11:39 21/09/2022

"Đại dịch" mang tên smartphones: Cai nghiện smartphones như thế nào?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Việc lạm dụng các thiết bị kỹ thuật số đã khiến cho con người, nhất là thế hệ trẻ, lứa tuổi thiếu niên nhi đồng gặp phải rất nhiều hệ lụy. Đã đến lúc các bậc phụ huynh cũng như cơ quan quản lý, nhà trường... phải có những biện pháp mạnh tay nhằm chặn đứng nạn nghiện thiết bị số, nghiện mạng xã hội với trẻ em.

Nhiều người ngày càng lệ thuộc vào điện thoại

Theo Báo cáo Digital 2020 toàn cầu của We Are Social kết hợp Hootsuite, Việt Nam có gần 100 triệu dân, số lượng thuê bao di động chiếm tỷ lệ 150% so với tổng dân số cả nước; số lượng người dùng Internet là hơn 68 triệu thuê bao (chiếm tỷ lệ 70% số dân); số lượng người dùng mạng xã hội là 65 triệu người (chiếm tỷ lệ 67% số dân) tăng 7 triệu tài khoản so với năm 2019. Hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15-24), theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Có những người rất sợ hãi khi phải rời xa smartphones.

Còn theo cuộc khảo sát xã hội “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh ở trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh” của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa giáo dục và đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - nhân học TP. Hồ Chí Minh đã chỉ ra, 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, trẻ từ 3-5 tuổi chiếm 59%, trẻ 6-9 tuổi chiếm 20% và trẻ từ 10-12 tuổi chiếm 2%; trung bình trẻ dùng thiết bị số từ 30-60 phút/ngày. Tuy nhiên, vào những ngày nghỉ trong tuần hoặc dịp lễ, Tết, phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ sử dụng thiết bị số nhiều hơn so với ngày thường. Có lẽ cũng chính vì sử dụng smartphones cũng như các thiết bị số không kiểm soát đã khiến cho một bộ phận người dân, đặc biệt là các em nhỏ trở thành con nghiện. 

Nomophobia là thuật ngữ ra đời gần đây để nói về hội chứng nghiện điện thoại di động (ĐTDĐ), đặc biệt là giới trẻ. Nomophobia là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh No-mobile-phone phobia (Nỗi ám ảnh không có điện thoại di động). Triệu chứng Nomophobia rất đa dạng như xuất hiện cảm giác lo sợ hoặc tuyệt vọng khi bị xa rời điện thoại, không tập trung vào công việc. Thậm chí có người còn cảm thấy điện thoại của họ đang rung hoặc đổ chuông trong khi đó lại không phải vậy.

Theo bác sỹ Tô Thanh Phương, chứng nghiện ĐTDĐ giống như các dạng nghiện khác, đều có liên quan đến việc rối loạn hormone dopamine. Dopamine là chất truyền thần kinh, rất cần cho hệ thần kinh trung ương, làm nhiệm vụ "khen thưởng" con người, khi rối loạn hay nghiện nó tạo ra những ý nghĩ tích cực mặc dù thực tế là tiêu cực, làm cho con người trở nghiện, giống như ngửi thấy mùi thuốc lá, mùi rượu hay heroin.... Tương tự, khi nhận được một thông báo từ điện thoại, lúc này dopamine tăng tiết, kích thích sự hấp dẫn, cho dù chỉ là một tin nhắn rác vô bổ, và khi người ta nghiện thì sự bài tiết dopamine lại càng tăng, thôi thúc con người phải dùng điện thoại.

Nhiều đứa trẻ đã bị nghiện thiết bị số.

Một nghiên cứu có tên Mobile Consumer Habits (Những thói quen sử dụng di động) ghi nhận 58% nam giới và 47% phụ nữ mắc hội chứng Nomophobia, 76% phụ nữ sử dụng điện thoại di động trong phòng tắm, 74% ở nam giới. Thậm chí có nghiên cứu còn phát hiện thấy ở một số quốc gia tỷ lệ phụ nữ sử dụng điện thoại di động trong phòng tắm lên tới 91%. Có đến 44% số người được hỏi trả lời rằng, họ cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi bị mất điện thoại, trở thành nạn nhân của “cuộc sống thiếu điện thoại” trong thời gian chừng một tuần. Nỗi sợ bị mất hay sống không điện thoại hay hội chứng Nomophobia như đề cập ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sức khỏe nhiều người, nhất là nhóm người nghiện điện thoại.

Những tác hại khôn lường

Nói về nguyên nhân khiến cho trẻ bị nghiện smartphones cũng như mạng xã hội, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa  chia sẻ, lý do đầu tiên là bố mẹ nuông chiều con, con đòi cái gì cũng đáp ứng. Nhiều phụ huynh cho con sử dụng Smartphone như một phần thưởng khi con ngoan ngoãn, học giỏi song lại không kiểm soát được nội dung cũng như thời lượng. Điều này vô tình tiếp tay cho trẻ “nghiện” Smartphone.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: "Cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị số".

Ngoài ra, việc các bậc phụ huynh luôn tay sử dụng điện thoại di động trước mặt con cái; đồng thời các trò chơi giải trí trên smartphone cũng rất hấp dẫn đã khiến trẻ “không thể chịu nổi” khi không có Smartphone.

Chuyên gia tâm lý này cho biết thêm, theo nghiên cứu khoa học, trẻ từ 0 – 36 tháng tuổi tiếp nhận lượng thông tin rất lớn, ngang bằng với lượng thông tin của trẻ từ 3 tuổi đến hết cuộc đời. Vì vậy, nếu trẻ chỉ sử dụng điện thoại thì sẽ mất đi lượng tiếp nhận thông tin từ bên ngoài.

Còn theo một nghiên cứu y khoa mới nhất cảnh báo rằng không nên cho trẻ từ 0 đến 2 tuổi tiếp xúc với thiết bị điện tử dưới bất cứ hình thức nào. Còn với trẻ từ 3-5 tuổi thì hạn chế dưới 1 tiếng/ngày, và từ 6-18 tuổi thì thời gian tiếp xúc chỉ nên ở mức dưới 2 tiếng mỗi ngày. Trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm và quá nhiều có nguy cơ cao mắc các bệnh về mắt, rối loạn hành vi...

Chơi cùng trẻ là một trong những phương pháp giúp cai nghiện smartphones tốt nhất.

Theo bác sỹ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức), dưới góc nhìn y học, việc chúng ta, đặc biệt là con trẻ sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội quá nhiều gây ra rất nhiều những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần, điều lo lắng hơn đó là có những tổn thương rất khó hồi phục, ảnh hưởng đến cả cuộc đời của trẻ. Đó là: Tổn thương vĩnh viễn hoặc khó điều trị các bệnh lý liên quan đến mắt; các vấn đề về cổ, cột sống;  tổn thương khớp ngón cái; tăng nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn trên điện thoại. Ngoài ra các chuyên gia y tế cũng cảnh báo sử dụng điện thoại thường xuyên góp phần gây nên tình trạng nhiễm MRSA-Tụ cầu vàng kháng methicillin...

Đặc biệt người nghiện điện thoại có thể bị trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế...  Hầu hết những người nghiện điện thoại và mạng xã hội sẽ lựa chọn cho mình cuộc sống tách biệt, ít giao tiếp với xã hội thực bên ngoài, khi tình trạng này kéo dài, những tổn thương sâu sắc trên bộ não sẽ là rất khó hồi phục...

Cũng theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trước những tác hại khủng khiếp mà điện thoại thông minh có thể gây ra cho trẻ, người lớn cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị không dây khác. Tuy nhiên, muốn điều chỉnh lại những hành vi của trẻ, chính cha mẹ phải tự điều chỉnh lại mình trước nhằm tạo dựng môi trường tốt để giáo dục trẻ.

Cha mẹ cần tạo thói quen không sử dụng điện thoại để vào mạng xã hội hoặc chơi game, giải trí khi ở cạnh trẻ, phải giúp trẻ hiểu điện thoại là phương tiện để làm việc, muốn sử dụng vào mục đích khác, cha mẹ nên chờ con ngủ hoặc cách xa tầm mắt của con để tránh sự tò mò trong lòng trẻ.

Ngoài ra, bố mẹ hãy dành thời gian chăm sóc và vui chơi với trẻ đúng nghĩa, tăng cường các hoạt động giải trí ngoài trời cho trẻ. Dành thời gian cho trẻ, tập cho trẻ làm quen với các các trò chơi, hoạt động thể thao, thói quen lành mạnh để phát triển sức khỏe và trí óc, vừa giúp con khỏe mạnh cả về tinh thần lẫn thể chất, vừa tránh xa được những nguy cơ gây hại tiềm tàng tới từ các thiết bị di động thông minh.

Nếu cho trẻ dùng điện thoại, không nên để quá lâu hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng. Khi ở gần trẻ, tránh gọi điện thoại nếu không cần thiết và không nói chuyện lâu lúc gần trẻ. Tuyệt đối tránh để điện thoại trên đầu giường trẻ để tránh trẻ tiếp xúc với sóng di động.

Trong tình huống cần thiết, trẻ từ 10 tuổi trở lên mới nên cho trẻ sử dụng điện thoại. Bố mẹ cũng nên cân nhắc kĩ trước khi sắm điện thoại cho con để phục vụ liên lạc. Trẻ còn nhỏ không nên cho dùng điện thoại đắt tiền. Ngoài việc các con bị sa đà việc chơi games, xem phim, vào mạng xã hội... nhiều em còn nguy hiểm tới tính mạng vì trở thành mục tiêu cướp giật, trộm cắp của nhiều đối tượng xấu.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cũng rất tâm đắc với quan điểm của Tim Elmore, người sáng lập và là Chủ tịch của Growing Leaders và muốn chia sẻ với mọi người: "Dẫu tôi biết rằng điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính và công nghệ khác được giới thiệu trong tương lai sẽ làm cho cuộc sống của tôi dễ dàng hơn và cho phép tôi làm việc hiệu quả hơn, nhưng nguyên tắc của tôi vẫn luôn không thay đổi: Công nghệ phải là một đầy tớ, không phải là ông chủ".

Để không trở thành nô lệ của điện thoại thông minh, Giáo sư - nhà nghiên cứu giáo dục người Nhật Yoshihiko Morotomi lưu ý các bậc phụ huynh 8 hướng dẫn sau:

1. Không nên nói với con rằng: Bố mẹ mua điện thoại này cho con. Hãy nói: Bố mẹ cho con mượn chiếc điện thoại này của bố mẹ và con phải tuân thủ các quy tắc chúng ta sẽ cùng thảo luận sau đây.

2. Cùng con quyết định các quy tắc sử dụng trước khi cho con dùng điện thoại.

3. Hạn chế con sử dụng điện thoại trong phòng riêng. Tốt nhất là cho phép con sử dụng điện thoại dưới sự có mặt của cả gia đình.

4. Quy định thời gian dùng tối đa 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày với học sinh trung học phổ thông. Không dùng sau 9 giờ tối.

5. Sử dụng bộ lọc quy định những nội dung cấm.

6. Quy định hạn mức tiền cho các khoản như nạp tiền liên lạc, chơi trò chơi điện tử hay các ứng dụng khác.

7. Thảo luận sẵn phương án xử lý khi con không tuân theo các quy tắc đã đề ra. Hãy in nội dung này và dán vào những nơi dễ nhìn thấy như trên cửa tủ lạnh.

8. Không chỉ con trẻ mà ngay cả bố mẹ cũng cần phải tuân thủ các quy tắc đã đề ra về sử dụng điện thoại thông minh.

Theo antg.cand.com.vn

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận