Các địa phương quy định đồng phục học sinh thế nào?
Vào đầu năm học mới, dù theo quy định, các trường không bắt buộc phụ huynh, học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần các em mặc sạch sẽ, gọn gàng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như phụ huynh nào cũng phải mua đồng phục cho con trước mỗi năm học. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về đồng phục của học sinh của một số tỉnh, thành phố.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mới ban hành Công văn số 4363 do Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bảo Quốc ký, gửi tới các đơn vị, hướng dẫn một số hoạt động đầu năm và chuẩn bị vào năm học mới 2023-2024 cấp tiểu học. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể về đồng phục của học sinh.
Theo đó, việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh. Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may.
Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường.
Tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học.
Trước đó, tại Nghị quyết 04 năm 2023 của HĐND TP Hồ Chí Minh, quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm học 2023-2024, có nội dung các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Trong đó, mức thu tối đa của tiền mua sắm đồng phục học sinh cấp tiểu học được quy định như sau:
Mức thu tối đa với nhóm 1 là 300.000 đồng/học sinh/bộ đồng phục
Mức thu tối đa với nhóm 2 là 250.000 đồng/học sinh/bộ đồng phục
Trong đó, nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.
Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây đã có văn bản yêu cầu các trường không được tự ý thay đổi đồng phục của học sinh. Việc này là để tránh gây phiền hà, tốn kém cho gia đình học sinh vào dịp đầu năm học mới 2023-2024.
Theo đó, đối với nam học sinh, sinh viên là áo sơ mi trắng (không có viền, không có nơ, không sọc kẻ), quần tây màu đen hoặc xanh đen, đi dép có quai hậu hoặc giày. (Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện đồng phục áo trắng quần trắng trong những giờ học chính khóa buổi sáng).
Với học sinh nữ cấp tiểu học và THCS là áo sơ mi trắng, quần tây màu đen, xanh đen đi dép có quai hậu hoặc giày (học sinh nữ tiểu học có thêm lựa chọn mặc váy quá đầu gối màu đen, xanh đen).
Còn nữ học sinh, sinh viên cấp THPT, giáo dục thường xuyên, cao đẳng sư phạm là áo sơ mi trắng, quần tây màu đen hoặc xanh đen, áo dài trắng vào lễ chào cờ thứ hai hằng tuần và đi dép có quai hậu hoặc giày.
Riêng THPT Vũng Tàu và THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện đồng phục áo dài trắng trong những giờ học chính khóa buổi sáng.
Về đồng phục học môn thể dục, các trường thực hiện chung cho học sinh, sinh viên toàn trường một kiểu dáng, màu sắc, chất liệu hoặc mỗi khối, mỗi khoa một màu và duy trì ổn định trong cả một niên khóa học tập.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu các trường tuyệt đối không in phù hiệu trên áo, không may thêm các họa tiết như: cà vạt, nơ, viền… trên đồng phục. Sở này yêu cầu, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục trên địa bàn chịu trách nhiệm trước giám đốc sở nếu để ra sai sót, lạm thu về thực hiện đồng phục học sinh, đồng thời cũng quy định cụ thể trang phục.
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo và các đơn vị trực thuộc sở về việc triển khai đồng phục học sinh và các khoản thu năm học 2023-2024.
Văn bản nêu, chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh (trừ các trường ngoài công lập) cần thực hiện đồng phục học sinh theo kiểu truyền thống (quần hoặc váy màu xanh mực, áo màu trắng); không triển khai đồng phục riêng cho từng trường, không có các phụ kiện như cà vạt, viền tay áo, cổ áo, cầu vai… khác màu; không tổ chức các dịch vụ may, bán quần áo học sinh dưới bất cứ hình thức nào.
Đối với học sinh nữ các trường THPT, chỉ mặc áo dài vào một số ngày nhất định như thứ Hai, ngày lễ và các ngày sinh hoạt truyền thống của ngành giáo dục và đào tạo.
Đối với trang phục thể dục, nếu các trường có quy định theo mẫu thống nhất thì cũng phải ổn định kiểu dáng lâu dài trong nhiều năm. Học sinh có thể đi giày hoặc dép có quai sau, không bắt buộc phải thực hiện đồng loạt.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất