13:27 15/12/2022

Bếp ăn học đường cần điều kiện gì để đạt chuẩn?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú luôn là vấn đề "nóng". Nhưng liệu các trường đã đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn học đường? PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã trao đổi với bà Trịnh Thúy Vân - Trưởng khoa An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế quận Ba Đình).

Bài viết này thuộc chuyên đề Bếp ăn học đường

Bếp ăn học đường

Xem thêm

Sau thông tin đau lòng từ vụ việc ngộ độc thực phẩm ở trường iSchool Nha Trang, một sự việc khác liên quan đến bếp ăn học đường đang tiếp tục gây xôn xao dư luận.

Ủy ban Nhân dân phường Hòa An (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) vừa ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với nhóm lớp độc lập tư thục Hoa Anh Đào (địa chỉ tại số 366 đường Tôn Đản, phường Hòa An) trong thời gian 10 ngày để xác minh, kiểm tra, làm rõ nội dung phụ huynh phản ánh việc học sinh tại nhóm trẻ bị cắt xén khẩu phần ăn, bị đánh mắng. Chưa bao giờ, câu chuyện về bếp ăn học đường, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú lại nhức nhối đến vậy. 

Mới đây, trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) đã tổ chức buổi tập huấn phổ biến kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ bếp ăn tập thể trong nhà trường. Buổi tập huấn nhằm góp phần bồi dưỡng nâng cao kiến thức về VSATTP cho đội ngũ làm công tác bán trú của nhà trường.

giáo viên cơ quan y tế
Tham dự buổi tập huấn có bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng nhà trường, ông Bùi Ngọc Chu - Giám Đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TPT, nhân viên công ty TPT phục vụ bếp ăn trong trường học và các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác bán trú của trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ảnh: Hương Giang).

Tại buổi tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường được nghe giảng viên truyền đạt kỹ về 3 nội dung chính sau: Hướng dẫn các điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống; Tìm hiểu các nguyên nhân có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm và quy trình khai báo xử lý khi xảy ra ngộ độc; Phân tích, quán triệt hiểu rõ vai trò trách nhiệm của nhà trường trong công tác đảm bảo ATTP trong trường học.

Cuối buổi tập huấn, cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường phải làm bài thu hoạch để hệ thống lại các kiến thức trọng tâm của buổi học để được cấp chứng chỉ. 

Cô Lê Thị Kim Cúc - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, mỗi năm trường tổ chức tập huấn ít nhất một lần, còn lại trong các buổi họp hội đồng nhà trường quán triệt tinh thần nhắc nhở các cô giáo luôn đảm bảo an ninh an toàn thực phẩm.

Cô Cúc cho hay, toàn bộ 100% giáo viên, nhân viên tham gia công tác bán trú của nhà trường đều phải có đầy đủ giấy khám sức khoẻ, đơn tự nguyện tham gia công tác bán trú, phải tham gia tập huấn hằng năm và cấp chứng chỉ.

PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có những trao đổi với bà Trịnh Thúy Vân - Trưởng khoa ATTP (Trung tâm Y tế quận Ba Đình) về vấn đề VSATTP trong trường học.

Bà Vân cho biết, trong đầu năm học này, tất cả các trường trên địa bàn quận Ba Đình đã được kiểm tra, giám sát, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn cơ bản tốt.

Bên cạnh đó, vẫn còn những trường hợp vi phạm nhưng không quá lớn. Khi PV đề cập cụ thể về những lỗi này, bà Trịnh Thuý Vân cho hay, đó là lỗi như sai sót trong việc ghi chép sổ sách, thay đổi về nguồn cung cấp thực phẩm nhưng chưa ghi vào sổ,...

chuyen gia y te
Giảng viên trực tiếp bồi dưỡng kiến thức và hướng dẫn thảo luận xử lý các tình huống giả định là bà Trịnh Thúy Vân - Trưởng khoa ATTP, Trung tâm Y tế quận Ba Đình (Ảnh: Hương Giang).

Trả lời về định kỳ kiểm tra VSATTP tại các trường, bà Vân thông tin: "Đầu năm học sẽ có một đợt kiểm tra, ngoài ra sẽ giám sát 6 tháng một lần. Khi có những yêu cầu của thành phố, UBND quận hoặc UBND phường thì sẽ có những đợt kiểm tra không cố định".

Đoàn kiểm tra liên ngành của quận sẽ bao gồm Chủ trì, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Y tế, Trạm Thú y, Phòng Y tế. Tùy theo tính chất nghiêm trọng của mỗi đợt kiểm tra sẽ có Công an môi trường hoặc Quản lý thị trường cùng tham dự. Quy trình khi đi kiểm tra sẽ bắt đầu từ khâu lập kế hoạch, xây dựng lịch, tổ chức đoàn,...

Theo văn bản hướng dẫn của Trung tâm Y tế Ba Đình, các điều kiện đảm bảo ATTP bao gồm:

1. Điều kiện vệ sinh phòng bếp

  • Cách biệt nguồn ô nhiễm.
  • Đảm bảo có đủ nguồn nước sạch, bồn rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho nhân viên bếp.
  • Các khu vực trong nơi chế biến theo nguyên tắc một chiều, tránh lây nhiễm chéo.
  • Đảm bảo khu vực sơ chế, chế biến thực phẩm được thông thoáng, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, quạt thông gió không thổi từ khu chế biến đồ sống sang khu đồ chín.
  • Thùng rác có nắp đậy, không rò rỉ, được vận chuyển trong ngày.
  • Thường xuyên vệ sinh khu vực sơ chế, chế biến, nhà vệ sinh, tay nắm cửa,... bằng các chất tẩy rửa.
  • Đảm bảo đầy đủ lưới, kính, hệ thống cửa kín,... để tránh sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại.

2. Điều kiện vệ trang thiết bị dụng cụ

  • Có đầy đủ trang thiết bị dụng cụ phương tiện bảo hộ cho nhân viên (mũ, tạp dề, găng tay, khẩu trang...) khi tham gia chế biến thực phẩm.
  • Có quy trình vệ sinh trang thiết bị dụng cụ đảm bảo ATTP đặc biệt là khi sơ chế, chế biến gia súc, gia cầm và thực phẩm tươi sống. Có trang thiết bị để chế biến thực phẩm sống, chín riêng.

3. Điều kiện về nguồn gốc thực phẩm, chế biến, bảo quản thực phẩm

Quy trinh che bien
Infographic Quy trình chế biến, nấu nướng đúng nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm (Đồ hoạ: Tạp chí Trẻ em Việt Nam).
  • Chỉ ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các nhà cung cấp có đủ điều kiện về ATTP theo quy định của pháp luật.
  • Thường xuyên rà soát hồ sơ năng lực của các nhà cung cấp thực phẩm để kịp thời khắc phục, bổ sung các loại giấy tờ nguồn gốc thực phẩm còn chưa đầy đủ.
  • Các sản phẩm gia súc, gia cầm phải được thực hiện kiểm dịch vệ sinh thú y theo đúng quy định.
  • Đảm bảo ATVSTP trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm
  • Bảo quan thực phẩm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Bảo quản cách biệt thực phẩm sống/ chín theo đúng quy định. 
  • Bao gói kín trước khi bảo quản, trên bao gói ghi ngày tháng.
  • Kho thực phẩm phải đảm bảo an toàn, có biển, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh, chống được côn trùng và động vật gây hại.
  • Chế biến thực phẩm theo: 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn.
  • Đảm bảo quy trình chế biến, nấu nướng theo nguyên tắc: Không gây ô nhiễm chéo; Sử dụng phụ gia, phẩm màu, gia vị đúng quy định; Thực phẩm khi đã nấu chín nên ăn trước 2 tiếng, bảo quản ở nhiệt độ <10℃ hoặc >60℃; Các nguyên liệu sạch không được lẫn nguyên liệu chưa sạch; Chế biến trên bàn cao 60cm; Rửa rau và hoa quả dưới vòi nước chảy; Rã đông đúng cách.
  • Thực hiện nghiêm túc chế độ lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực ba bước theo đúng hướng dẫn 1246/ QĐ - BYT năm 2017 của Bộ Y tế.

4. Điều kiện về người tham gia chế biến thực phẩm

  • Nhân viên bếp phải được khám sức khoẻ định kỳ theo đúng quy định.
  • Đội ngũ bếp phải được tập huấn kiến thức ATTP và quản lý xác nhận.
  • Thực hành vệ sinh cá nhân trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm (rửa tay, rửa bát, trang thiết bị dụng cụ... theo đúng quy định), không để móng tay dài, không đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm.
  • Có đầy đủ trang thiết bị dụng cụ phương tiện bảo hộ cho nhân viên (mũ, tạp dề, găng tay, khẩu trang...) khi tham gia chế biến thực phẩm.

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú cũng như bữa ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho trẻ tại trường luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Với định hướng trao gửi giá trị nhân văn, mang đến những bài viết có ý nghĩa tích cực, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã triển khai chuyên đề đặc biệt Bếp ăn học đường với mục tiêu phản ánh công khai, minh bạch chất lượng những bữa ăn của trẻ em, học sinh.

Tạp chí Trẻ em Việt Nam kính mong Quý đơn vị phối hợp cung cấp thông tin với nội dung bao gồm: Nguồn cung cấp thực phẩm; Tên các nhà cung cấp thực phẩm; Sổ ghi chép khi tiếp nhận thực phẩm; Điều kiện bếp ăn của trường (giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định pháp luật của các nhân viên cấp dưỡng,…); Hình ảnh bữa ăn học đường...

Quý độc giả, trường học có thông chi tiết, vui lòng liên hệ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam theo 3 cách:

  • Gọi điện thoại đến hotline: 0816.221.166
  • Gửi email: toasoantevn@gmail.com
  • Hoặc viết bài tại đây

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận