỉ IELTS chỉ để giành "tấm vé vàng" vào trường đại học. Số lượng các trường sử dụng phương thức này ngày một tăng, thậm chí một số địa phương còn tuyển thẳng vào lớp 10 nếu thí sinh có chứng chỉ IELTS, gây lo ngại về sự bất bình đẳng giữa thí sinh thành thị và nông thôn, đồng thời cũng bộc lộ rõ những bất hợp lý.

TS. Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã dành cho Tạp chí Trẻ em Việt Nam cuộc trả lời phỏng vấn xoay quanh vấn đề này.

Tránh nhầm lẫn mục đích của kỳ thi tuyển sinh và đánh giá năng lực ngôn ngữ 

PV: Thưa TS. Lê Đông Phương, thời gian qua nhiều địa phương thực hiện chính sách tuyển thẳng vào lớp 10 đối với học sinh có ưu thế về năng lực ngoại ngữ vì cho rằng, việc ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS nhằm tạo động lực học ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Lê Đông Phương: Tôi đồng ý với ý kiến ưu tiên sử dụng chứng chỉ IELTS sẽ thúc đẩy các em học sinh có động lực học ngoại ngữ, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các bạn. Tuy nhiên, nói nâng cao chất lượng giáo dục thì không đúng, bởi vì ở bậc phổ thông, nhất là với bậc tiểu học, THCS, còn có nhiều nội dung kiến thức, nhiều kỹ năng quan trọng khác mà học sinh cần biết, cần học. Vì vậy, dựa vào chứng chỉ IELTS chỉ kiểm tra kỹ năng sử dụng ngoại ngữ đó chứ không phải năng lực tư duy. Nói cách khác, dùng IELTS làm tiêu chí để tuyển thẳng học sinh đầu cấp THPT là điều bất hợp lý.

Ngoài ra, với hình thức xét tuyển như vậy, để có được chứng chỉ IELTS đáp ứng tiêu chuẩn tuyển thẳng, học sinh buộc phải tập trung học, luyện thi IELTS từ rất sớm, trong khi đó tuổi thi vào lớp 10 THPT cao nhất chỉ là 15 tuổi. Như vậy, rõ ràng kết quả IELTS là không chính xác và gượng ép trẻ nhỏ học kiến thức của độ tuổi lớn hơn, đưa đến những hệ lụy tiêu cực cho người học, lệch lạc trong sự phát triển. 

Độ tuổi phù hợp được khuyến cáo cho kỳ thi này là 16 tuổi trở lên, nên việc chuẩn bị thi IELTS khi còn là học sinh cấp 1 hay thậm chí đầu cấp 2 của học sinh là không phù hợp. Tôi thấy đây là điều bất cập cần được hạn chế. 

41
Tiến sĩ Lê Đông Phương - Chuyên gia giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: VOV2).

PV: Theo ông, từ đâu mà hình thành nên trào lưu học và thi chứng chỉ IELTS? Vai trò cốt yếu của chứng chỉ IELTS trong cuộc sống hiện nay là gì? 

TS. Lê Đông Phương: Xu hướng học IELTS có lẽ xuất phát từ câu chuyện các trường đại học sử dụng kết quả IELTS để làm tiêu chí tuyển sinh như cộng điểm, tuyển thẳng, yêu cầu đầu vào,.. bởi các nhà làm giáo dục nghĩ rằng, nếu tuyển được sinh viên ngay từ đầu vào đã có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế thì các trường đại học chỉ cần tập trung đào tạo chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành, thay vì phải tốn thời gian đào tạo lại một yêu cầu mang tính phổ thông.

Điều này vô tình dẫn đến hệ luỵ một bộ phận phụ huynh nghĩ rằng, chứng chỉ IELTS là con đường tắt để bước vào cánh cửa đại học. Họ quan niệm, để có được chứng chỉ IELTS có thể tốn kém khá nhiều chi phí nhưng nhìn chung, để con học tập trung vào một môn học chắc chắn sẽ dễ thở hơn phải học giỏi toàn diện nhiều môn học khác. 

Tôi không phủ nhận vai trò quan trọng của ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh trong thời buổi hội nhập. Trong đó, có xác nhận IELTS cũng là trang bị nền tảng ngôn ngữ tối thiểu cho quá trình học tập nghiên cứu cao hơn ở bậc đại học và sau đại học, sinh viên có sẵn vốn ngoại ngữ dễ dàng phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu.

Tuy nhiên, tôi đã từng chứng kiến nhiều bạn sinh viên điểm IELTS rất cao nhưng khi đi du học ở nước ngoài lại không theo kịp vì các bạn sử dụng ngôn ngữ như cái máy, không biết dùng ngôn ngữ, vốn từ không có, không hiểu được ngữ cảnh, không biết vận dụng kiến thức, các bạn chỉ thuần túy là giải được bài tập về ngôn ngữ. 

Chính vì vậy, tuyển sinh của mỗi cơ sở giáo dục có thể khác nhau, song cần hướng đến sự phát triển toàn diện của người học. Chứng chỉ không thể phản ánh năng lực của người học và đánh đồng tuyển thẳng vào đại học sẽ dẫn đến tuyển nhầm, tuyển sai người. 

Quy đổi điểm IELTS cần khoa học, khách quan

PV: Việc các trường ưu tiên tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh có ưu thế về IELTS sẽ gây ra ảnh hưởng gì đến các thí sinh phải tập trung học đủ 3 môn Toán - Văn - Anh? Việc quá tập trung và ưu tiên chứng chỉ IELTS hay bất cứ một chứng chỉ ngoại ngữ nào khác liệu có phản ánh được kiến thức của các môn học khác không, thưa ông?

TS. Lê Đông Phương: Phụ huynh và học sinh không nên thần thánh quá về chứng chỉ IELTS và phải nhận thức chính xác rằng IELTS là một chứng chỉ tiếng Anh phổ thông chứ không phải cao cấp, nên việc đạt chứng chỉ này là điều bình thường. Dường như hệ thống xét tuyển hiện nay coi trọng điểm IELTS hơn dẫn đến bất bình đẳng ở chỗ, người có đủ điều kiện thi IELTS và người không có đủ điều kiện có khoảng cách rất lớn. 

Chỉ tính riêng bài thi IELTS đánh giá năng lực giao tiếp tiếng Anh với bốn kỹ năng đã mất chi phí vài triệu, chưa kể đến quá trình ôn luyện có thể lên đến vài trăm triệu. Như vậy, xét từ góc độ các bạn học sinh nghèo, dùng điểm IELTS trong các tiêu chí xét tuyển đã là thiên vị nhà giàu bởi gia đình các bạn nghèo không thể có điều kiện để chi trả chi phí thi, thậm chí không có cơ hội tiếp cận. 

Chúng ta đều biết tiếng Anh là công cụ, chứng chỉ tiếng Anh chỉ xác nhận kỹ năng sử dụng một ngôn ngữ chứ nó không thể đánh giá năng lực tư duy của học sinh, trong khi các kì thi xét tuyển hoặc tuyển sinh thi tốt nghiệp thì lại thiên về đánh giá năng lực tư duy và khả năng lĩnh hội kiến thức của học sinh. 

Do đó, không thể đặt tiếng Anh ngang hàng với khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Điều cần nhất đối với học sinh THPT là các kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, là kỹ năng sống,… Vì vậy, chắc chắn rằng, việc quá tập trung vào chứng chỉ ngoại ngữ sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ, học sinh bỏ qua môn học chính khóa để dồn lực vào học ôn IELTS.

PV: Theo ông, việc tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thế nào là hợp lý?

TS. Lê Đông Phương: Chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất, do đó Bộ GD&ĐT có thể xem xét thay điểm IELTS cho điểm môn thi tiếng Anh để tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, các nhà quản lý và nhà giáo dục phải có hệ thống quy đổi điểm IELTS sang điểm thi phù hợp, cần có sự thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước.

Việc quy đổi điểm IELTS phải đo lường đánh giá chính xác và dựa trên cơ sở khoa học khách quan khiến cả xã hội công nhận. Đừng đặt sự ưu ái quá mức chứng chỉ ngoại ngữ, quy đổi đồng đều ở mọi nơi, với tất cả các trường. Hiện nay mỗi trường đại học có một cách quy đổi khác nhau, có trường thì chứng chỉ 5.0 IELTS tương đương với điểm 10, có trường thì tương đương với 8 điểm, không có sự đồng nhất.

Thiết nghĩ, trong tuyển sinh vào đại học, các cơ sở giáo dục nên có chính sách ưu tiên như giảm học phí, tặng học bổng đối với những em có các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL ITP, TOEFL iBT, TOEFL Primary,… thay vì tuyển thẳng như một số trường đang thực hiện. 

Qua đó, vừa động viên, khuyến khích học sinh tích cực học ngoại ngữ, vừa bảo đảm tính khoa học, toàn diện cho công tác tuyển sinh. Đồng thời, đó cũng là cách để chúng ta trả lại giá trị thực cho chứng chỉ ngoại ngữ nói chung, chứng chỉ IELTS nói riêng, tránh trào lưu “chạy đua” luyện thi IELTS ở một số địa phương trong thời gian vừa qua. 

chungchiielts
Theo TS. Lê Đông Phương, chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất (Ảnh: VNE)

PV: Hiện nay, một số trường đặt ra yêu cầu đầu vào và đầu ra của rất cao đối với sinh viên, điều này có cần thiết không nếu khi ra trường các bạn sẽ không sử dụng đến tiếng Anh, thưa ông?

TS. Lê Đông Phương: Theo tôi, nếu áp đặt ngoại ngữ, cụ thể là chứng chỉ IELTS làm tiêu chuẩn đầu vào, các trường có thể lấy đi cơ hội học tập của những thí sinh có năng lực, ý chí, nhưng chưa giỏi tiếng Anh vì điều kiện học tập ở phổ thông khó khăn. Việc áp dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS, chỉ nên là tiêu chuẩn đầu vào cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc chương trình quốc tế. Tuy nhiên, việc các trường đại học chọn chuẩn ngoại ngữ quốc tế với đầu ra là điều tất yếu và những yêu cầu này thực chất không quá cao, nếu chăm chỉ thì vẫn có thể đạt được. 

Với sự phát triển mạnh của Internet và thiết bị di động, các kênh thông tin, bài giảng về tiếng Anh trên mạng, không khó cho các bạn học sinh, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận ngoại ngữ. Nếu người học không chủ động học tập chăm chỉ thì để đạt các yêu cầu đầu ra rất khó. Nói một cách chính xác, nếu người học đã quyết tâm, thì kho bài giảng, các video, phim, ảnh các loại báo chí tiếng Anh đã đủ để các bạn đạt chuẩn đầu ra. 

Vậy nhưng, nhiều sinh viên hiện nay vẫn còn chểnh mảng khi đi học, đặc biệt là 2 năm đầu các bạn mới vào đại học, khi vừa vượt qua được một kỳ thi lớn trong cuộc đời nên vô hình chung các bạn vô cùng thoải mái, kiến thức chuyên ngành cũng chưa có nhiều. Đến lúc sang năm 3, bắt đầu phải học các môn chuyên ngành thì các bạn vắt chân lên cổ, vậy còn thời gian đâu để ôn luyện ngoại ngữ?

Điều quan trọng nhất là các bạn phải có ý thức tự học mỗi ngày vì nhiều bạn không hình dung được việc học ngoại ngữ sẽ có lợi cho cá nhân mình như thế nào, các bạn chỉ đơn thuần nghĩ rằng học để đủ điều kiện ra trường như một điều bắt buộc, đồng thời không chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ, học chỉ để đối phó thì lại thấy vô cùng khó.  

Nếu nhìn vào thực tế nhiều năm qua, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học dù năng lực chuyên môn tốt nhưng các bạn lại không biết tiếng Anh và bỏ lỡ nhiều cơ hội. Chính các cử nhân, kỹ sư cũng cảm nhận rõ sự thiệt thòi này khi phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn năng lực, và bỏ phí cơ hội tiếp tục học cao hơn hoặc làm việc ở những vị trí tốt hơn chỉ vì trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Trân trọng cảm ơn TS. Lê Đông Phương!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận