10:53 10/12/2022

An toàn ở trường học: Không thể không lo

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam

Đã đến lúc vấn đề an toàn trường học cần phải được quan tâm nhiều hơn, từ an toàn dinh dưỡng, sức khỏe, tâm lý của học sinh.

Nguy cơ mất an toàn

Chị Trần Lan Anh, phụ huynh học sinh lớp 4E, Trường tiểu học Tứ Hiệp, (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, vừa nhận được thông báo của nhà trường về việc có nhiều học sinh mua quà vặt không đảm bảo chất lượng, không có hạn sử dụng ngoài cổng trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nhà trường đề nghị giáo viên chủ nhiệm phối hợp trong việc nhắc nhở, quán triệt học sinh, khuyến cáo phụ huynh hạn chế cho con mang tiền đi học.

antoanhocduong
Cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía để trường học thực sự an toàn, thân thiện.

“Nhiều lần đưa đón con đi học, tôi thấy có những hàng rong bán đồ ăn vặt trước cổng trường, học sinh vây quanh mà thấy lo. Chưa nói đến nguồn gốc xuất xứ của đồ ăn mà chỉ riêng giá tiền “rẻ giật mình” của chúng cũng khiến tôi băn khoăn về chất lượng” - chị Lan Anh nói và cho biết vẫn thường xuyên nhắc nhở con không mua đồ ăn vặt kém chất lượng, không nhận đồ người lạ cho dù ở trường hay bất cứ đâu, nhưng trẻ con hay tò mò, nếu bạn bè dùng, các em cũng sẽ rất dễ thử theo.

Sự việc 7 học sinh lớp 3 ở Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) phải nhập viện do nghịch thuốc lá điện tử trong lớp học giờ nghỉ trưa tiếp tục là một cảnh báo về tác hại của các loại thuốc lá điện tử đến sức khỏe của trẻ cũng như nỗi lo về an toàn trường học hiện nay.

Đặc biệt với khối tiểu học, mầm non đang học 2 buổi/ngày, học sinh sẽ ở trường từ sáng sớm đến chiều. Việc bảo đảm an toàn cho học sinh sẽ là vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi học sinh ăn uống, ngủ nghỉ và tham gia rất nhiều hoạt động ở trường. Hoạt động bán trú cần phải tổ chức chuyên nghiệp với các đơn vị đủ năng lực và sự vào cuộc kiểm tra giám sát thường xuyên, liên tục của đại diện nhà trường, phụ huynh và các cơ quan chức năng.

Từ vụ việc học sinh ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại một trường tiểu học ở Nha Trang cho thấy, nếu nhà trường sớm quan tâm đến những phản hồi, kiến nghị của phụ huynh về đơn vị cung cấp thức ăn thì có lẽ sự việc đau lòng đã không xảy ra.

Phòng ngừa từ nhiều phía

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn trường học, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như nghị định, thông tư, hướng dẫn, chỉ thị, công văn… gửi UBND các tỉnh nhằm đôn đốc, nhắc nhở quyết liệt triển khai công tác đảm bảo an toàn trường học. Luật Giáo dục 2019 cũng đề cập đến nội dung “Xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện”...

Dù được xem là mục tiêu đầu tiên trong quá trình chỉ đạo hoạt động giáo dục trong các nhà trường song để đảm bảo an toàn trường học không phải là việc riêng nhà trường có thể giải quyết được mà cần sự chung tay của cả gia đình, xã hội.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) cho biết, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử tới học sinh và phụ huynh, đồng thời đề nghị phụ huynh phối hợp với nhà trường kiểm tra chặt chẽ những vật dụng học sinh mang đến trường và sử dụng. “Tôi mong mỗi bố mẹ hãy gương mẫu, trở thành tấm gương để các con học theo. Ở độ tuổi này, các con rất dễ bắt chước theo những hành động xấu” - bà Hạnh nhấn mạnh.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro. Thuốc lá điện tử chỉ là 1 nguy cơ chứ không phải là duy nhất. Cha mẹ cần dạy con về các nguy cơ để con có thể nhận diện, có kiến thức đúng đắn về vấn đề đó, từ đó tránh xa những thứ độc hại, nguy hiểm.

Lấy ví dụ với thuốc lá điện tử, bà Hương cho rằng các bậc cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu, thảo luận về thuốc lá điện tử, đưa ra các tình huống nếu bị dụ dỗ thử thuốc lá điện tử thì con sẽ ứng xử ra sao… “Thay vì học suốt ngày, các con cần tham gia nhiều hơn các hoạt động như: Trồng cây, vệ sinh lớp học, làm việc nhà, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động cộng đồng. Khi đó, các con sẽ ít quan tâm đến các trò nguy hiểm” - bà Hương nói.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập “ủy ban an toàn” trong mỗi trường học để phòng ngừa rủi ro cho học sinh từ những nguy cơ đang hiện hữu trong nhà trường và ngoài môi trường học đường.

Theo ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), quan trọng nhất là cái tâm của nhà giáo. Trước khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài, đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích; nhận diện và loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn khác đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình.

Theo Đại đoàn kết

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận