14:30 26/03/2024

10 kỹ năng sống cần dạy trẻ trước 10 tuổi

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An Nguyễn

Từ cách xử lý vết thương nhỏ đến việc tự chuẩn bị một bữa ăn đơn giản, cha mẹ hãy trang bị cho trẻ những bài học quý giá về cuộc sống để bước vào thế giới rộng lớn.

images

Trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển, con trẻ cần học rất nhiều thứ, điều này đôi khi khiến chúng dễ dàng bỏ qua các kỹ năng sống thực tế.

Một nghiên cứu năm 2014 của công ty bảo mật AVG Technologies cho thấy, 57% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi có thể dùng được ít nhất một ứng dụng trên điện thoại thông minh, duy chỉ có 14% trẻ biết buộc dây giày.

Ông Tim Elmore, người sáng lập Growing Leaders, một tổ chức phi lợi nhuận ở Atlanta chuyên hợp tác với các trường học và nhóm dân sự để thúc đẩy các phẩm chất lãnh đạo ở trẻ em, chia sẻ rằng: "Tôi thấy nhiều phụ huynh làm mọi thứ cho con cái thay vì để chúng tự xoay sở. Chúng ta cần chuẩn bị cho con trẻ bước vào con đường, chứ không phải dọn đường cho con đi."

Dưới đây là 10 kỹ năng sống cần thiết các bậc phụ huynh cần dạy cho con mình trước 10 tuổi:

Chuẩn bị một bữa ăn đơn giản

Hãy cùng con vào bếp và chuẩn bị sẵn tinh thần cho những lúc bột mì vương vãi hay vỏ trứng khắp nơi. Dưới đây là một vài gợi ý để trẻ nhỏ bắt đầu làm quen với bếp:

  • Cho trẻ tập cắt chuối bằng dao nhựa hoặc dao gỗ.
  • Với trẻ mẫu giáo, bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ múc sữa chua vào bát và thêm hoa quả đã cắt sẵn.
  • Đối với trẻ em từ 5 tuổi trở lên, có thể hướng dẫn trẻ cách làm bánh mì sandwich và sinh tố.
  • Từ 7 tuổi trở lên, trẻ có thể thử dùng lò nướng bánh mì mini.
Ảnh: istockphoto 
Ảnh: istockphoto 

Bằng cách dần dần dạy trẻ các kỹ năng bếp núc, đến năm 10 tuổi, con có thể sử dụng bếp an toàn dưới sự giám sát của phụ huynh.

Trẻ sử dụng mạng an toàn

Trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, do đó việc củng cố một vài quy tắc để giúp chúng an toàn khám phá thế giới kỹ thuật số là điều cần thiết.

Chọn mật khẩu khó đoán: Giúp con chọn mật khẩu khó đoán và dặn con không bao giờ chia sẻ mật khẩu với bất kỳ ai ngoại trừ bố mẹ.

Chỉ trò chuyện với người quen biết: Nhắc nhở con chỉ trò chuyện với những người chúng biết ngoài đời thực và không cung cấp thông tin cá nhân như ngày sinh nhật, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại.

Văn minh trên mạng: Nhắc con cư xử tử tế, bất cứ điều gì chúng gửi hoặc nói trên mạng đều lưu lại mãi mãi.

Xin phép trước khi tải xuống: Nhắc con xin phép hoặc nhờ bố mẹ giúp đỡ trước khi tải xuống bất kỳ thứ gì hoặc ấn vào cửa sổ quảng cáo bất ngờ.

Luôn có thể chia sẻ vấn đề với bố mẹ: Quan trọng nhất, hãy cho con biết chúng luôn có thể đến gặp bố mẹ để chia sẻ bất kỳ vấn đề nào.

Ảnh: istockphoto
Ảnh: istockphoto

Giặt giũ quần áo

Nhiều thanh thiếu niên ra ở riêng nhưng lại không biết giặt quần áo. Đừng để con mình rơi vào tình trạng đó.

Phụ huynh có thể bắt đầu dạy con giặt giũ từ khoảng 6 tuổi. Nếu máy giặt có cửa trên, hãy chuẩn bị sẵn một chiếc ghế đôn nhỏ. Cùng con thực hiện từng bước: lấy đủ lượng và đổ bột giặt, chọn chế độ giặt phù hợp và khởi động máy. Hãy biến việc giặt giũ thành hoạt động thú vị cho trẻ.

Ảnh: istockphoto
Ảnh: istockphoto

Trồng cây 

Nhiều trẻ mẫu giáo học cách gieo hạt ở lớp nhưng lại không biết cách chuyển cây non ra vườn. Whitney Cohen, đồng tác giả của "The Book of Gardening Projects for Kids" (Sách Dự án Làm Vườn dành cho trẻ em) và Giám đốc Giáo dục tại Life Lab, đã hướng dẫn từng bước:

1. Chuẩn bị đất trồng:

  • Chọn một vị trí thích hợp để trồng cây con.
  • Nếu có thể, hãy trộn thêm khoảng 5cm phân hữu cơ lên trên mặt đất.
  • Trộn đều, bẻ nhỏ các cục đất và tưới nước cho đến khi đất ẩm.

2. Đào hố:

  • Yêu cầu trẻ đào một hố rộng hơn một chút so với chậu chứa cây con.

3. Lấy cây con ra khỏi chậu: Đến khoảng 6 hoặc 7 tuổi, trẻ có thể tự lấy cây con ra.

  • Đầu tiên, hướng dẫn trẻ dang hai ngón tay để thân cây kẹp giữa chúng.
  • Sau đó, lật ngược chậu cây và bóp nhẹ bên ngoài chậu cho đến khi cây thoát ra.
  • Nếu rễ cây quấn chặt, trẻ nên nới lỏng từng rễ một trước khi trồng.

4. Trồng cây: Khi lấy cây ra khỏi chậu và đặt vào hố, hướng dẫn trẻ nhẹ nhàng lấp đất xung quanh và ấn nhẹ xuống.

5. Tưới nước: Cho trẻ tưới nước từ bình tưới có vòi hoa sen.

Viết thư

Viết thư tay tuy ít phổ biến hơn xưa nhưng vẫn là một hoạt động ý nghĩa. Trẻ mới biết đi có thể đọc to một bức thư ngắn gửi cho người thân hoặc bạn bè (kèm theo tranh vẽ minh họa). Sau đó, bố mẹ có thể dán tem và cùng con bỏ thư vào thùng. 

Trẻ lớn hơn có thể tự viết thư và ghi địa chỉ lên phong thư. Đây cũng là dịp dạy trẻ về 5 phần cơ bản của một lá thư: ngày tháng, lời chào, nội dung chính, lời kết và chữ ký. 

Giúp người bị hóc, nghẹn

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trẻ em từ 9 tuổi có thể học sơ cứu tim phổi (CPR). Các chương trình như "Heimlich Heroes" đào tạo về ấn bụng cấp cứu (Heimlich Maneuver) cho trẻ em từ lớp hai trở lên.

Theo "Heimlich Heroes", các bước cơ bản bao gồm:

  • Hỏi người đó có bị hóc không; nếu họ không thể trả lời, họ cần được giúp đỡ ngay lập tức.
  • Kêu cứu và nhờ ai đó gọi cấp cứu (số điện thoại khẩn cấp địa phương/ cơ sở y tế).
  • Bắt đầu thực hiện động tác Heimlich: Đứng sau người bị hóc và ôm họ. Tiếp theo, nắm chặt một tay thành hình quả đấm, đặt ngón cái hướng lên trên bụng nhưng dưới lồng ngực của họ. Cuối cùng, nắm lấy nắm đấm bằng tay kia và ấn mạnh vào bụng họ với các cú đẩy nhanh hướng vào trong và lên trên.
  • Lặp lại cho đến khi vật cản bật ra.

Xử lí vết thương

Dạy trẻ các bước sơ cứu cơ bản sẽ giúp chúng bớt lo lắng về vết thương và cũng hữu ích trong những tình huống bố mẹ không ở bên cạnh.

Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, các bước xử lý vết thương nhỏ như sau:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để tránh nhiễm trùng vết thương.
  • Rửa vết thương bằng xà phòng và nước ấm để loại bỏ bụi bẩn.
  • Dùng vải sạch ấn nhẹ vào vết thương cho đến khi máu ngừng chảy (thường mất một đến hai phút).
  • Thoa một lớp mỏng vaselin lên vết thương bằng tăm bông để giữ ẩm.
  • Dùng băng dán hoặc gạc và băng keo che vết thương lại.

Xác định phương hướng, đọc bản đồ

Các bậc phụ huynh đã bao giờ lạc đường khi đi theo hướng dẫn từng ngã rẽ của GPS chưa? Điều đó cho thấy việc biết đọc bản đồ là vô cùng quan trọng - ngay cả khi đó là bản đồ trên điện thoại.

Hãy thử các hoạt động sau để giúp con bạn phát triển kỹ năng định hướng:

  • Tổ chức một trò tìm kho báu.
  • Cùng con tham gia trò chơi geocaching (săn tìm "kho báu" dựa trên định vị GPS).
  • Để con dẫn đường khi đi tham quan sở thú hoặc bảo tàng.

Mua sắm thông minh 

Trẻ em cần học cách trở thành người tiêu dùng thông thái. Hãy thử áp dụng phương pháp ba bước sau đây: 

  • Giải thích khi mua sắm: Nói rõ giá cả sản phẩm và cùng con thảo luận về lựa chọn. Ví dụ: "Bố/mẹ sẽ đổ xăng ở cây xăng khác vì ở đó giá rẻ hơn 10 đồng một lít." Chia sẻ với con về những thứ bố mẹ muốn mua (ví dụ như giày thể thao mới nhất hoặc thiết bị công nghệ) nhưng không mua vì chúng không nằm trong ngân sách.
  • Cho trẻ tự thanh toán: Thiết lập khoản tiền tiêu vặt cho con và chỉ định một số mặt hàng con cần mua, chẳng hạn như đồ chơi mới hoặc trò chơi điện tử. Điều này giúp con quản lý tiền của mình và trải nghiệm cảm giác hài lòng khi tiết kiệm được tiền cho thứ mình mong muốn và sau đó mua được nó.
  • Trò chơi mua sắm: Khi mua sắm trực tuyến hoặc trực tiếp, hãy thử thách con tìm loại ngũ cốc có giá rẻ nhất.
Ảnh: istockphoto
Ảnh: istockphoto

Gói một món quà

Trẻ em thường thích thú khi được tặng quà, và gói quà sẽ làm cho niềm vui đó nhân lên gấp bội. Trẻ mẫu giáo có thể giúp bố mẹ cắt giấy gói và dán băng dính. Trẻ lớn hơn, từ mẫu giáo lớn trở lên, có thể tham gia thêm các bước khác với sự hướng dẫn của cha mẹ, chẳng hạn như:

  • Tháo nhãn giá
  • Tìm hộp có kích thước phù hợp
  • Ướm giấy gói quanh quà để đảm bảo vừa vặn trước khi cắt

Theo Parents 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận