10:19 21/09/2022

Dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miêng ở trẻ

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Tâm An

Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4-5 và tháng 9-10 hàng năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cập nhật đến tuần 38 (tính đến ngày 18/9), số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 38 giảm 2,8% trong khi tay chân miệng tăng tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước.

Tính đến nay, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 14.239 trường hợp mắc bệnh. Trong tuần 38, thành phố ghi nhận thêm 508 ca bệnh tay chân miệng, tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó, số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Trong tuần, toàn thành phố không ghi nhận ổ dịch tay chân miệng mới. Số ổ dịch tích lũy đến tuần 38 năm 2022 là 66 ổ dịch.

tre-mac-tay-chan-mieng-benh-ly-truyen-nhiem-ha-noi-2-16539892569341237534523
Ảnh minh họa

TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng gồm:

- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.

- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

tay-chan-mieng
Trẻ mắc tay chân miệng cần được thăm khám tại các cơ sở y tế để phân loại tình trạng bệnh. Ảnh: BV Nhi TƯ

Phòng bệnh tay chân miệng

Hiện chưa có vaccine phòng tay chân miệng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu bệnh. Mỗi lần trẻ nhiễm bệnh chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định, trẻ có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ:

- Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày;

- Không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận