06:05 19/12/2022

Một trường mầm non tại Hà Nội công khai bảng chi hơn 13 triệu đồng/ngày cho bữa ăn bán trú 

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Để minh bạch thu chi, trường Mầm non Hương Sen (Hà Đông, Hà Nội) công khai bảng tài chính mua thực phẩm cho bữa ăn học đường ngay tại khuôn viên sân trường để phụ huynh học sinh (PHHS) có thể theo dõi giá thành thực phẩm mỗi ngày.

Bài viết này thuộc chuyên đề Bếp ăn học đường

Bếp ăn học đường

Xem thêm

Nguồn cung cấp thực phẩm liệu có đảm bảo?

Đúng 7h30 sáng, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có mặt tại trường Mầm non Hương Sen để thực hiện chuyên đề đặc biệt về “Bếp ăn học đường”. Cùng lúc đó, nhân viên của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hoàng Anh cũng đã có mặt để bàn giao thực phẩm cho nhà trường.

Theo ghi nhận của PV, quá trình giao nhận thực phẩm tại trường Mầm non Hương Sen có sự tham gia giám sát, kiểm tra từ đại diện 5 phía: Ban Giám Hiệu (BGH) trường Mầm non Hương Sen - Phó Hiệu trưởng Phạm Thị Nhung, đại diện PHHS, giáo viên, nhân viên nhà bếp và nhân viên giao hàng.

bếp ăn học đường
Thực phẩm được kiểm tra độ tươi ngon và cân trực tiếp trước sự giám sát của đại diện 5 phía.

Tất cả thực phẩm được tách túi bảo hộ, để BGH, PHHS, giáo viên và nhân viên nhà bếp kiểm tra độ tươi ngon, đồng thời được cân trực tiếp, xác định đúng trọng lượng theo đơn đặt hàng của nhà trường trước khi nhập bếp.

bếp ăn học đường
Các thực phẩm như thịt, cá,... đều được nhà trường nhập nguyên liệu tươi sống, không sử dụng sản phẩm đông lạnh.
bếp ăn học đường
Một số nguyên liệu, thực phẩm khác như rau bắp cải, đậu phụ, cà chua,...

Sau khi BGH, PHHS, giáo viên và nhân viên bếp kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào đã đảm bảo, nhân viên của công ty sẽ ký xác nhận đã bàn giao đầy đủ nguyên liệu theo đúng quy định của nhà trường.

nhàn 1
Hiện nay, các trường học và bếp ăn cho trẻ mầm non đòi hỏi rất khắt khe về nguồn cung cấp thực phẩm. Đơn vị cung cấp cần phải đảm bảo các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và chất lượng.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn - Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Sen.

“Đặc biệt, với 450 học sinh và 100% trẻ ăn bán trú tại trường ngoài ra còn có giáo viên và cán bộ công nhân viên (CBCNV) của nhà trường, đó một con số không hề nhỏ. Vậy nên, BGH nhà trường rất chú trọng trong việc lựa chọn nguồn cung cấp thực phẩm, phải thật sự đảm bảo và chất lượng để phục vụ học sinh cũng như giáo viên, CBCNV nhà trường”, bà Nhàn cho hay. 

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, bà Nhàn cho biết, công ty TNHH thương mại thực phẩm Hoàng Anh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để nhà trường lựa chọn là đơn vị cung cấp thực phẩm.  

“Thứ nhất, Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hoàng Anh là một đơn vị cung cấp thực phẩm uy tín, chất lượng và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc cung cấp thực phẩm tại các trường học trong quận Hà Đông. Đơn vị có đầy đủ giấy tờ, chứng nhận đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, cung cấp thực phẩm chất lượng, đa dạng và phong phú. Thực phẩm luôn là nguyên liệu tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thứ ba, giá thành hợp lý phù hợp, có thái độ phục vụ chuyên nghiệp phù hợp với yêu cầu của trường mầm non.

Ngoài ra, vị trí của đơn vị cung cấp phù hợp để tiện cho việc vận chuyển. Đổi trả hàng hay bổ sung hàng sẽ rút ngắn được khoảng thời gian giao hàng đảm bảo chất lượng luôn tươi ngon”, bà Nhàn thông tin.

41671372409.jpeg
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm của Công ty TNHH thương mại thực phẩm Hoàng Anh do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp có hiệu lực đến ngày 25/10/2024.

Cùng đó, theo bà Nhàn để đảm bảo chất lượng bữa ăn của học sinh, BGH nhà trường còn phối hợp với Ban Thanh tra Nhân dân luôn giám sát từ khâu nhập nguyên liệu đến sơ chế nguyên liệu, chế biến món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về khâu kiểm soát và quản lý các nguyên liệu đầu vào, nhà trường có đầy đủ sổ ghi chép việc nhập các nguyên liệu thực phẩm, sổ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn, sổ xuất, nhập kho, sổ quản lý bữa ăn, sổ báo ăn và chia định lượng thành phẩm.

00004bep an hoc duong - a
6 đầu sổ về việc kiểm soát, lưu trữ thông tin về “Bếp ăn học đường” của trường Mầm non Hương Sen.

“Hiện nay, nhà trường sử dụng sổ kiểm thực 3 bước theo quy định của ngành giáo dục để ghi chép quá trình kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu từ khâu giao nhận thực phẩm - sơ chế thực phẩm - chế biến thực phẩm - soạn chia thức ăn chín và lưu mẫu thức ăn”, bà Nhàn trao đổi.

bảng tài chính công khai bếp ăn học đường
Bảng tài chính được nhà trường công khai ngay trong khuôn viên sân trường để PHHS có thể xem trực tiếp. Thông tin của bảng tài chính được nhân viên nhà bếp cập nhật mỗi ngày.

Đồng thời, trường Mầm non Hương Sen đã trang bị tủ thực hiện lưu mẫu thức ăn đủ 24 giờ, theo quy định của Bộ Y tế.

bếp ăn học đường
Mẫu thực phẩm sau khi nấu sẽ được nhà trường lưu trữ trong vòng 24h ở tủ lưu trữ thực phẩm theo quy định của Bộ Y Tế. Sau khi hết 24h, mẫu thực phẩm được hủy bỏ và nhà bếp tiếp tục tiến hành lưu mẫu mới.

Phụ huynh và học sinh nói gì về chất lượng bữa ăn?

Sau khi hoàn tất khâu giao nhận thực phẩm, các nhân viên nhà bếp tiến hành nhập thực phẩm, sơ chế nguyên liệu và chế biến thực phẩm.

Theo ghi nhận của PV, nhân viên nhà bếp được trang bị đầy đủ tạp dề, khẩu trang, găng tay, mũ trùm đầu trước khi bước vào khu bếp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn như sàn bếp được lau rửa, bảo quản sạch sẽ. Ngoài cửa có dép dành riêng để đi trong khu vực bếp, tránh việc đi giày dép từ ngoài vào mang theo mầm bệnh.

bếp ăn học đường
Nhân viên bắt buộc phải trang bị đầy đủ đồ dùng bảo hộ trước khi vào khu vực nhà bếp.

Đã công tác 6 năm tại bếp ăn của trường Mầm non Hương Sen, bếp trưởng Nguyễn Thị Hằng cho biết, trước khi vào khu vực nhà bếp, tất cả các nhân viên đều phải rửa tay sát khuẩn, chuẩn bị găng tay, mũ, tạp dề, khẩu trang và các đồ bảo hộ cần thiết khác để đảm bảo VSATTP và chất lượng cho bữa ăn của học sinh.

Về thực đơn, để minh bạch nhà trường thực hiện dán công khai thực đơn của học sinh tại 3 địa điểm: Khuôn viên sân trường, cửa của các lớp học và trong khu vực nhà bếp để PHHS tiện theo dõi việc hôm nay con được ăn gì tại trường. 

thực đơn bữa ăn bán trú
Thực đơn của bé được công khai trong khuôn viên sân trường giúp PHHS nắm được thông tin hằng ngày.

Được biết, trường Mầm non Hương Sen xây dựng thực đơn theo các tiêu chí cụ thể. Thực đơn được thay đổi theo từng ngày, từng tuần, từng tháng để phù hợp với chế độ dinh dưỡng của trẻ và phù hợp theo mùa để trẻ ăn ngon miệng hơn.

“Các tiêu chí khi nhà trường xây dựng thực đơn cho học sinh như sau: Xác định số ngày trẻ ăn trong tuần và số bữa ăn trong ngày của từng chế độ ăn (số bữa chính, bữa phụ); Chọn thực phẩm giàu đạm và thực vật; Chọn các loại rau phù hợp theo từng mùa; Chọn cách chế biến thành món ăn cho từng chế độ ăn, chế độ ăn cơm, cần đảm bảo có món canh và món mặn; Chọn món ăn cho bữa phụ; Thực đơn không lặp lại trong 4 đến 8 tuần và phải có trên 10 loại thực phẩm trong một ngày”, bà Nhàn thông tin.

bếp ăn học đường
Nhân viên nhà bếp chia khẩu phần ăn tại lớp học.

Trả lời câu hỏi của PV, bà Nhàn cho biết trong các cuộc họp ban đại diện hội cha mẹ học sinh các lớp hằng năm, nhà trường luôn khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia vào việc giám sát, kiểm tra bếp ăn của nhà trường và thực hiện khâu giao nhận thực phẩm hằng ngày vào mỗi buổi sáng.

“Ban đại diện hội cha mẹ học sinh có kế hoạch giám sát, kiểm tra bếp ăn của nhà trường định kỳ 2 lần/năm học. Ngoài ra, các bậc phụ huynh có thể đến kiểm tra, giám sát đột xuất khi có nhu cầu. Nhà trường luôn sẵn sàng đón nhận các ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của trẻ”, bà Nhàn cho hay.

Xác thực về việc phụ huynh có được tham gia vào khâu giám sát, kiểm tra bếp ăn của nhà trường như BGH nói hay không, PV đã hỏi ngẫu nhiên một phụ huynh khi đưa con đi học, chị Nguyễn Thị Hảo cho biết, thông tin trên là chính xác, tuy nhiên không phải ngày nào phụ huynh cũng đến trực tiếp giám sát khâu giao nhận thực phẩm hay kiểm tra bếp ăn cùng nhà trường.

bếp ăn học đường
Chị Nguyễn Thị Hảo - Phụ huynh học sinh bé Trần Diệu Anh và bé Trần Huyền Anh.

“Vào những ngày nào đưa con đi học sớm, gặp đúng khung giờ giao nhận thực phẩm thì phụ huynh sẽ tiện thể ngó vào xem và kiểm tra. Nhà trường cũng không ngăn cản hay cấm cản gì, phụ huynh có thể vào giám sát và kiểm tra thoải mái bất cứ lúc nào, kể cả nhà bếp”, chị Hảo cho hay.

Chia sẻ thêm về chất lượng bữa ăn tại trường, chị Hảo nói, chất lượng bữa ăn hiện tại có chế độ dinh dưỡng hợp lý và quan trọng là phù hợp với khẩu vị của các con.

bếp ăn học đường
Toàn cảnh một buổi ăn trưa của lớp A2 lớn tại trường Mầm non Hương Sen.

“Mỗi ngày đón con về, tôi đều hỏi con có ăn hết suất không, có ngon không,... Hiện tại, cả hai bé nhà tôi đều đang học tại trường, cảm nhận của các bé đều khen ngon và nhiều khi hai bé còn đòi mẹ làm những món ăn giống ở trường”, chị Hảo cho hay.    

Trò chuyện với em Trần Đăng Khoa - học sinh lớp A2 lớn trường Mầm non Hương Sen về cảm nhận bữa ăn tại nhà trường, em cho biết, các món ăn rất ngon và em thích nhất là món trứng hấp vân.

Cũng có cảm nhận giống Đăng Khoa, học sinh lớp A4, em Tạ Tùng Lâm nói: “Em rất thích các món ăn ở trường, món nào em cũng thích. Nhưng em thích nhất là món canh bí đỏ, trứng thịt hấp vân và cá sốt cà chua”. 

Ngoài ra, Tùng Lâm bày tỏ mong muốn có thêm món thịt kho tàu trong thực đơn của nhà trường vì Tùng Lâm rất thích món này.

Theo bà Nhàn, một bữa ăn trưa tiêu chuẩn sẽ bao gồm cơm, một món mặn, một món xào, canh và hoa quả tráng miệng. Ngoài ra, có thể thay thế hoa quả bằng sữa chua, nước cam, sữa chua uống,... để học sinh không cảm thấy nhàm chán.

bếp ăn học đường bữa ăn học đường
Khi ăn hết bát thứ nhất, các bé chủ động tự múc cơm và canh theo nhu cầu của bản thân để ăn thêm.

“Ngoài ra, nhà trường luôn lắng nghe nguyện vọng, sở thích của học sinh và mong muốn các bậc phụ huynh tham gia đóng góp ý kiến vào việc thiết kế thực đơn cho những bữa ăn hằng ngày của trẻ.

Nhà trường hy vọng sẽ luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ chia sẻ của các bậc phụ huynh trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ, bởi các em chính là mầm non tương lai của đất nước”, bà Nhàn bày tỏ.

Theo kết quả đánh giá Công tác Y tế trường học năm 2021 của Phòng Y tế, Trung tâm Y tế kết hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho thấy, trường Mầm non Hương Sen đạt kết quả tốt (Đạt 99/100 điểm). Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đánh giá nhà trường vẫn còn hạn chế như khu sơ chế thực phẩm sống và chín vẫn chưa sắp xếp hợp lý.

141671372409.jpeg
Kết quả đánh giá của đoàn kiểm tra quận Hà Đông về Công tác Y tế trường học đối với trường Mầm non Hương Sen.

Về vấn đề này, bà Nhàn cho biết, trong năm học vừa qua, nhà trường đã tiếp thu ý kiến, nhanh chóng sửa đổi và cải thiện, phân chia lại khu vực bếp ăn để đảm bảo chất lượng tốt hơn.

Ảnh: Hà Chi, Minh Anh, Hoài Linh

Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú cũng như bữa ăn cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho trẻ tại trường luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 6141/BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Với định hướng trao gửi giá trị nhân văn, mang đến những bài viết có ý nghĩa tích cực, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã triển khai chuyên đề đặc biệt Bếp ăn học đường với mục tiêu phản ánh công khai, minh bạch chất lượng những bữa ăn của trẻ em, học sinh.

Tạp chí Trẻ em Việt Nam kính mong Quý đơn vị phối hợp cung cấp thông tin với nội dung bao gồm: Nguồn cung cấp thực phẩm; Tên các nhà cung cấp thực phẩm; Sổ ghi chép khi tiếp nhận thực phẩm; Điều kiện bếp ăn của trường (giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe định kỳ theo quy định pháp luật của các nhân viên cấp dưỡng,…); Hình ảnh bữa ăn học đường...

Quý độc giả, trường học có thông chi tiết, vui lòng liên hệ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam theo 3 cách:

Gọi điện thoại đến hotline: 0816.221.166

Gửi email: toasoantevn@gmail.com

Hoặc viết bài tại đây

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận