16:27 11/03/2024

Biểu hiện, cách phòng tránh bệnh ho gà ở trẻ em

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 7/3, trên địa bàn Thủ đô đã có 9 ca mắc bệnh ho gà; trong khi cùng kỳ năm 2022 và năm 2023 không ghi nhận ca bệnh.

Đáng lưu ý, qua khai thác bệnh án, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh.

hoga
Tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch là cách phòng bệnh ho gà hiệu quả nhất. Ảnh: IT

Bệnh ho gà là gì?

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây nên. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, dễ lây lan và thường tăng vào mùa Đông - Xuân.

Khi xâm nhập vào đường hô hấp trên của người bệnh, vi khuẩn này sẽ có khả năng sản sinh ra loại độc tố Pertussis toxin, gây hại cho sức khỏe người bệnh.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này, nhưng bệnh chủ yếu gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ho gà là một loại bệnh truyền nhiễm, vi khuẩn gây bệnh Bordetella pertussis có thể truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp chẳng hạn như khi tiếp xúc giọt bắt nước bọt khi nói chuyện hay có thể là do chạm vào những đồ dùng có chứa dịch tiết hô hấp của người bệnh.

Trẻ bị bệnh sinh hoạt trong một không gian kín cùng với nhiều trẻ khác, nhất là trong môi trường trường học, hoặc vui chơi trong nhà thì nguy cơ lây truyền bệnh là rất cao. Thời điểm dễ lây bệnh nhất là khoảng thời gian 2 tuần kể từ khi trẻ có những dấu hiệu khởi phát bệnh. Tuy nhiên, khi kịp thời được phát hiện và điều trị, thì nguy cơ lây nhiễm sẽ được kiểm soát tốt và đồng thời giảm nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ em.

Biểu hiện bệnh ho gà

Theo Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian đầu mắc bệnh, trẻ thường xuất hiện những cơn ho nhẹ, sau đó ho nhiều hơn, hắt hơi, chảy nước mũi, sốt nhẹ.

Giai đoạn kịch phát:

+ Cơn ho kéo dài, xuất hiện một cách tự nhiên hay do một kích thích nhỏ.

+ Trẻ ho rũ rượi, đỏ mặt, thở rít (khi hít thở sẽ xuất hiện tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà), nôn nhiều đờm, đặc quánh. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có những cơn ngừng thở ngắn. Giữa các cơn ho, thông thường trẻ cảm thấy dễ chịu và có thể sinh hoạt bình thường. Ngoài ra trong giai đoạn này còn thấy một số dấu hiệu như: chảy máu cam, xuất huyết kết mạc mắt hay bầm tím quanh mi mắt dưới.

Giai đoạn hồi phục: Cơn ho ngắn lại, số cơn giảm. Ho còn có thể tồn tại trong vài tuần

Biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ em

Ho gà có khả năng lây nhiễm cao và gây ra những biến chứng nguy hiểm ở trẻ em. Trẻ càng nhỏ thì càng có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời.

Ở thời gian ủ bệnh hoặc khởi phát, bệnh có thể được điều trị hiệu quả nếu như phát hiện sớm. Nhưng sự nguy hiểm của bệnh chính là do những triệu chứng bệnh ở thời điểm này rất khó phát hiện và phải đến khi những biểu hiện nghiêm trọng, nhất là tình trạng ho kéo dài, ho nặng,... trẻ mới được mẹ đưa đi khám. Lúc này, phương pháp điều trị thường là dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn ho gà giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh, rất khó để cải thiện tình trạng cơn ho hay rút ngắn thời gian bệnh cho trẻ.

Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm của bệnh ho gà ở trẻ em:

- Bệnh có thể gây suy hô hấp, thiếu oxy não, viêm não.

- Gây viêm phổi.

- Gây xẹp phổi do những cơn ho khan nghiêm trọng và do những nút nhầy làm tắc các phế quản nhỏ.

- Biến chứng thần kinh, chẳng hạn như tình trạng liệt các chi, mất ngôn ngữ, co giật, xuất huyết não, xung não,...

Bên cạnh đó, bệnh còn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác như loét hãm lưỡi, thoát vị rốn, thoát vị bẹn, vỡ phế nang, lồng ruột, sa trực tràng, tràn khí màng phổi, khiến trẻ bị bầm tím dưới mí mắt, thậm chí chảy máu nội sọ. Bệnh không được can thiệp kịp thời thì có thể khiến trẻ bị di chứng nặng hoặc dẫn tới tử vong.

Các biện pháp phòng bệnh ho gà ở trẻ

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi), mũi 2 khi 3 tháng tuổi, mũi 3 khi 4 tháng tuổi, mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.

Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà trẻ, lớp học, nhà ở sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hằng ngày.

Trong trường hợp trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường như cơn ho nghiêm trọng kèm theo biểu hiện tím tai, ho kéo dài, nôn sau ho, trẻ quấy khóc và ăn kém,… thì mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận