07:32 17/04/2024

Phân luồng học sinh: Các trường đang mắc bệnh “hữu danh, vô thực”?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Câu chuyện phân luồng học sinh thi vào lớp 10 trong những năm qua ở nhiều tỉnh thành luôn gây bức xúc dư luận vào mỗi mùa tuyển sinh. Theo các chuyên gia, chủ trương phân luồng là đúng nhưng chỉ nên dừng lại ở tư vấn rồi để phụ huynh, học sinh tự lựa chọn.

Chưa thử sức thi, nhiều học sinh đã bị phân luồng học trường tư, trường nghề

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip gần 6 phút ghi lại phát biểu của một phụ huynh trong một buổi họp. Vị phụ huynh này cho rằng, trong thời gian qua nhà trường liên tục có động thái khuyến khích học sinh lớp 9 theo học trường nghề thay vì tiếp tục thi lên lớp 10 THPT

Phụ huynh này nhấn mạnh, gia đình đã đóng học phí cho con theo học như bao người khác, nên mong muốn các con cố gắng hết sức để thi vào THPT một cách bình thường như bao người. Hiện tại, dù đã phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi con ăn học, về nhà phụ huynh còn phải "nịnh" con thi vào lớp 10… 

Theo đó, ông bố này đã vô cùng bức xúc khi cho rằng: "Học tài thi phận. Con học chưa giỏi nhưng quá trình ôn thi, con nỗ lực làm bài tốt và trúng tuyển là chuyện bình thường. Tôi luôn phải trấn an con cố lên, bố sẽ cố gắng kiếm tiền cho con ăn học. Tôi biết nhà trường cũng bị áp lực. Tôi mong các con được thi như các bạn nên nhà trường hãy để cho các cháu thi đã. Nếu trượt thì con cũng sẽ vào học nghề chứ có gì đâu mà phải vội vã không cho thi từ đầu".

Khi biết có clip trên, nhà trường có làm việc với phụ huynh tên L.V.T., anh T. có giải thích do bức xúc nhất thời cộng thêm một số cán bộ tuyển sinh của một trường nghề gọi điện đến tư vấn nên đã phát biểu như trong clip đã đăng tải. 

phu-huynh-to-ep-hoc-nghe-2
Phụ huynh bức xúc vì con bị phân luồng không thi vào lớp 10 (Ảnh: VOV).

Tuy nhiên, sau clip phát biểu của phụ huynh này được chia sẻ trên mạng xã hội đã ghi nhận hàng triệu lượt xem với nhiều ý kiến, bình luận trái chiều. Nhiều người cho rằng, thực tế việc giáo viên hướng nghiệp học sinh không thi vào lớp 10 không còn quá xa lạ, năm nào đến mùa thi thử lớp 10 ở Hà Nội cũng có vô vàn phản ánh của các phụ huynh về tình trạng giáo viên chủ nhiệm tìm cách "ép" học sinh học trung bình, yếu không được thi kỳ thi THPT. 

Một phụ huynh tại Hà Nội nêu quan điểm rằng, phân luồng học sinh hay hướng nghiệp không sai, nhưng giờ đây nó đã bị biến tướng trở thành 1 cái “tay vịn” để nhà trường chạy đua thành tích. “Mong muốn lớn nhất của các con là thi, tại sao các thầy cô không động viên cho con thử sức để các con chứng minh bản thân? Trường hợp không đủ năng lực và rớt thì nhà trường và gia đình định hướng học nghề và bổ túc sau. Đằng này cứ đẩy sang khuyên học sinh học nghề, không thi cấp 3 vì nếu học lực kém không đỗ thì ảnh hưởng tới thành tích giảng dạy của cô giáo, của nhà trường. Chung quy lại giáo dục chưa vì học sinh mà vì bệnh thành tích quá nặng”, vị phụ huynh này nói.

Một phụ huynh khác chia sẻ: "Cứ vài ngày cô giáo lại nhắn tin con nhà tôi học kém lắm, cháu không thi cấp 3 được đâu, cho con học nghề đi để không ảnh hưởng đến thành tích giảng dạy của cô. Thậm chí có lúc cô còn bảo con "học thế đừng có đăng ký thi lớp 10 mà trượt thì xấu mặt tôi”. Các cháu chưa phát triển đủ về thể chất tinh thần, không thể vượt qua sự mặc cảm, tự ti nếu liên tục phải nghe những lời này. Rõ ràng các trường đang đua nhau theo thành tích, cuối năm, trường xếp thứ mấy của tỉnh, tỉnh xếp thứ mấy cả nước, ai cũng muốn có thành tích để lấy phần thưởng, thăng tiến, đối tượng cuối cùng chịu tác động mà không có lợi ích gì đó là học sinh".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với cách làm này, bởi họ cho rằng, sau khi thi khảo sát xong, ưu điểm và khuyết điểm của từng em sẽ được bộc lộ. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp tốt thì sẽ có ích cho chính các em và xã hội sau này. Một xã hội 'thừa thầy thiếu thợ' thì việc học nghề cũng là cần thiết nếu học sinh không đủ năng lực và không đam mê học cao hơn. Lợi ích của việc học nghề có thể kể đến như chi phí thấp, ra trường có việc làm hoặc tham gia xuất khẩu lao động tăng thu nhập,...

4d-5860
Mỗi năm, đến mùa tuyển sinh lớp 10, nhiều gia đình lại lo âu, mất ăn mất ngủ, tình hình căng thẳng thi vào lớp 10 công lập vẫn chưa thể giải quyết (Ảnh: SGGP).

Lược bỏ các hạn chế đối với quy mô THPT công lập

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nguyên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam nêu quan điểm: "Việc định hướng và phân luồng cho học sinh lớp 9 rất quan trọng. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do sợ học sinh trượt THPT công lập nhiều, nhiều học sinh lớp 8, 9 có kết quả học tập chỉ ở mức trung bình đã được các thầy cô giáo “khuyên” không nên thi vào 10 mà chọn các các con đường khác như học nghề, thậm chí nhiều trường còn đi xa hơn bằng cách hứa cho học sinh điểm học bạ đẹp hơn nếu chấp nhận không đăng ký kì thi vào 10.

Chính sự ép buộc này gây bức xúc cho phụ huynh và thêm áp lực cho các con, do đó đã có nhiều trường hợp phụ huynh phản ứng với công tác "hướng nghiệp" này của các trường THCS. Đăng ký dự thi là quyền lợi chính đáng của các con, nếu nhà trường vì sợ mất thành tích dẫn đến “tư vấn” kiểu ép buộc, vô hình chung đã tước đi quyền học và thi của con”.

65f181da724b3
TS. Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nguyên cứu giáo dục đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: VOV).

Nhiều năm theo dõi tình hình tuyển sinh THPT, theo TS. Lê Đông Phương, lý do các trường Hà Nội đưa ra để giải thích cho cách làm này là trong quy định phân luồng chỉ khoảng 70% học sinh lớp 9 vào được lớp 10 công lập (năm 2024 là khoảng 61%) nên những học sinh yếu không thể có cơ hội cạnh tranh. Nếu các em chọn con đường học nghề sẽ vừa dễ vào vừa giúp trường đạt chỉ tiêu thi đua cuối năm học.

TS. Lê Đông Phương cho rằng, việc làm này của các trường có phần thiếu tính nhân văn khi lấy kết quả học tập để làm yếu tố "phân luồng" mang tính ép buộc đối với học sinh. Hơn ai hết, các cô giáo là người nắm rõ năng lực, sở trường của các con, từ đó họ nên có sự tư vấn, trợ giúp cần thiết để phụ huynh và học sinh chọn đúng trường phù hợp.

Ngoài ra, các trường cũng đang đặt nặng bệnh "thành tích chủ nghĩa", thích phô trương hình thức, che giấu khuyết điểm yếu kém để được cấp trên biểu dương, khen thưởng khi thực hiện những mục tiêu không có căn cứ, thiếu cơ sở khoa học và đi ngược lại định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Hiện nay, TP. Hà Nội và 1 số tỉnh/thành khác vẫn hạn chế tỷ lệ học sinh lớp 9 được vào lớp 10 THPT công lập vì Nghị quyết của tỉnh/thành phố phấn đấu thực hiện chỉ tiêu của Quyết định 522/QĐ-TTg năm 2018. Nếu TP. Hà Nội muốn trở thành trung tâm văn hóa, xã hội và khoa học - công nghệ của đất nước thì cần phải phát triển mạnh mẽ hơn giáo dục THPT cũng như đào tạo sau trung học để phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ phát triển đất nước. 

Để làm được vậy, TS. Lê Đông Phương đề xuất cần phải bỏ các hạn chế đối với quy mô THPT công lập, thậm chí nên hỗ trợ học sinh theo học các trường ngoài công lập để có thể có được một nguồn nhân lực trình độ cao trong tương lai. Bên cạnh đó, cần xây thêm nhiều trường THPT công lập ở nơi còn thiếu, bổ sung đội ngũ giáo viên có trình độ và chất lượng, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác phân luồng, hoạt động hướng nghiệp có chất lượng đối với học sinh lớp 8, 9 để các em có sự lựa chọn phù hợp cho tương lai.

Không thể định hướng nghề nghiệp đúng nếu chỉ dựa vào thành tích học tập 

Chia sẻ trên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đất nước còn may mắn khi rất nhiều gia đình muốn cho con em mình học hết THPT trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các gia đình đều muốn cho con có được bằng tốt nghiệp THPT và nếu có kỹ năng nghề thì tốt hơn.

Nếu được tư vấn đúng trên cơ sở đánh giá đúng năng lực sở trường, khả năng học của học sinh qua các bài trắc nghiệm và qua quá trình học tập của học sinh một cách tin cậy thì có thể đưa ra lời khuyên hữu ích cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, bản thân giáo viên và các trường không thể tư vấn định hướng nghề nghiệp đúng nếu chỉ dựa vào thành tích học tập vốn nặng tính hàn lâm. 

“Giáo viên còn thiếu công cụ đánh giá, kiến thức và kỹ năng hướng nghiệp không được đào tạo chuyên nghiệp, hơn nữa bản thân chương trình giáo dục trong nhà trường khó đánh giá được tiềm năng đúng của trẻ…vì thế việc tuyên truyền hay tư vấn khó làm thay đổi mong muốn và kỳ vọng của học sinh và phụ huynh”, ông Vinh nói.

1_74747
TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần có thay đổi thể chế giáo dục để tạo ra sự đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ (Ảnh: Báo Lao động).

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, các nhà quản lý nên thoát ra khỏi chiếc hộp tư duy quản lý lỗi thời. Chỉ khi nào học sinh không muốn học THPT hoặc không có điều kiện học được THPT do học lực hoặc do hoàn cảnh kinh tế thì mới cho các em học nghề sau THCS. 

“Muốn đổi mới giáo dục thúc đẩy phân luồng và giảm sức ép học thêm, sức ép của kỳ thi vào lớp 10, Chính phủ và các nhà quản lý giáo dục nên mạnh dạn đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và đa dạng hóa trường trung học, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Không vì khó khăn trong câu chuyện quản lý nhà nước trùng lắp, “sân anh, sân tôi” mà không đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, khiến người dân không hài lòng với chính sách. 

Nếu không có sự mạnh dạn đổi mới thể chế mà vẫn luẩn quẩn giải bài toán này thì bài toán khác sẽ xuất hiện trong hệ thống, khi mà quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo vẫn phân tán cho hai bộ điều hành, vừa không đáp ứng nhu cầu phân luồng, vừa kém hiệu quả, thất thoát nguồn lực lại vừa không quán triệt nguyên tắc xã hội hóa của Đảng và Nhà nước cho giáo dục đào tạo”, TS. Hoàng Ngọc Vinh phân tích.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận