06:05 28/11/2022

Từ vụ Nờ Ô Nô bị tẩy chay vì video miệt thị người nghèo: TikToker có đang vấy bẩn tâm hồn trẻ thơ?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Từ vụ việc của TikToker Nờ Ô Nô, nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi chính con em mình đang là người dùng TikTok. Hơn nữa nhiều em như tờ giấy trắng, chưa thể phân biệt được hành vi sai trái và dễ dàng bắt chước theo.

Cư dân mạng phẫn nộ vì TikToker làm nội dung xấu, độc 

Hiện nay, trên mạng xã hội, làn sóng tẩy chay TikToker Nờ Ô Nô đang nóng hơn bao giờ hết. Nờ Ô Nô, tên thật là Phạm Đức Tuấn - Một Tiktoker với hơn 670 nghìn người theo dõi và hơn 22,8 triệu lượt like (thích). 

Thế nhưng, giờ đây người ta lại nhớ tới Nờ Ô Nô như một TikToker “nổi lên” nhờ những nội dung bẩn. Nguyên nhân bắt nguồn từ một series lan tỏa sự tử tế có tên gọi “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó”, do chính anh chàng này thực hiện. 

Mặc dù xuất phát điểm đến từ một việc làm có ý nghĩa, lan tỏa sự tử tế, mang tính thiết thực cao song thái độ, lời nói và hành động của TikToker này trong các video lại khiến cư dân mạng phẫn nộ, dậy sóng. 

Đỉnh điểm một clip được anh chàng này đăng tải gần đây trên TikTok đã vấp phải ý kiến trái chiều và gây ra rất nhiều tranh cãi.

Cụ thể, trong đoạn clip TikToker Nờ Ô Nô đã tìm đến một bà lão đang ngồi tại trạm chờ xe buýt và anh chàng đã ngỏ ý muốn mua cho bà một món ăn mà bà thích. Thế nhưng, điều đáng chú ý, mở đầu video Nờ Ô Nô đã sử dụng những ngôn từ có phần “phản cảm” để trò chuyện với bà cụ như: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn".

Chưa dừng lại tại đó, thậm chí anh chàng này còn sử dụng những ngôn từ kém duyên hơn khiến cư dân mạng bức xúc như “nghèo mà còn chê đồ ăn”, “Vậy thôi khỏi ăn”, “Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”... trong video của mình. 

Sau khi đoạn video được đăng tải, nhanh chóng xuất hiện làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng nhằm vào TikToker này. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, của cho không bằng cách cho, vậy nên hành động và lời nói của anh chàng là không thể chấp nhận được. 

poster tẩy chay nờ ô nô
Poster tẩy chay TikToker Nờ Ô Nô được dân mạng lan truyền nhau trên mạng xã hội kèm hashtag #tẩychayNờôNô (Ảnh: Facebook).

Bên cạnh đó, các video của Nờ Ô Nô được nhiều người xem cho rằng, đây là những nội dung bẩn, miệt thị và lợi dụng người nghèo để nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi, cố tình thực hiện nhằm mục đích câu view. 

Trước phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng, hiện tại tài khoản TikTok của Nờ Ô Nô đã chuyển sang chế độ riêng tư. Đồng thời, anh chàng cũng đã lên tiếng xin lỗi, tuy nhiên như đổ thêm dầu vào lửa, động thái này của Nờ Ô Nô lại khiến nhiều người phẫn nộ hơn vì thái độ và lời nói của mình. 

“Tao sai, tao đã xin lỗi nãy giờ rồi. Tao rất sai”, lời xin lỗi của Nờ ô Nô khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ vì cảm thấy anh chàng này vẫn chưa nhận ra lỗi sai của mình. 

Phụ huynh nói gì? 

Hiện nay, TikTok là một môi trường mở, với sự truy cập khổng lồ từ đa dạng lứa tuổi người dùng, trong đó có cả trẻ em. Từ vụ việc trên, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi chính con em mình đang là những người dùng của TikTok. Hơn nữa nhiều em như tờ giấy trắng, chưa thể phân biệt được những hành vi sai trái và dễ dàng bắt chước theo những video trên mạng.

Chị Phùng Thị Quyên (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng phẫn nộ trước hành động của nam Tiktoker Nờ Ô Nô.

Chị Quyên cho rằng, nếu không mạnh tay tẩy chay những nội dung rác như vậy sẽ khiến môi trường mạng bị ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ nhỏ, làm suy thoái đạo đức xã hội.

“Có nhiều em còn quá non nớt, chưa nhận biết được đâu là nội dung tốt, đâu là nội dung xấu độc trên môi trường internet. Đặc biệt, mạng xã hội TikTok hiện nay thu hút rất nhiều các em nhỏ, có những em mới chỉ học cấp một, cấp 2 đã bắt đầu biết tới, xem và sử dụng TikTok. Do đó, các em rất dễ đi theo con đường sai lệch vì nghĩ sẽ thu hút được người xem và trở nên nổi tiếng nhanh chóng”, chị Quyên bày tỏ quan điểm. 

Ngoài ra, chị Quyên cho rằng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người xem, những nội dung xấu, độc như vậy, ít nhiều ảnh hưởng đến cả cộng đồng người sáng tạo nội dung trên TikTok. Hơn nữa, còn có thể khiến nhiều em nhỏ có sở thích sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok sẽ bị cha mẹ ngăn cản vì nghĩ TikToker là lố lăng, vớ vẩn. 

Đồng quan điểm với chị Quyên, chị Vũ Ngọc Khánh (Quận Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy rằng, đây phải gọi là một vấn nạn. Bởi vì mạng xã hội ảnh hưởng đến người dùng rất nhanh, không chỉ thanh thiếu niên mà còn cả các em nhỏ đang trong độ tuổi thiếu nhi. 

“Việc này sẽ làm cho các bạn nhỏ có cái nhìn sai lệch về cách ứng xử, phân biệt giàu nghèo hay thậm chí cho rằng, đây là "thú vui" và lan truyền nhau. Đây là điều tôi vô cùng lo ngại.

Tôi không đánh đồng tất cả các người làm nội dung nhưng mong các bạn trẻ cần chú ý nhiều hơn lời lẽ và hành động trong các video trước khi đăng tải. Vì sức ảnh hưởng của các bạn có thể định hướng xã hội chứ không còn đơn thuần chỉ phục vụ thị hiếu của phần đông cộng đồng mạng nữa”, chị Khánh chia sẻ. 

H.S. - một cư dân mạng tỏ rõ quan điểm cho rằng, TikTok cần phải siết chặt việc kiểm duyệt những nội dung kém văn minh và có biện pháp khóa hoặc xóa vĩnh viễn những tài khoản làm những nội dung như vậy để tránh hậu quả về sau. 

Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam về kinh nghiệm giúp con tiếp cận với những trào lưu mới nhưng vẫn an toàn, lành mạnh trên không gian mạng, chị Đỗ Thanh Tân - mẹ diễn viên nhí Tân Anh (vai bé Thư trong phim "Hành trình công lý") cho biết, con chị không sử dụng Facebook. Với nền tảng TikTok thì có sự đồng hành, định hướng từ gia đình.

“Trước khi đến với phim truyền hình, con cũng đã đóng video trên một kênh TikTok riêng có nội dung hoàn toàn về cuộc sống hàng ngày của trẻ em. Tôi sẽ đọc kịch bản trước, nếu nội dung nhảm nhí, không có tính nhân văn, tôi cũng không cho con tham gia. Vì thấy nhiều kịch bản có tính nhân văn rất cao, hướng con trẻ tới những điều tích cực nên tôi ủng hộ con”, chị Tân cho hay. 

Làm thế nào để bảo vệ tâm hồn trẻ thơ trước những nội dung xấu độc?

Hiện nay, một số nền tảng khác cũng đã đưa ra những chính sách kiểm soát nội dung để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

Điển hình như nền tảng YouTube, trong một hội thảo mới đây được tổ chức tại Hà Nội, ông Ajay Vidyasagar - Giám đốc điều hành YouTube tại Ấn Độ, Đông Nam Á và các thị trường mới nổi cho biết, trong quý 3/2022, YouTube đã xóa bỏ hơn 2 triệu video trên toàn cầu do vi phạm chính sách an toàn dành cho trẻ em. 

ông Ajay Vidyasagar - Giám đốc điều hành YouTube tại Ấn Độ, Đông Nam Á và các thị trường mới nổi
Ông Ajay Vidyasagar - Giám đốc điều hành YouTube tại Ấn Độ, Đông Nam Á và các thị trường mới nổi (Ảnh: Hà Chi).

“YouTube đặt trách nhiệm làm tôn chỉ trong công việc, hướng đến một nền tảng ngày một an toàn và bảo mật hơn. Trong đó, sứ mệnh bảo vệ trẻ em và gia đình luôn được ưu tiên trên hết”, ông Ajay Vidyasagar cho hay. 

Ngoài ra, ông Ajay Vidyasagar nói thêm, YouTube có các bộ chính sách rõ ràng nhằm mục đích bảo vệ người dùng bao gồm cả trẻ em và trẻ vị thành niên khỏi nội dung có hại. Ví dụ: Cấm các nội dung khiến người dùng gặp rủi ro bao gồm các lĩnh vực như: Tình dục hóa không mong muốn, lạm dụng và các hành vi có hại, nguy hiểm. YouTube sẽ nhanh chóng xóa video nếu bị phát hiện vi phạm chính sách…

Do vậy, với sự phát triển và lan tỏa chóng mặt như hiện nay, TikTok cần nhanh chóng tính toán, đưa ra những chính sách phù hợp để đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người dùng, đặc biệt là người dùng nhỏ tuổi. 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận