Hành trình gieo mầm yêu thương vào tâm hồn trẻ thơ của cô giáo kỹ năng sống Hoàng Thu Thuỷ
Trong một lớp học nhỏ, nơi không có bục giảng cao cũng chẳng áp lực bảng điểm, có một cô giáo luôn bắt đầu mỗi buổi học bằng nụ cười ấm áp và những câu chuyện đời thường dung dị. Với cô Hoàng Thu Thuỷ (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), giáo dục không chỉ là giảng dạy, mà là hành trình gieo những hạt mầm yêu thương vào tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ.
Kể chuyện, đóng vai, ghi nhật ký cảm xúc: Những phương pháp sư phạm sinh động
"Tôi chọn nghề giáo viên từ tình yêu thương con trẻ", câu nói giản dị của cô giáo Hoàng Thu Thuỷ đã mở đầu cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam.
Với cô giáo kỹ năng sống Thu Thuỷ, giáo dục không đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức khô khan, mà là một cuộc phiêu lưu rộng lớn, nơi cô nhận ra những học trò bé nhỏ không chỉ cần tri thức mà còn khát khao sự lắng nghe, sẻ chia và những kỹ năng sống thiết yếu để tự tin bước vào đời.
Từ sự thôi thúc của trái tim, cô Thuỷ bén duyên với giáo dục kỹ năng sống, ấp ủ mong muốn trở thành người "chạm đến trái tim học trò", giúp các em trưởng thành không chỉ về trí tuệ mà còn về tâm hồn, trở thành những cá nhân tự tin, bản lĩnh và hạnh phúc.

"Mỗi tiết học với tôi là một khu vườn. Và học sinh, chính là những hạt mầm quý giá cần được tưới tắm bằng sự lắng nghe, thấu hiểu và tin tưởng", cô Thuỷ chia sẻ đầy trìu mến. Mỗi buổi học của cô luôn bắt đầu bằng một nụ cười ấm áp, một câu chuyện gần gũi hay một tình huống thực tế, khơi gợi sự hứng thú và kết nối với các em.
Trong từng bài học kỹ năng, cô khéo léo lồng ghép sự đồng cảm và khích lệ, gieo vào lòng các em niềm tin "Mình có thể thay đổi - mình xứng đáng được yêu thương". Hy vọng, theo đó, nảy mầm không phải từ những lý thuyết suông mà từ những rung cảm chân thật.

Với phương châm "nếu một đứa trẻ cảm thấy được yêu thương, chúng sẽ học được mọi thứ", cô Thuỷ đã tạo ra một môi trường học tập an toàn về mặt cảm xúc. Ở đó, các em được tự do nói lên suy nghĩ, chia sẻ cảm xúc, thậm chí là mắc lỗi mà không sợ bị phán xét.
Những phương pháp sư phạm sinh động như kể chuyện, đóng vai, trò chơi trải nghiệm, ghi nhật ký cảm xúc được cô vận dụng linh hoạt, biến mỗi bài học kỹ năng không chỉ là kiến thức mà còn là một trải nghiệm đáng nhớ, khắc sâu vào tâm trí các em.
"Cô là người đầu tiên không mắng con khi con buồn"
Kỷ niệm về một cậu học sinh từng nhút nhát, hay khóc và ngại giao tiếp là minh chứng rõ ràng cho sự kỳ diệu của giáo dục bằng trái tim. Qua từng buổi học kỹ năng sống, cậu bé ấy dần cởi mở, mạnh dạn giơ tay phát biểu, biết nói lời xin lỗi và diễn tả cảm xúc "Con buồn..." thay vì những cơn giận dữ vô cớ.
Món quà bất ngờ là một tờ giấy vẽ hình trái tim cùng dòng chữ ngây ngô: "Cô là người đầu tiên không mắng con khi con buồn" đã khiến cô lặng đi, nhận ra rằng chính các em đã dạy cô bài học sâu sắc về sự lắng nghe vô điều kiện.

Dẫu vậy, hành trình "gieo trồng" ấy không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Cô Thuỷ chia sẻ, làm giáo viên kỹ năng sống nghĩa là bước vào những miền cảm xúc nhiều lớp, nhiều thử thách. Có những ngày cô mệt mỏi vì cảm giác bất lực, vì có học trò cần nhiều hơn khả năng cô có. Nhưng chính những ánh mắt thơ ngây, một câu nói chân thành "Con nhớ cô!" hay một cái ôm ấm áp từ học trò đã tiếp thêm sức mạnh, nhắc nhở cô về ý nghĩa công việc mình đang làm.
Kỷ niệm về một học sinh có hành vi bốc đồng, thường bị bạn bè xa lánh càng củng cố niềm tin của cô vào con đường giáo dục bằng trái tim. Thay vì trách phạt, cô đã trao cho em cơ hội làm "người hỗ trợ" trong lớp, giao những nhiệm vụ vừa sức. Sự tin tưởng và giao phó ấy đã mang đến một sự thay đổi kỳ diệu. Cậu bé dần trở nên tự tin, hòa đồng hơn và được bạn bè quý mến.
Món quà chia tay cuối năm học là một chiếc vòng tay len vụng về cùng lời nói: "Con không biết đan đâu, nhưng con học vì muốn tặng cô người đầu tiên tin con" đã trở thành một dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp của cô, khẳng định sức mạnh của lòng tin và tình yêu thương trong giáo dục.

Gửi gắm thông điệp đến các bậc phụ huynh, đồng nghiệp và toàn xã hội, cô Thuỷ tâm huyết: "Giáo dục không chỉ là kiến thức, mà là hành trình nuôi dưỡng con người từ bên trong. Kỹ năng sống không chỉ dành cho một số em, mà là "món ăn tinh thần" cần thiết với mọi đứa trẻ". Cô mong muốn các bậc phụ huynh dành thời gian lắng nghe con cái nhiều hơn, quan tâm đến cảm xúc của con thay vì chỉ chú trọng vào điểm số. Đối với các giáo viên, cô nhắn nhủ hãy trao đi yêu thương nhiều hơn nữa, bởi "đôi khi, chỉ cần một người tin các em - là đủ để một tâm hồn nở hoa".
"Tôi không mong các em phải trở thành những người xuất sắc nhất, mà chỉ mong các em biết sống đúng với những giá trị nhân văn, mạnh mẽ trong sự nhân hậu. Tôi tin rằng, nếu được nuôi dưỡng trong một môi trường tràn đầy sự bao dung, kiên nhẫn và yêu thương, thế hệ trẻ sẽ là những "hạt giống" tươi đẹp, góp phần thay đổi thế giới bằng con đường của sự tử tế", cô Thuỷ nhắn nhủ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất