Bé bao nhiêu tháng tuổi có thể ăn dứa?
Dứa là loại thực phẩm giải nhiệt mùa hè chứa dồi dào vitamin, khoáng chất và enzyme, mang lại nhiều lợi ích về sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, cha mẹ cần biết đâu là thời điểm thích hợp cho bé yêu bắt đầu tập ăn dứa?
Loại trái cây nhiệt đới thơm ngon với vẻ ngoài gai góc và phần thịt bên trong mọng nước này là một lựa chọn hấp dẫn vào những ngày hè nóng nực. Dứa ngọt ngào và có chút chua là một kho dưỡng chất tuyệt vời đối với trẻ nhỏ. Dứa ít calo, gần như không có chất béo và cung cấp lượng vitamin và mangan đáng kể.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - Cơ sở dữ liệu Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g dứa tươi có giá trị dinh dưỡng sau:
Nước: 86g
Năng lượng: 50kcal
Protein: 0.54g
Chất béo tổng hợp: 0.12g
Carbohydrate: 13g
Chất xơ: 1.4g
Đường: 9.9g
Canxi: 13mg
Sắt: 0.29mg
Magiê: 12mg
Phốt-pho: 8mg
Kali: 109mg
Natri: 1mg
Kẽm: 0.12mg
Đồng: 0.11mg
Vitamin C: 47.8mg
Vitamin B1: 0.079mg
Vitamin B2: 0.032mg
Vitamin B3: 0.5mg
Vitamin B6: 0.112mg
Vitamin B9: 18mcg
Cholin: 5.5mg
Vitamin A: 3mcg
Beta carotene: 35mcg
Vitamin E (alpha-tocopherol): 0.02mg
Vitamin K (phylloquinone): 0.7mcg
Lợi ích sức khoẻ tuyệt vời từ việc ăn dứa
Từ việc giúp phòng ngừa hen suyễn đến phòng chống nguy cơ ung thư, dứa mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
- Bảo vệ da: Vitamin C trong dứa giúp giảm nếp nhăn, cải thiện cấu trúc da, ngăn ngừa mụn và mẩn, bảo vệ da khỏi tổn thương do ánh nắng mặt trời và ô nhiễm.
- Hỗ trợ tiêu hoá: Dứa chứa một nhóm enzyme gọi là bromelain, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn. Enzyme này giúp phân giải protein thành axit amin và peptit, giúp giảm đầy hơi và cải thiện sức khỏe đường ruột của bé.
- Chữa viêm xoang: Bromelain giảm nhầy và đờm tích tụ trong đường hô hấp và khoang xoang do nhiễm virus, giúp giảm triệu chứng viêm xoang cấp.
- Giảm cân: Khi uống nước dứa, bromelain giúp tiêu hao protein và đốt cháy chất béo dư thừa ở vùng bụng.
- Cải thiện sức khoẻ tóc: Vitamin C trong dứa làm tóc mềm mại và bóng, trong khi bromelain giúp cải thiện nang tóc và độ dày của tóc.
- Giảm viêm: Bromelain giảm sản xuất phân tử gây viêm trong cơ thể, giúp giảm đau khớp và các rối loạn viêm khác.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Dứa giàu chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại các bệnh tật, tăng cường khả năng chống lại bệnh tật cho bé.
- Giúp xương chắc khoẻ: Dứa còn giàu chất xơ cần thiết để khắc phục các vấn đề về tiêu hóa ở trẻ. Lượng mangan mà dứa cung cấp cũng rất cần thiết trong việc xây dựng hệ xương khớp chắc khoẻ cho bé.
Khi nào bé có thể ăn dứa?
Với tất cả các lợi ích sức khỏe, dứa có thể được coi là siêu thực phẩm lý tưởng cho trẻ nhỏ. Vậy bé bao nhiêu tháng tuổi có thể bắt đầu ăn được dứa?
Theo hướng dẫn về thực phẩm rắn năm 2012 của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ em trên 6 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn dứa cùng với các loại thực phẩm khác. Cha mẹ không cần giới thiệu các loại thực phẩm theo thứ tự cụ thể nào.
Hệ tiêu hóa của trẻ trên 6 tháng tuổi đã đủ khả năng tiếp nhận nhiều loại thức ăn khác nhau. Ở độ tuổi 6 tháng, bé bắt đầu tiếp xúc với các món nghiền nhuyễn để thích nghi với việc ăn bằng thìa. Dứa là một lựa chọn thú vị vì nó có hương vị đặc trưng và kết cấu dạng sệt vừa phải khi được nghiền nhuyễn. Khi bắt đầu cho bé ăn dứa, cha mẹ có thể thử dùng dứa với liều lượng nhỏ để xem con phản ứng như thế nào. Nếu bé nhạy cảm, cha mẹ có thể đợi đến khi bé được gần 1 tuổi rồi cho bé ăn lại.
Dứa là loại trái cây thơm ngon, tốt cho sức khỏe, giàu vitamin C, B6 và magiê. Khi được chế biến một cách an toàn, dứa có thể là một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn của bé. Tuy nhiên, AAP khuyến nghị sau khi cho trẻ ăn thử một loại thực phẩm mới, hãy đợi ít nhất 2-3 ngày trước khi giới thiệu loại thực phẩm tiếp theo. Điều này giúp theo dõi và phát hiện bất kỳ phản ứng dị ứng nào có thể xảy ra ở trẻ.
Về lượng thức ăn, bé chỉ cần một vài thìa cho mỗi khẩu phần. Do dứa chứa nhiều xơ, nguy cơ nghẹn cao hơn so với các loại trái cây khác. Do đó, cha mẹ hãy luôn luôn giám sát trẻ khi cho con ăn dứa.
Nếu cha mẹ không muốn mua cả quả dứa, có thể cho trẻ ăn dứa đóng hộp. Tuy nhiên, với dứa đóng hộp, hãy chọn loại dùng cho bé ăn dặm và tránh sản phẩm có thêm đường hóa học. Bác sĩ khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ ăn thêm đường cho đến khi trẻ ít nhất 2 tuổi.
Nếu bé không thích dứa ngay lần đầu, hãy tiếp tục cho bé ăn thường xuyên. Có thể phải mất vài lần thử một món ăn mới thì bé mới bắt đầu thích nó.
Lưu ý, cha mẹ không cho bé ăn hoặc uống nước ép dứa lúc đang đói hay vào buổi tối. Đặc biệt, khi bé đang phải dùng thuốc trị bệnh bất kỳ, cha mẹ không nên cho con ăn dứa hoặc các món ăn từ dứa. Vì trong dứa có chứa chất bromelain, một enzyme có thể tương tác với một số loại thuốc, gây giảm hiệu quả của chúng hoặc tăng nguy cơ các tác dụng phụ.
Phản ứng khi bé bị dị ứng dứa
Dứa đôi khi có thể gây ra vấn đề cho hệ tiêu hóa của bé. Tính chất axit của trái cây có thể gây ra phát ban xung quanh miệng. Vì vậy, cha mẹ nên cho bé ăn dứa chỉ một lượng nhỏ mỗi lần, kèm theo các loại thức ăn khác. Hơn nữa, hãy tránh cho bé ăn dứa để cả miếng to, vì điều này có thể gây ra nguy cơ con bị nghẹn.
Mặc dù ăn dứa mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ, nhưng cũng có những tác dụng phụ tiềm ẩn. Bromelain và vitamin C, hai chất chính tạo nên lợi ích của dứa, có thể gây ra một số tác dụng phụ như sưng miệng và má, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, phát ban, đau đầu và sốt phát ban.
Tuy nhiên, những tác dụng này thường xuất hiện chỉ khi ăn dứa quá mức. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý chỉ cho con ăn một lượng dứa vừa đủ với mỗi khẩu phần ăn.
Bí quyết chọn dứa tươi ngon cho cha mẹ
Dứa có sẵn tại hầu hết các chợ, siêu thị và cửa hàng trái cây. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết chọn dứa đúng cách. Dưới đây là một số gợi ý cho cha mẹ:
- Chọn dứa có màu xanh với một ít màu vàng ở phần đáy.
- Lá dứa nên tươi và màu xanh.
- Ngửi phần đáy của dứa. Nếu mùi hương tươi mới, thơm ngọt, đó là dứa tốt.
- Nắn nhẹ dứa, chọn quả không nên quá cứng hoặc quá mềm.
Cha mẹ có thể bảo quản dứa tươi bằng cách để dứa trong tủ lạnh trong túi nhựa có lỗ thoáng khí trong khoảng 3-5 ngày.
Ngoài ra, khi bé lớn hơn và có thể ăn đa dạng món hơn, để kích thích con ăn uống ngon miệng, cha mẹ có thể biến tấu các món ăn với dứa, từ dứa nướng, dứa hấp, pizza dứa, bánh cheesecake dứa,… Hãy để dứa trở thành một phần không thể thiếu của chế độ ăn của cả gia đình.
Tóm lại dứa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và là lựa chọn bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ hãy cho con ăn dứa một cách thận trọng, theo dõi phản ứng của trẻ và lựa chọn những quả dứa tươi chín để đảm bảo an toàn và mang lại hương vị thơm ngon nhất.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất