Cảnh giác trước “bẫy” trại hè trên mạng xã hội: Phụ huynh mất tiền, con mất trải nghiệm
Mạng xã hội càng tràn ngập lời mời gọi “mùa hè tuyệt vời cho trẻ em”, từ những trại hè quốc tế đến trại kỹ năng sinh tồn. Nhưng giữa cơn mưa quảng cáo ấy, nhiều cha mẹ hoang mang không biết chọn gì cho con học và chất lượng khóa học đó ra sao.
Nhu cầu thật trong mạng lưới quảng cáo ảo
Trong vài năm trở lại đây, trại hè đã trở thành một lựa chọn quen thuộc với nhiều gia đình có con nhỏ, đặc biệt tại các đô thị lớn. Các hình thức tổ chức ngày càng đa dạng về nội dung, thời lượng và mức chi phí – từ vài triệu cho chương trình ngắn ngày đến cả chục triệu đồng cho những chuyến trải nghiệm dài hơn ở xa.
Không chỉ giúp trẻ “cai” thiết bị điện tử, trại hè còn được kỳ vọng là môi trường để rèn luyện kỹ năng, tăng tính tự lập và phát triển khả năng giao tiếp. Chính vì vậy, khi kỳ nghỉ hè đang đến gần, nhiều phụ huynh đã sớm chủ động tìm kiếm, lên kế hoạch để con có một mùa hè ý nghĩa.
Chị Hoàng Anh (Ba Đình, Hà Nội) là một trong số rất nhiều phụ huynh đã và đang chủ động tìm kiếm trại hè cho con ngay từ đầu tháng 4. “Con tôi vốn khá nhút nhát. Năm ngoái cháu tham gia trại hè ở Đà Lạt, sau chuyến đi về thì mạnh dạn hơn hẳn, biết tự sắp xếp đồ dùng cá nhân và dám xung phong phát biểu trước đám đông. Thấy con trưởng thành hơn, tôi tin rằng mình đã quyết định đúng và năm nay tiếp tục đăng ký sớm cho con”, chị chia sẻ.
Câu chuyện của chị Hoàng Anh cũng là tâm lý chung của nhiều cha mẹ hiện nay: mong muốn con có một mùa hè ý nghĩa, tách khỏi thiết bị điện tử và học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế. Không khó để thấy nhu cầu lớn này thể hiện rõ trên mạng xã hội. Các hội nhóm dành cho cha mẹ, diễn đàn phụ huynh… xuất hiện dày đặc các bài đăng hỏi han kinh nghiệm chọn trại, so sánh chi phí, chia sẻ ưu nhược điểm từng chương trình. Dưới mỗi bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu kèm đường link fanpage hoặc số hotline tư vấn được để lại công khai.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh cũng tỏ ra băn khoăn khi trên mạng xã hội, các fanpage quảng cáo trại hè mọc lên như nấm sau mưa. Với những lời mời chào hấp dẫn như “trại hè quốc tế giá rẻ”, “chỉ từ 1,5 triệu cho 3 ngày 2 đêm”, “trại hè chuẩn Mỹ không cần visa”… nhiều người dễ dàng bị cuốn theo mà không kiểm tra kỹ độ uy tín của đơn vị tổ chức.
Lợi dụng tâm lý này, thời gian gần đây đã xuất hiện một số fanpage mạo danh các trung tâm lớn để trục lợi. Những trang này thường sử dụng hình ảnh được sao chép từ các trại hè có thật, thông tin giới thiệu được sao chép gần như nguyên văn từ các website chuyên nghiệp. Chúng được chạy quảng cáo có dấu “tài trợ”, dùng giọng văn đánh vào cảm xúc, đồng thời thúc giục chuyển khoản đặt cọc sớm.

Chị Phương Lan (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể lại trải nghiệm đáng tiếc của mình: “Tôi thấy một fanpage quảng cáo trại hè ở Tam Đảo, hình ảnh chuyên nghiệp, giá vừa túi tiền. Tôi được tư vấn rất nhiệt tình qua tin nhắn, còn có cả người gọi điện mời chào. Họ bảo cần chuyển khoản 2 triệu tiền cọc giữ chỗ sớm để không mất suất. Tôi chuyển xong thì fanpage xóa tin nhắn, gọi điện không liên lạc được. Lúc đó tôi mới nhận ra mình đã bị lừa”.
Sau vụ việc, chị Lan chia sẻ rằng mình vừa buồn, vừa tự trách vì đã chủ quan, chỉ dựa vào giao diện fanpage và giọng nói của người tư vấn để quyết định. “Giờ nghĩ lại mới thấy, họ nói quá ngọt, mà mình lại thiếu kiểm chứng. Không có địa chỉ cụ thể, không hợp đồng, không tìm được đánh giá thật của những người từng tham gia… Vậy mà mình vẫn tin.”
Không riêng chị Lan, nhiều phụ huynh khác trên các hội nhóm cũng từng bị “dí” chuyển khoản trong vòng 24 giờ để giữ suất, nhưng sau đó không liên lạc được với người phụ trách. Một số trường hợp dù được tổ chức thật nhưng chất lượng không đúng như quảng cáo: địa điểm không đảm bảo, đội ngũ quản lý thiếu kinh nghiệm, lịch trình lộn xộn và thiếu hoạt động thực tế cho trẻ.
Phụ huynh cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các trại hè
Không thể phủ nhận việc tham gia trại hè là một hoạt động rất bổ ích và phù hợp với trẻ trong kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải hết sức lưu ý lựa chọn trại hè được tổ chức bởi những đơn vị uy tín, tránh “tiền mất tật mang” trước một số trại hè “ma”, lừa đảo hiện nay.
Anh Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) - phụ huynh có con đã tham gia trại hè 3 năm liên tiếp - chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi chỉ chọn những đơn vị có địa chỉ văn phòng rõ ràng, giấy phép tổ chức hoạt động giáo dục và có hợp đồng cụ thể. Trước khi đăng ký, tôi gọi điện xác nhận, yêu cầu gửi lịch trình chi tiết, chính sách hoàn tiền và bảo hiểm cho trẻ. Nếu họ trả lời lúng túng hay trả lời vòng vo tôi sẽ loại ngay.”
Theo anh Hùng, việc tìm hiểu không chỉ dừng ở trang web hay fanpage mà còn cần kiểm tra xem đơn vị tổ chức có mã số thuế, giấy phép hay các hoạt động trước đó trên báo chí, truyền thông hay không. “Cẩn thận một chút sẽ mất thời gian, nhưng an tâm hơn nhiều”, anh Hùng nói thêm.
Tương tự, chị Lương Hạnh (Đống Đa, Hà Nội), mẹ của bé gái 6 tuổi, cũng là một phụ huynh rất kỹ tính trong việc chọn trại hè cho con. Vì con còn nhỏ và khá nhạy cảm, chị không chỉ quan tâm đến lịch trình hoạt động mà còn đánh giá kỹ cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ tổ chức. “Tôi ưu tiên những trung tâm từng tổ chức nhiều mùa trại trước, có đánh giá thực tế từ phụ huynh. Năm ngoái, tôi đã đến tận nơi gặp người phụ trách, xin bản lịch trình, xem phòng ngủ, bếp ăn, khu vệ sinh rồi mới đăng ký. Dù mất công, nhưng khi giao con cho người khác, mình phải tận mắt thấy tai nghe”, chị kể.
Ngoài ra, chị Hạnh cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề thanh toán. Những trung tâm chỉ nhận chuyển khoản vào tài khoản cá nhân và không cung cấp hợp đồng rõ ràng đều nằm ngoài danh sách lựa chọn của chị. “Nếu người nhận tiền là cá nhân, không có hợp đồng thì tôi từ chối ngay. Trung tâm uy tín thường có tài khoản doanh nghiệp và hóa đơn đầy đủ,” chị nói.
Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều phụ huynh khác cũng cho rằng, nên chọn những đơn vị có tổ chức buổi họp phụ huynh trước khi trại hè bắt đầu để giải đáp thắc mắc, giới thiệu người phụ trách, trình bày quy trình chăm sóc, xử lý tình huống. Một số nơi uy tín còn mời cả bác sĩ đến tư vấn sơ bộ về an toàn y tế hoặc cam kết có xe cấp cứu dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin về các khóa học trên các trang mạng để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trong trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất