06:39 19/08/2024

Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam: Gắn mác “quốc tế”, chưa công khai đủ thông tin

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Trần Phương

Khảo sát từ website của Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam cho thấy, cơ sở giáo dục này chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công khai thông tin theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam, tọa lạc tại Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, đã gửi thông báo rằng sẽ xem xét ngừng cung cấp dịch vụ giáo dục nếu phụ huynh không hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau ngày 25 hàng tháng.

Điều này khiến nhiều phụ huynh có con theo học tại trường tỏ ra hoang mang. Không những thế việc trường mang danh “quốc tế” gây hiểu lầm cho phụ huynh và học sinh trong suốt thời gian qua.

Theo Luật Giáo dục 2019, một trường học chỉ được phép sử dụng danh xưng "quốc tế" khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, bao gồm việc áp dụng chương trình giảng dạy quốc tế được công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền, đội ngũ giáo viên có trình độ quốc tế, và cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, theo danh sách các trường quốc tế do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam chỉ là trường ngoài công lập chứ không hề được xếp vào trường "quốc tế".

thpt-lien-cap-quoc-te-1[1]
Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam. Ảnh: website nhà trường

Việc sử dụng danh xưng "quốc tế" khi chưa được cấp phép gây hiểu lầm cho phụ huynh về chất lượng giáo dục mà trường cung cấp. Việc tự xưng danh "quốc tế" có vi phạm quy định của Luật Giáo dục 2019?

Nếu được xác định là vi phạm, những trường tự gắn mác quốc tế có thể bị xử lý theo quy định pháp luật, bao gồm phạt hành chính, yêu cầu thay đổi tên trường, thậm chí là đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép.

Bên cạnh đó, thông tin từ website của Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam cho thấy, cơ sở giáo dục này chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công khai thông tin theo vi phạm Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT (được thay thế bởi Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo  về việc công khai thông tin đối với các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, trang web của trường thiếu các thông tin quan trọng như chủ sở hữu, cơ quan quản lý, và chi tiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, và chương trình học.

Untitled2
Trên website chỉ công bố duy nhất một hình ảnh về đội ngũ giáo viên. Ảnh chụp màn hình ngày 16/8

Khi phóng viên truy cập vào mục giới thiệu đội ngũ giáo viên, chỉ thấy một bức ảnh tập thể mà không có các thông tin chi tiết theo biểu mẫu quy định như số lượng giáo viên, trình độ đào tạo. Điều này có vi phạm quy định của Bộ Giáo dục, gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đánh giá chất lượng giáo dục của trường?

Dựa trên thông tin từ nhân viên tư vấn tuyển sinh, Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam cung cấp hai hệ chương trình học: cơ bản và nâng cao.

Tuy nhiên, chi tiết về các chương trình này chưa được công khai đầy đủ trên trang web.

Về học phí, trường có mức thu khá cao, đặc biệt là hệ nâng cao với học phí lên đến 6,6 triệu đồng/tháng đối với cấp tiểu học.

Chi tiết về việc học nâng cao học sinh được hưởng thêm điều kiện học tập như thế nào không được  nêu cụ thể.

Ngày 16/8, phóng viên đã liên hệ với Hiệu trưởng Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam, để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc công khai thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi.

Để có cái nhìn toàn diện, phóng viên cũng đã trao đổi với lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, Hà Nội. Theo lãnh đạo này, Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam là trường liên cấp nên thuộc quyền quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tuy nhiên, trường này không nằm trong danh sách các trường quốc tế được Sở cấp phép.

Với việc vi phạm quy định về công khai thông tin và sử dụng danh xưng “quốc tế” khi chưa được cấp phép, Trường Phổ Thông Quốc Tế Việt Nam đang khiến phụ huynh hiểu nhầm về loại hình trường.

Vào tháng 8/2023 đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước hết sức thương tâm khiến học sinh P.H.A lớp 9A đuối nước và tử vong trong bể bơi nhà trường.

Trước tình hình trên, phụ huynh cần thận trọng và kiểm tra kỹ lưỡng các thông tin về trường học, đặc biệt là những trường tự xưng là “quốc tế”. Hãy yêu cầu nhà trường cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận từ cơ quan có thẩm quyền và đảm bảo rằng các thông tin quan trọng được công khai minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho con em mình.

Luật Giáo dục 2019 và Nghị định 86/2018/NĐ-CP

Điều 47 Luật Giáo dục 2019 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây:

a) Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Loại hình trường dân lập chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non;

c) Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

1. Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:

a) Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

...

Như vậy, đối chiếu quy định trên thì hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức thành 3 loại hình:

i) trường công lập

ii) trường dân lập

iii) trường tư thục.

Trường quốc tế là loại hình của trường tư thục do nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Theo đó, trường được sử dụng từ quốc tế trong tên gọi được xem là tên riêng. Tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận