21:11 26/10/2023

'Liều thuốc' nào giúp chấm dứt hành vi bạo lực học đường?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hạnh Nguyên

Khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành, sự bám sát của giáo viên, của cha mẹ và của các bên liên quan.

Lạnh lùng đánh bạn và thản nhiên đứng xem

Ngày 23/10, trên mạng xã hội lan truyền clip một nữ sinh bị một nhóm học sinh giật tóc, lột áo, đánh đập tới tấp và kéo lê giữa nền đất. Vào cuộc xác minh, cơ quan chức năng nhận định, nữ sinh bị hành hung là em M.T.T.T. (hiện học lớp 7 Trường THCS Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). 

Để làm rõ sự việc, Phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) yêu cầu nhà trường xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ việc em T. bị bạo hành và quay video phát tán trên mạng xã hội.

Ông Đoàn Xuân Thành - Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Điền cho biết, trong sáng 24/10, lãnh đạo nhà trường đã yêu cầu 4 nữ sinh liên quan vụ đánh đập em T. viết tường trình để xử lý theo quy định. Phụ huynh của các nữ sinh liên quan cũng được nhà trường mời đến làm việc.

Thông tin ban đầu từ ông Thành, nữ sinh T. từng bị đánh đập nhiều lần, nơi xảy ra vụ việc nằm ngoài khuôn viên nhà trường.

baoluc-6
Học sinh T. bị bạn học túm tóc, lột quần áo, kéo lê trên nền đất. Ảnh cắt từ clip.

Chiều 25/10, Phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, đại diện cơ quan này đã cùng công an, Ban Giám hiệu Trường THCS Lộc Điền tổ chức họp với các phụ huynh để tìm nguyên nhân và bàn phương án xử lý vụ nữ sinh lớp 7 tại trường này bị bạn học lột áo, quay clip, hành hung nhiều lần.

Theo đó, nguyên nhân vụ việc được rút ra từ cuộc họp phụ huynh cho thấy, vào ngày 19/10, em P.Đ.D.H (học sinh Trường THCS Lộc Điền) điều khiển xe đạp đâm vào em M.T.T.T, khiến điện thoại của em T. bị nứt màn hình. Tối cùng ngày, em T. đến nhà em H. yêu cầu bồi thường điện thoại và có gặp ông P.V.M (bố em H.) để phản ánh sự việc, nhưng ông M. không đồng ý đền bù và yêu cầu hai em tự giải quyết.

Từ mâu thuẫn này, các nữ sinh hẹn gặp nhau tại một quán cà phê ở địa bàn xã Lộc An (huyện Phú Lộc) để giải quyết sự việc. Tại cuộc gặp, có 8 em học sinh; trong đó có em H. (5 em là học sinh lớp 7 Trường THCS Lộc Điền, 3 em khác học Trường THCS Lộc An) đã tham gia đánh, hành hung em T. và quay clip ghi lại vụ việc.

Tại buổi làm việc với các bên liên quan, phụ huynh của những học sinh đánh em T. đều thống nhất phối hợp để giải quyết sự việc; tổ chức thăm hỏi và cam kết chi trả các khoản chi phí thăm khám, điều trị tại bệnh viện đối với em T. Các phụ huynh tham gia cuộc họp đã nhận thấy rõ một phần nguyên nhân, trách nhiệm là do họ ít quan tâm đến con em mình và ham công việc. Các phụ huynh cùng cam kết là từ nay sẽ quan tâm hơn đến con cái mình.

Đến nay, các học sinh liên quan đã được nhà trường yêu cầu viết tường trình. Công an xã cũng đã phối hợp với những người giám hộ cho học sinh để xác minh, làm rõ vụ việc.

Được biết, sau khi bị hành hung, em T. được người nhà đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Sức khỏe em T. hiện đã ổn định, không phát hiện các tổn thương.

baoluc-3
Sau khi bị bạo hành, học sinh T. còn bị bạn bắt quỳ xin tha. Ảnh cắt từ clip

Không phải vụ việc hi hữu

Được biết, đây không phải là vụ việc duy nhất tại Thừa Thiên Huế. Trước đó, vào ngày 24/8, thông tin từ Phòng GD&ĐT TP Huế cho biết, cơ quan này vừa nhận được đơn trình báo của một phụ huynh về việc con gái họ bị nhóm học sinh đe dọa, hành hung. 

Người có đơn trình báo cơ quan chức năng là bà Nguyễn T.T.N. (ngụ tại TP Huế), có con gái 13 tuổi, bị một nhóm nữ sinh của nhiều trường THCS trên địa bàn thành phố đe dọa, chở đến một số địa điểm rồi hành hung, quay clip.

Theo đơn trình báo, vào ngày 31/7, một nhóm 4 gồm học sinh thuộc Trường THCS Trần Phú, THCS Hùng Vương, Trường THCS Duy Tân (TP Huế) đi xe đạp điện đến nhà bà N.

Sau đó, nhóm 4 học sinh này đã hù dọa, ép buộc cháu N.T.V (con bà N, 13 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Duy Tân, TP Huế) lên xe chở đến khu vực gần nhà thờ Phủ Cam (phường Phước Vĩnh, TP Huế) đánh đập và quay clip.

Chưa dừng lại, nhóm 4 học sinh nữ tiếp tục đưa V. đến tượng đài Quang Trung (phường An Tây) đánh đập và tiếp tục quay video.

“Nhóm này còn đòi lột áo quần của V. Cháu liên tục van xin đừng đánh nữa nhưng 4 học sinh này vẫn không buông tha”, nội dung đơn của bà N cho hay.

Sau khi bị hành hung, V. trở về nhà với tinh thần bất ổn, thân thể có những vết bầm tím, bỏ ăn và ít nói chuyện với gia đình. Đến 11/8, bà N. biết thêm sự việc con mình bị đánh từ clip của một người trong nhóm 4 học sinh quay lại. Bà N đã trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng phường Phước Vĩnh. 

"Liều thuốc" nào giúp chấm dứt hành vi bạo lực học đường?

Bên cạnh những vụ việc học sinh bị bạo hành, đánh hội đồng tại Thừa Thiên Huế, thời gian gần đây cũng rộ lên nhiều vụ bạo hành học đường ở nhiều tỉnh thành. Điểm chung từ các vụ việc đều đến từ những mâu thuẫn rất nhỏ, tưởng có thể giải quyết đơn giản, nhưng các học sinh đã giải quyết với nhau theo kiểu “anh chị xã hội”, mục đích để dằn mặt, phô trương sự ảnh hưởng với nạn nhân và bạn bè cùng trang lứa.

baoluc-1
Một tiểu phẩm bạo lực được diễn trên giảng đường, để học sinh có nhận thức, cảm nhận, cảm xúc thật về vấn nạn bạo hành. (Ảnh minh họa; Nguồn: Internet).

Điều đáng nói, những học sinh tham gia các vụ bạo hành đều khá manh động, đánh đập nạn nhân bất chấp, không nhận lời xin lỗi, không phân biệt đúng sai. Số còn lại thản nhiên chứng kiến, cười nói và quay clip, rồi tung lên mạng, hả hê như vừa lập chiến công.

Ở hầu hết các vụ việc, gia đình và nhà trường không nắm bắt được thông tin nên không có biện pháp can thiệp. Chỉ khi vụ việc được phanh phui, qua việc phát tán clip bạo hành lên mạng xã hội, hoặc do nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tinh thần, thể xác, khi đó nhà trường và gia đình mới biết chuyện.

Câu hỏi đặt ra là tại sao bạo lực học đường vẫn xuất hiện, nhưng hầu như không có biện pháp xử lý triệt để?

Theo một số chuyên gia, những năm gần đây, bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đây là vấn đề đáng báo động về mặt đạo đức, những học sinh có xu hướng bạo hành thường ỷ thế đám đông để bắt nạt người không hợp mắt, thích nổi loạn. Những học sinh này thường có ứng xử và hành vi lệch lạc, vô cảm trước cảm xúc và đau khổ của người khác.

Nguyên nhân của bạo lực học đường còn đến từ tâm lý lứa tuổi, đó là tuổi thích thể hiện, hiếu thắng, bốc đồng nên dễ nảy sinh những hành vi thiếu kiểm soát. Nhưng yếu tố bạo lực còn đến từ nhận thức về bạo lực, sự thấu hiểu – đồng cảm của các em học sinh với nhau, sự bức bối, căng thẳng từ cuộc sống, học tập đến ảnh hưởng của các phim hành động, của sự bức bối do lối sống, sinh hoạt, đặc biệt là sự thiếu quan tâm, yêu thương, dạy dỗ  từ người lớn….

Để hạn chế bạo lực học đường, các chuyên gia cho rằng, khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tùy theo mức độ mà có cách xử lý khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành, sự bám sát của giáo viên, của cha mẹ và của các bên liên quan. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn bạo lực ngay từ lúc manh nha. Trẻ em cần được dạy dỗ cách tự phòng vệ, được giáo dục không thể dùng bạo lực để bắt nạt bạn bè, dạy học sinh cách thấu hiểu và đồng cảm với người khác. Điều này cần bắt đầu từ gia đình, sau đó mới tới nhà trường và xã hội.

Môi trường học đường là nơi dễ va chạm của rất nhiều cá tính, môi trường sống, dễ xảy ra những mâu thuẫn. Do đó, thầy cô và nhà trường cần có sự nhạy cảm, sự quan sát để định hướng và giáo dục học sinh đúng và phù hợp. Cần điều chỉnh những nhận thức và hành vi lệch lạc, những mâu thuẫn hoặc những vấn đề xung đột khi nó mới nảy sinh.

Khi các em học sinh đã kêu cứu, nhất thiết nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp khẩn trương và quán triệt để hỗ trợ, tuỳ mức độ và sự đe dọa đến thể chất và tinh thần của các em mà có sự hỗ trợ phù hợp. Về phía gia đình, cần luôn đồng hành cùng con, chủ động bảo vệ con trước nạn bạo hành.

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần có thái độ nghiêm khắc, biện pháp răn đe đủ mạnh để chung tay chấm dứt bạo lực học đường.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận