Luật sư đề nghị “thiến hóa học” tội phạm xâm hại tình dục trẻ em
Theo ý kiến của luật sư, để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, các nhà lập pháp có thể xem xét đến hình phạt “thiến hóa học”.
Liên quan đến vụ việc bé gái 12 tuổi ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) sinh con sau khi bị hiếp dâm, tối ngày 17/4, như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa, Công an huyện Thanh Trì cho biết, cơ quan chức năng đã lấy mẫu ADN con của bé Đ.T.N.L (12 tuổi) để thực hiện giám định.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Trì cũng ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc bé gái bị hiếp dâm dẫn đến mang thai. Nghi phạm bị công an cấm đi khỏi nơi cư trú. Danh tính kẻ này chưa được công bố.
Sự việc xâm hại tình dục đối với trẻ em đang là một vấn đề nhức nhối và gây bức xúc dư luận nhiều năm qua, vì hậu quả để lại với nạn nhân vô cùng khủng khiếp, không chỉ là nỗi đau thân thể mà còn chịu ám ảnh tâm lý cả cuộc đời.
Vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vị liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đào Quốc Hưng – Phó Giám đốc Công ty luật ALS cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì bị phạt tù từ 07-15 năm tại điểm b khoản 1 Điều 142 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Ngoài ra, việc quan hệ với người dưới 13 tuổi tự nguyện cũng được xếp vào một trong các hành vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Theo đó, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm hại tình dục đối với người dưới 13 tuổi với mức phạt tù từ 07-15 năm.
Nếu hành vi đó thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt từ 12-20 năm tù:
- Có tính chất loạn luân;
- Làm nạn nhân có thai;
- Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Đối với 02 người trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Theo đó, nếu hành vi xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi không phải lần đầu tiên, người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 12-20 năm.
Đối với mức phạt cao nhất của Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Có tổ chức;
- Nhiều người hiếp một người;
- Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
- Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
- Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
Theo đó, nếu trường hợp không chỉ một người, mà nhiều người cùng hiếp một người thì người phạm tội có thể đối diện với mức phạt cao nhất là tử hình.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm.
Như vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Bộ luật Hình sự hiện hành.
Như vậy có thể thấy pháp luật cũng đã quy định rất cụ thể về các hình phạt đối với loai tội danh trên.
Tuy nhiên, hình phạt chỉ áp dụng khi đã có tội danh cụ thể. Vấn đề quan trọng chính là làm sao ngăn chặn những hành vi phạm tội như vậy không diễn ra.
Luật sư Đào Quốc Hưng bày tỏ quan điểm: “Việt Nam có các quy định bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục tương đối đầy đủ, từ Công ước quốc tế về Quyền của trẻ em đến Luật Chăm sóc và giáo dục trẻ em, cùng Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại vẫn nghiêm trọng do môi trường xã hội ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, như sự lan truyền của nội dung khiêu dâm trên internet và các hiện tượng tiêu cực khác. Gia đình cũng đóng vai trò quan trọng; nhiều vụ việc xảy ra lâu mà cha mẹ không hay biết.
Gia đình cần chú ý hơn đến những biểu hiện bất thường của con cái và giáo dục chúng về cách phòng ngừa. Các đoàn thể, nhà trường cần giáo dục trẻ em về quyền của mình và cần có biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Về mặt luật pháp theo tôi, các nhà nghiên cứu lập pháp cần nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục của trẻ em. Có thể học tập kinh nghiệm một của số nước sử dụng hình phạt “thiến hóa học” đối với người xâm phạm tình dục trẻ em.
Nếu tất cả xã hội đều vào cuộc, lên án mạnh mẽ hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý thật nghiêm những hành vi phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em thì chắc chắn nạn xâm phạm tình dục trẻ em sẽ giảm”.
Những nước nào đã áp dụng hình thức "thiến hóa học"?
Tháng 7/2011, Hàn Quốc áp dụng "thiến hóa học" như một hình phạt đối với tội phạm tình dục. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ở Châu Á áp dụng phương pháp này. Theo đó, tất cả tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 16 tuổi có thể bị áp dụng hình phạt này. Năm 2013, Hàn Quốc mở rộng thiến hóa học đối với những kẻ bị kết án xâm hại tình dục trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi.
Ở Mỹ, có 9 bang bao gồm California, Florida, Georgia, Iowa, Louisiana, Montana, Oregon, Texas và Wisconsin đã áp dụng biện pháp "thiến hóa học" với tội phạm ấu dâm. Tuy nhiên, cách thức thực hiện "thiến hóa học" ở mỗi bang lại khác nhau.
Ở Anh, áp dụng "thiến hóa học" như là một hình phạt đối với những tội phạm ấu dâm. Tuy nhiên, biện pháp "thiến hóa học" không mang tính bắt buộc, mà dựa trên sự tự nguyện của các tù nhân.
Ở Nga, đạo luật "thiến hóa học" tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 14 tuổi được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/2011. Theo đó, kẻ phạm tội có thể bị tiêm thuốc Depo-Provera, có chức năng làm giảm hàm lượng hóc môn sinh dục nam testosterone, gây giảm ham muốn tình dục. Nếu biện pháp này không có tác dụng, giám định viên pháp y tâm thần cũng có thể đề nghị các biện pháp y học khác. Ngoài ra, kẻ phạm tội cũng có thể xin thiến tự nguyện nếu nạn nhân của chúng đã trên 14 tuổi, để đổi lại có thể được hưởng án treo nếu đang phải thụ án tù hoặc có thể nhận được mức án tù nhẹ hơn.
Ở Ba Lan, luật "thiến hóa học" với những trường hợp xâm hại tình dục trẻ em áp dụng từ ngày 25/9/2009. Theo đó, những kẻ bị kết tội cưỡng hiếp trẻ em dưới 15 tuổi hoặc những người họ hàng thân thích sẽ phải trải qua liệu pháp hóa học sau khi ra tù.
Tại Indonesia, Chính phủ đã quyết định áp dụng luật "thiến" tội phạm tình dục từ cuối tháng 10/2016. Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng hình phạt "thiến hóa học" tội phạm tình dục.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất