Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp World Vision International phát động Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy
Hôm nay (05/8), tại Hà Nội, World Vision International tại Việt Nam và Viện Dinh Dưỡng Quốc gia chính thức phát động Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy - ENOUGH nhằm chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em với tầm nhìn “Vì một thế giới nơi mọi trẻ em đều được hưởng đủ thực phẩm dinh dưỡng để có thể phát triển khỏe mạnh”.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về nuôi con bằng sữa mẹ và để đẩy mạnh hơn các can thiệp về dinh dưỡng, huy động sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, nhà tài trợ và các bên liên quan, World Vision International tại Việt Nam cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát động Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy. Sự kiện là khởi đầu một loạt các chương trình hành động về nuôi con bằng sữa mẹ.
Để đẩy mạnh hơn các can thiệp về dinh dưỡng, huy động sự tham gia của cộng đồng, các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, nhà tài trợ và các bên liên quan, World Vision International tại Việt Nam cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát động Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy hưởng ứng Sáng kiến toàn cầu – ENOUGH do World Vision quốc tế khởi xướng,
Tham dự sự kiện, có sự hiện diện của: Ông Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia; Ông Nguyễn Văn Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; Ông Doseba Tua Sinay, Trưởng đại diện World Vision International tại Việt Nam; Bà Nguyễn Thu Hằng - Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ông Đào Thế Anh - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,.. Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến dinh dưỡng; Đại diện trẻ em và cộng đồng dự án World Vision.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng trẻ em luôn là một ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong nỗ lực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng trẻ em, đó là tình trạng duy trì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nhóm trẻ khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở mức cao, gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi thuộc khu vực đô thị và nông thôn, thiếu hụt vi chất ở trẻ em trên nhiều địa bàn. Hơn nữa, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực hộ gia đình cũng là một trong những thách thức cản trở nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em.
Trong bối cảnh đó, tổ chức World Vision International tại Việt Nam đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam triển khai các can thiệp dinh dưỡng nhằm đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia (2021 - 2030) với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt là trẻ em khu vực miền núi, dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Bộ Y tế mong muốn các Ban ngành, các đơn vị, tổ chức trên toàn quốc quan tâm và đầu tư một cách có hiệu quả các nguồn lực để triển khai các hành động dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt hướng tới trẻ em khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chúng tôi hoan nghênh các đơn vị y tế trên cả nước trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các Sáng kiến dinh dưỡng nhằm giải quyết các thách thức trong can thiệp dinh dưỡng cộng đồng, mà Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy do Viện Dinh dưỡng và World Vision International tại Việt Nam khởi xướng là một ví dụ. Hành động này đóng góp thiết thực trong việc xây dựng một thế giới nơi mọi trẻ em đều được hưởng đủ thực phẩm dinh dưỡng để có thể phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.
Ông Doseba Tua Sinay, Trưởng đại diện World Vision International tại Việt Nam cho biết: “Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy do World Vision International tại Việt Nam và Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp thực hiện là minh chứng cho những nỗ lực thực hiện cam kết chăm sóc sức khỏe, và rộng hơn là đảm bảo an sinh trẻ em bền vững của chúng tôi”.
Theo ông Doseba Tua Sinay, để thực hiện hiệu quả Sáng kiến, World Vision International mong muốn có sự đồng hành của các cơ quan quản lý ở cả cấp trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, doanh nghiệp, trẻ em và cộng đồng trong việc lập kế hoạch và phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu để tăng cường hơn nữa các Hành động Dinh dưỡng Thiết yếu.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay góp sức, chúng ta có thể chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng ở trẻ em tại Việt Nam, tạo nên những thay đổi tích cực, đảm bảo mọi trẻ em đều được tận hưởng cuộc sống trọn vẹn”, ông Doseba Tua Sinay nói.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia chia sẻ, Bộ Y tế và Viện Dinh dưỡng đã triển khai nhiều mô hình để bổ sung kiến thức và kĩ năng để bà mẹ đảm bảo dinh dưỡng tốt cho con mình, ví dụ như hệ thống hơn 1.000 phòng tư vấn dinh dưỡng Mặt Trời Bé Thơ, gần 70 bệnh viện tham gia sáng kiến Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc, 7 Ngân Hàng Sữa Mẹ, và hướng dẫn lắp đặt phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là can thiệp chính để thực hiện mục tiêu của Mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời tại 51 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mà Viện Dinh dưỡng đang tích cực hỗ trợ các đơn vị triển khai.
Những can thiệp kịp thời sẽ mang lại tác động không chỉ là dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe, mà còn là lợi ích kinh tế và môi trường. Nuôi con bằng sữa mẹ đã đóng góp 4000 tỷ đô la Mỹ cho nền kinh tế toàn cầu hằng năm, dựa trên quy đổi thời gian làm việc không lương của người phụ nữ khi cho con bú, và giá trị dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và trẻ em từ sữa mẹ. Mặt khác, nuôi con bằng sữa mẹ sẽ góp phần giảm thiểu khí thải carbon và mang lại tác động tích cực cho môi trường. Bởi vì một kg sữa công thức tạo ra khoảng 11-14kg khí thải nhà kính và sử dụng hơn 5,000 lít nước trong suốt vòng đời sản phẩm.
"Chúng ta đang chưa đánh giá đủ sức mạnh và tác động của các can thiệp bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, và Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm nay nhắc nhở chúng ta về đóng góp tuyệt vời của những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ về mọi mặt, sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế", PGS. TS Trần Thanh Dương nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị trao đổi: "Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự đồng hành, hoạt động có hiệu quả và chiều sâu thực tiễn của World Vision International tại Việt Nam trong 20 năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng của tỉnh Quảng Trị đã giảm. Chúng tôi luôn ủng hộ và mong muốn tiếp tục đồng hành cùng World Vision International trong Sáng kiến Dinh dưỡng đủ đầy".
Các hoạt động chính của Sáng kiến Dinh dưỡng Đủ đầy - ENOUGH bao gồm:
- Cải thiện và tăng cường nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh cho trẻ em thông qua các hoạt động cải thiện sinh kế, góp phần đảm bảo dinh dưỡng cho các hộ gia đình có trẻ;
- Cải thiện thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho người chăm sóc trẻ thông qua các hoạt động truyền thông xã hội và tư vấn tại cộng đồng;
- Tổ chức các diễn đàn chia sẻ các thực hành tốt, bài học kinh nghiệm, bằng chứng, khuyến nghị cho việc thúc đẩy triển khai các chính sách của Chính phủ Việt Nam về dinh dưỡng và nhạy cảm với dinh dưỡng;
- Huy động sự tham gia, đóng góp nguồn lực của các bên liên quan, bao gồm nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế, các tổ chức quốc tế, cộng đồng và chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các lĩnh vực ưu tiên của sáng kiến.
Các hoạt động này sẽ được lồng ghép vào hoạt động của 25 Chương trình vùng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nơi World Vision International tại Việt Nam đang hoạt động, bao gồm: Điện Biên, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, TP. Hồ Chí Minh. Ở quy mô toàn cầu, dự kiến 125 triệu trẻ em ở 67 quốc gia sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến.
Các đại biểu cũng có cơ hội lắng nghe những ý kiến đóng góp, đề xuất của đại diện trẻ em. Trước khi tham gia hội nghị, các em đã cùng nhau thảo luận để tìm ra những vấn đề liên quan dinh dưỡng, sức khỏe tại quê hương mình, nguyên nhân tồn tại những vấn đề này và đề xuất những hành động cụ thể để giải quyết vấn đề.
Đến từ huyện miền núi tại tỉnh Điên Biên, A Phủ (14 tuổi) cho biết, tại quê hương em, vẫn còn những trường hợp trẻ suy dinh dưỡng do mẹ sinh con khi còn nhỏ tuổi, sức khoẻ không tốt, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ. Em mong muốn "có thêm những hoạt động truyền thông cho cha mẹ và trẻ em về các chủ đề như tầm quan trọng của dinh dưỡng và cách chuẩn bị bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng, hậu quả của tảo hôn.
Còn Thanh Phương (17 tuổi, Quảng Trị) đặt ra vấn đề đồ ăn nhanh không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh, có hại cho sức khỏe đang được bán rất nhiều quanh khu vực trường học. Phương mong muốn các trường hợp này cần được xử lý.
Phát biểu bế mạc sự kiện, PGS. TS. Trần Thanh Dương, Viện trường Viện dinh dưỡng Quốc gia kêu gọi sự đồng lòng, hợp tác của các bên "để hướng tới một tương lai tươi sáng cho trẻ em Việt Nam." Về phía Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ông cũng khẳng định: "Trong giai đoạn 2024-2026, Viện Dinh Dưỡng và World Vision International tại Việt Nam sẽ phối hợp triển khai Sáng kiến này với một loạt các chương trình hành động."
Trước khi kết thúc sự kiện, tất cả những người tham dự đã ký cam kết thể hiện sự đồng lòng của cả xã hội trong nỗ lực mang lại đủ đầy dinh dưỡng và yêu thương cho mọi trẻ em.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất