08:45 17/11/2022

Chăm sóc da kề da tăng tỷ lệ sống của trẻ sinh non

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam An An

WHO đưa ra các hướng dẫn mới để cải thiện tỷ lệ sống sót cho trẻ sinh non (trước 37 tuần của thai kỳ) hoặc trẻ dưới 2,5kg khi sinh.

Theo hướng dẫn mới cập nhật ngày 15/11 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phương pháp tiếp xúc da kề da là “chìa khóa” để tăng tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non và trẻ nhẹ cân. Đây được xem là một bước ngoặt trong dịch vụ chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh.

2-1
Ảnh: Internet

Theo WHO, việc tiếp xúc da kề da giữa trẻ và mẹ hoặc người chăm sóc nên bắt đầu ngay sau khi sinh, không có bất kỳ giai đoạn đầu nào trong lồng ấp, giúp tăng cơ hội sống sót của trẻ.

Các hướng dẫn cũng đưa ra các khuyến nghị để đảm bảo hỗ trợ về mặt cảm xúc, tài chính và nơi làm việc cho các gia đình có trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg và sinh non trước 37 tuần, những người có thể phải đối mặt với căng thẳng và khó khăn đặc biệt do nhu cầu chăm sóc đặc biệt và những lo lắng về sức khỏe của trẻ.

Theo WHO, hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, chiếm hơn 1/10 tổng số ca sinh trên toàn cầu và con số thậm chí còn cao hơn - hơn 20 triệu trẻ bị nhẹ cân. Con số này đang tăng lên và sinh non hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết, tùy thuộc vào nơi trẻ được sinh ra, vẫn có sự chênh lệch đáng kể về cơ hội sống sót của trẻ sinh non. Trong khi những trẻ được sinh ra sau 28 tuần ở các quốc gia có thu nhập cao tỷ lệ sống vẫn cao, thì ở các quốc gia nghèo hơn, tỷ lệ sống sót có thể thấp tới 10%.

Theo WHO, vì trẻ sinh non thiếu chất béo trong cơ thể nên nhiều trẻ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ của chính mình khi chúng được sinh ra và chúng thường cần hỗ trợ y tế về hô hấp. Đối với những trẻ này, các khuyến nghị trước đây cho bé ổn định trong lồng ấp hoặc máy sưởi ấm khoảng 3-7 ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện đã chỉ ra rằng, việc cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ ngay sau khi sinh sẽ tăng tỷ lệ sống hơn, giảm nhiễm trùng và hạ thân nhiệt, đồng thời thuận lợi cho việc bú sữa mẹ.

Tiến sĩ Karen Edmond, Giám đốc Y tế về Sức khỏe Trẻ sơ sinh tại WHO cho biết: “Cái ôm đầu tiên của cha mẹ không chỉ quan trọng về mặt cảm xúc mà còn vô cùng quan trọng để cải thiện cơ hội sống sót và tăng cường sức khỏe cho trẻ nhỏ và trẻ sinh non”. Tiến sĩ Karen Edmond nhấn mạnh, cần cho trẻ duy trì tiếp xúc da kề da 24/7 ngay cả khi bé cần được chăm sóc đặc biệt.

“Trải qua thời kỳ Covid-19, chúng tôi biết rằng nhiều phụ nữ đã bị tách khỏi con của họ một cách không cần thiết, điều này có thể gây ra thảm họa cho sức khỏe của những đứa trẻ sinh non hoặc nhẹ cân”, Tiến sĩ Karen Edmond chia sẻ.

Trong bản cập nhật ngày 15/11, cơ quan y tế của Liên hợp quốc đưa ra 25 khuyến nghị về chăm sóc trẻ sinh non, trong đó có 11 khuyến nghị mới kể từ lần cập nhật gần đây vào năm 2015. Những hướng dẫn này đề cập đến các nội dung như cách nuôi dưỡng trẻ, chăm sóc trong thời gian trẻ mắc bệnh và tầm quan trọng của việc cho trẻ sinh non bú sữa mẹ.

Các hướng dẫn này cũng lần đầu tiên đề xuất tăng cường hỗ trợ về tinh thần và tài chính cho những người chăm sóc trẻ sinh non. Chế độ nghỉ sinh cho cha mẹ là điều bắt buộc để giúp các gia đình chăm sóc trẻ sơ sinh, đồng thời cho biết những người chăm sóc trẻ sinh non nên được hỗ trợ đầy đủ về tài chính và nơi làm việc, cũng như được thăm khám tại nhà sau khi xuất viện.

Theo WHO, trẻ được coi là sinh non khi được sinh ra trong khoảng từ tuần 22 đến tuần thứ 37 của thai kỳ (tính từ ngày đầu kỳ kinh cuối của thai phụ. Trẻ sinh non càng ít tuần tuổi, nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe càng cao, trong đó có vấn đề rối loạn thân nhiệt và rối loạn tiêu hóa.

Theo WHO

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận