06:39 08/03/2024

Có nên chấm dứt tình trạng vào thẳng đại học bằng chứng chỉ IELTS?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ngăn chặn tuyển thẳng vào lớp 10 THPT bằng chứng chỉ IELTS, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần tính toán áp dụng với kỳ thi tuyển sinh vào đại học.

Không nên áp dụng IELTS cho những kỳ thi quá lớn

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về việc Bộ GD&ĐT yêu cầu dừng tuyển thẳng lớp 10 bằng chứng chỉ IELTS, TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, việc để điểm tiếng Anh trao đổi trong những kỳ thi lớn như vào THPT hay đại học đều rất bất hợp lý. Tiếng Anh là một ngoại ngữ cần thiết, nhưng không phải là kỹ năng tối quan trọng để đánh giá năng lực thí sinh. Việc lấy điểm tiếng Anh để tuyển thẳng có thể nhìn thấy rõ những bất cập như học lệch, không đảm bảo tính công bằng xã hội.

“Để theo đuổi một lộ trình khoá học IELTS lấy chứng chỉ quốc tế thì phải bỏ ra một khoản học phí rất lớn, có thể đến vài trăm triệu, hiển nhiên không phù hợp cho các gia đình nông thôn hay các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ vô tình chiếm chỗ của học sinh trong những gia đình thu nhập thấp mà vẫn phải học toàn diện các môn. 

Ngoài ra, khi ôn luyện IELTS, các bạn sẽ phải thi với những kiến thức khó hơn độ tuổi, phải ôn luyện rất nhiều và vô tình lấy đi thời gian của những môn học khác, dẫn đến tình trạng học lệch”, TS. Lê Viết Khuyến nói.

tiensilevietkhuyen
TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NVCC

TS. Lê Viết Khuyến khẳng định, lấy IELTS làm tiêu chí duy nhất không đại diện tiêu biểu cho ngành tuyển chọn, bởi với mỗi ngành nghề thì lại cần những kiến thức chuyên sâu của bộ môn đó. 

Ví dụ như ngành Y, nếu không lấy điểm Sinh học mà chỉ lấy điểm IELTS thì rất vô lý và khi vào học các bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn.

"Vì vậy, đại học cũng cần được điều chỉnh giống như kỳ thi trung học phổ thông và điểm IELTS không nên áp dụng cho những kỳ thi quá lớn”, TS. Lê Viết Khuyến nói thẳng.

Trả lời Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ sự ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ngăn chặn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để làm tiêu chí tuyển thẳng vào lớp 10. 

“Điều này không chỉ gây ra sự bất công mà còn khiến nhiều học sinh bị lệch kiến thức vì đầu tư lớn cho môn tiếng Anh, nhưng Văn, Toán, các môn khoa học thì chỉ ở mức trung bình. Trong khi tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác chỉ là công cụ để giúp tra cứu tài liệu học tập và không thể lấy đó làm căn cứ chính đánh giá chất lượng đầu vào của từng thí sinh”, ông Vinh phân tích và chia sẻ thêm: "Đúng là ngoại ngữ cần thiết cho quá trình học tập các bộ môn, nhưng đổ xô học tiếng Anh chỉ để coi nó như tấm vé vào THPT và đại học là sai lầm rất lớn. Sở dĩ nhiều nhà cho con theo đuổi thi IELTS là vì các trường cần người học nên tuyển sinh ồ ạt và tự đưa ra  quy định tuyển thẳng với chứng chỉ IELTS, trong khi thực chất ngoại ngữ chỉ là một môn học và Bộ Giáo dục chưa bao giờ cho phép dùng chứng chỉ này để vào thẳng THPT".

ts hoang ngoc vinh 4
TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ảnh: Quốc hội Việt Nam).

Cần xem xét lại việc quy đổi điểm IELTS

TS. Lê Viết Khuyến cho hay, từ lâu thế giới, đã đưa ra tiêu chí của 1 nền giáo dục tốt: đảm bảo sự công bằng xã hội, chất lượng giáo dục, học tập hiệu quả, thống nhất. Nếu các trường chưa đảm bảo được những tiêu chí này mà vẫn ưu tiên những kỳ thi khác thì chỉ tốn chi phí và tạo áp lực cho học sinh.

Thực tế hệ thống giáo dục hiện nay mỗi trường lại đặt ra những tiêu chí tuyển sinh riêng, còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài, không có sự đồng nhất. Việc các trường yêu cầu đầu vào tiếng Anh rất cao để nhằm mục đích thu hút nhiều sinh viên để tăng quy mô đào tạo. 

Tình trạng này xảy ra từ khi cắt giảm ngân sách đầu tư với các trường công lập, chủ yếu có thế mạnh về hoạt động đào tạo, không có dự án chuyển giao công nghệ, khoa học còn ít, vô tình khiến các đơn vị giáo dục áp lực phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh để tồn tại.

TS. Lê Viết Khuyến nêu định hướng và nhấn mạnh yêu cầu, không nên lấy môn tiếng Anh đại diện cho tiêu chuẩn xét tuyển vào trường đại học. Tuy nhiên, để không lãng phí chứng chỉ IELTS mà các em cố gắng mới đạt được, có thể quy đổi điểm IELTS sang tín chỉ học phần tiếng Anh tương đương theo quy định ở trường đại học.  

Ông đưa ra 2 phương án về thay đổi chứng chỉ IELTS:

Phương án thứ nhất, Bộ GD&ĐT có thể xem xét sử dụng IELTS thay cho điểm thi tốt nghiệp của 1 trong 2 môn tự chọn là tiếng Anh. Tuy nhiên, việc quy đổi điểm IELTS phải đo lường đánh giá chính xác và dựa trên cơ sở khoa học khách quan khiến cả xã hội công nhận.

Phương án thứ hai, sử dụng chứng chỉ IELTS là tiêu chí phụ ưu tiên như thi học sinh giỏi thành phố, mức độ cống hiến cho xã hội. khi các học sinh có điểm sàn bằng nhau.

anh-bia-chuyen-de-113wbaw-16567634527811033191777.jpg
Kì thi tốt nghiệp THPT được coi là "tấm vé Đại học quyết định cả đời người" (Ảnh: Kenh14).

Đồng quan điểm, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, Bộ GD&ĐT cần xem xét để sớm có sự phân loại trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng tới đây, đối với ngành nào cần ngoại ngữ thì áp dụng cơ chế ưu tiên cộng điểm, nhưng không nên cào bằng để tuyển thẳng đầu vào như hiện nay. 

TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định, việc quá coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ khiến cho nhiều gia đình hướng con học để lấy chứng chỉ vì coi nó như giấy thông hành vào THPT và đại học. Khi lên đại học, các em được miễn học chính môn ngoại ngữ ấy, sau 4 năm kiến thức tiếng Anh không dùng tới sẽ rơi rớt ít nhiều và ra trường có thể cũng sẽ không dùng tới. 

Thầy Vinh nói thêm: "Ngay cả việc đào tạo cao học hiện nay vẫn biết ngoại ngữ là cần thiết, nhưng cũng không nên áp đặt đầu vào cứng nhắc sẽ sinh ra tiêu cực, vô cùng lãng phí và hình thức. Nếu thực sự cần cho công việc thì không bắt ép người ta cũng phải tự học, do đó chỉ nên coi ngoại ngữ như một công cụ bổ trợ và khuyến khích học chứ không nên cào bằng coi như một môn học chuyên ngành. Áp đặt có trình độ ngoại ngữ giống nhau là phi thực tế, vì ngay cả khi họ đã đạt được mà thực chất quá trình làm việc không sử dụng thì vô cùng lãng phí.

Tôi nghĩ Bộ Giáo dục cần sớm có định hướng cụ thể để giải quyết vấn đề quá coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ khi tuyển sinh đại học, giúp cho các thí sinh và gia đình phải nhìn nhận lại việc trang bị nền tảng kiến thức cho con em mình".

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận