Từ vụ 3 trẻ ở Ninh Thuận ngộ độc cấp do ăn hạt cây dầu mè, cha mẹ cần phòng tránh ngộ độc cho trẻ khi nghỉ hè
Khi đưa đến bệnh viện, cả 3 cháu đều có biểu hiện mệt, đừ người, da xanh, niêm nhợt, đau bụng và nôn nhiều.
Chiều 18/7, Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết, đơn vị vừa cấp cứu kịp thời 3 cháu nhỏ là Cao Thị Ngọc K (5 tuổi), Tà La Văn Đ (4 tuổi) và Tà La Văn K (1 tuổi) cùng ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) bị ngộ độc do ăn phải hạt cây dầu mè (hay còn gọi là câu cọc rào).
Khi đưa đến bệnh viện, cả 3 cháu đều có biểu hiện mệt, đừ người, da xanh, niêm nhợt, đau bụng và nôn nhiều. Êkíp trực Khoa Nhi đã tích cực hỗ trợ hô hấp, dịch truyền, súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính. Sau thời gian cấp cứu, sức khỏe các cháu dần hồi phục và hiện đã ổn định trở lại.
Người nhà cho biết, trước đó vào trưa 17/7, các cháu đi chơi, thấy hạt cây dầu mè rụng nên tự đập vỏ lấy nhân để ăn. Trước khi nhập viện khoảng 6 giờ, các cháu nôn, đau bụng nhiều nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.
Theo Vietnamplus, BS.CKII Nguyễn Thị Hường, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết, hạt cây dầu mè có chứa 25% chất dầu và chất độc Curcin, dầu hạt chỉ dùng trong công nghiệp, thay dầu thắp đèn, làm xà phòng. Khi ăn phải hạt cây dầu mè, nếu không cấp cứu kịp thời, độc tố Curcin gây rối loạn tiêu hóa nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Cây dầu mè có rất nhiều tại các vùng thôn quê. Khi hạt chín và rụng xuống theo thời gian sẽ nảy mầm, lớn nhanh. Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, hạt dầu mè có chứa chất dầu, mùi thơm nên trẻ em hay thích đập nát vỏ ngoài để ăn nhân bên trong. Do có độc tố nên các bậc phụ huynh cần khuyên răn trẻ không ăn loại hạt này.
Trước đó, ở Yên Bái từng có 4 trẻ cũng bị ngộ độc do ăn phải hạt quả cây dầu mè.
Phòng tránh ngộ độc cho trẻ khi nghỉ hè
Nghỉ hè, bố mẹ phải đi làm, trẻ thường ở nhà với ông bà, người giúp việc hoặc một mình. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ ngộ độc nếu người lớn bất cẩn. Vì vậy, để phòng tai nạn do ngộ độc cần phải cách ly hoặc để xa tầm với của trẻ các loại thuốc, hóa chất như: Thuốc trừ sâu, thuốc chuột, thuốc chữa bệnh, bình xịt muỗi, thuốc tẩy rửa… Hướng dẫn và thực hành cho trẻ ăn, uống sạch, không ăn thức ăn lạ, thức ăn ôi thiu, nấm lạ…
Tuyệt đối không sử dụng các vật chứa hóa chất để đựng đồ ăn, thức uống. Không sử dụng các vật đựng đồ ăn thức uống để chứa các chất khác như xăng, cồn, dầu hỏa.
Mùa hè là thời gian hợp lý để rèn luyện các nội dung mà trong khi đi học chưa đáp ứng được, vì thế các hoạt động thể thao, tham gia việc vặt trong gia đình, các việc từ thực tế là vô cùng quan trọng với trẻ, giúp trẻ nhận thức được giá trị sống, có kĩ năng sống, trải nghiệm thực tế… nên cha mẹ hãy giúp đỡ, nhắc nhở, hướng dẫn con có một mùa hè an toàn, bổ ích, không có tai nạn đáng tiếc.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất