Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam”
Ngày 21/8 tại Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nhà bác học Albert Einstein cho rằng: "Tất cả những điều có giá trị trong xã hội con người đều dựa vào cơ hội phát triển hòa hợp trong mỗi cá nhân". Trong chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, các môn nghệ thuật gồm âm nhạc và mĩ thuật đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mĩ của học sinh để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước thực tiễn đó, với vai trò là một trong những cơ sở đầu ngành, trọng điểm về đào tạo giáo viên lịch sử và nghiên cứu về lí luận, phương pháp dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhà trường đã , xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Trào bày tỏ hy vọng, tại hội thảo sẽ có nhiều hơn các ý kiến tâm huyết, có giá trị về mặt giáo dục học nói chung và giáo dục âm nhạc – mĩ thuật nói riêng, làm rõ các cơ sở khoa học tin cậy, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghệ thuật nhằm mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đủ đức đủ tài để xây dựng đất nước.
Trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Trần Thị Thu Hà - Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, ngày 26/12/2018, Thông tư 32/2018/TT/BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điểm cơ bản của Giáo dục Nghệ thuật của Chương trình GDPT 2018 so với CT GDPT 2006 là sự đổi mới về định hướng, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh; đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kĩ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mĩ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh; giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hoà về đức, trí, thể, mĩ cho học sinh.
Giáo dục nghệ thuật được thực hiện thông qua nhiều môn học, mà cốt lõi là môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật. Từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh được lựa chọn môn học thuộc nhóm môn công nghệ và nghệ thuật phù hợp với định hướng nghề nghiệp, sở thích và năng lực của bản thân.
Bước sang năm thứ 5 (Tiểu học), năm thứ 4 (THCS), năm thứ 3 (THPT) triển khai CT GDPT mới bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nổi lên nhiều bất cập. Nhằm đánh giá đúng thực trạng đào tạo Nghệ thuật ở Việt Nam trong giai đoạn mới. Xác định rõ vị trí, vai trò của giáo viên Nghệ thuật, môn học Âm nhạc, Mĩ thuật trong các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam; Thảo luận về sách giáo khoa Âm nhạc, Mĩ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề xuất, trao đổi các định hướng phát triển và đóng góp của giáo dục Nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển con người. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất, năng lực trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia và đóng góp tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học từ Câu lạc bộ Đào tạo Giáo viên Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Thủ đô, Trường Đại học Đại Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Mĩ thuật Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng mĩ thuật trang trí Đồng Nai,...
Bên cạnh hệ thống các học viện, viện nghiên cứu và trường cao đẳng, đại học, Hội thảo đã thu hút được số lượng đông đảo các thầy cô là giáo viên dạy Âm nhạc, Mĩ thuật tại các nhà trường phổ thông, các học viên cao học, các nhà nghiên cứu trẻ. Số lượng đông đảo và sự đa dạng của các tham luận gửi về Hội thảo cho thấy mối quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, thầy cô giáo... đối với chủ đề này. Các báo cáo gửi đến Hội thảo đã đưa lại một bức tranh đa diện về Giáo dục Nghệ thuật theo định hướng phẩm chất năng lự trong các cơ sở Giáo dục phổ thông tại Việt Nam.
TS. Trần Thị Thu Hà cho biết, từ các tham luận này, Hội thảo tập trung vào ba nội dung chính: Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật, Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Môn Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông.
Chủ đề 1: Đội ngũ giáo viên Nghệ thuật
Chủ đề này cho thấy một bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) tại các cơ sở giáo dục Nghệ thuật trong cả nước hiện nay. Trong đó, phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này. Một số bài viết khác đề cập thực trạng giáo dục giá trị văn hoá truyền thống, hay nâng cao năng lực số của sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc trong bối cảnh chuyển đổi số...
Chủ đề 2: Giáo dục Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018
Đây là hướng nghiên cứu có những góc nhìn mới mẻ và mang tính đóng góp quan trọng đối với nội dung hội thảo, cũng là nội dung thu hút sự tham gia đông đảo nhất của các nhà khoa học. Các bài tham luận đã đề cập đến mục tiêu, định hướng, phương pháp giáo dục nghệ thuật; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực người học. Một số bài là những suy ngẫm về chương trình, về biên soạn sách giáo khoa, về việc đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình dạy học các cấp phổ thông hiện nay...
Chủ đề 3: Môn Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông
Ở chủ đề này, nhiều bài tham luận đề cập thực trạng và giải pháp về sự thiếu hút đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn Nghệ thuật; Quan điểm của đội ngũ nhà giáo về việc triển khai môn Nghệ thuật, thực trạng và giải pháp về dạy học Nghệ thuật ở trường phổ thông. Một số bài viết khác đề cập đến vị trí, vai trò của môn học Nghệ thuật trong Nhà trường phổ thông...
Các kết quả nghiên cứu của 54 báo cáo đã được Hội đồng khoa học thẩm định, được biên tập, tuyển chọn và in trong Kỷ yếu toàn văn của Hội thảo Khoa học Quốc gia do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản (sẽ phát hành sau Hội thảo). Công trình dự kiến sẽ là một tập hợp các nghiên cứu khoa học giá trị, có tính chất tổng hợp, bao quát, toàn diện với những kết quả nghiên cứu đa dạng, phong phú, phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy Nghệ thuật.
Để có được những kết quả nghiên cứu của các tác giả gửi đến, được tập hợp trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia lần này là nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, sự quan tâm sát sao của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các phòng, ban chức năng (Phòng Khoa học – Công nghệ,...); Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Câu lạc bộ Đào tạo Giáo viên Nghệ thuật và quá trình làm việc khẩn trương, nghiêm túc của Ban Tổ chức Hội thảo,...
Bên cạnh đó là sự hợp tác tích cực của nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc.
TS. Trần Thị Thu Hà trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; các phòng, ban chức năng; cảm ơn sự đồng hành của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; các quý vị đại biểu và khách quý, các nhà khoa học, các thầy cô giáo, các tác giả và cơ quan thông tấn báo chí tham dự hội thảo.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất