06:39 08/04/2024

Nỗi lo khi con học trường "quốc tế": Đầu tư tiền tỉ, có nguy cơ nhận lại… đắng cay?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Trong những năm gần đây, việc lựa chọn trường quốc tế cho con thực sự đã trở thành nỗi lo lớn của nhiều phụ huynh tại Việt Nam.

Gói tài chính trường "quốc tế" có thực sự an toàn?

Với mong muốn đảm bảo chất lượng giáo dục và môi trường học tập tốt hơn cho con em mình, nhiều gia đình đã đưa ra quyết định cho con học trường "Tây", song thực tế kết quả thu về không như những gì mà phụ huynh đã được cam kết.

Có thể thấy, khá nhiều trường "quốc tế" hiện nay đang áp dụng hình thức ký hợp đồng vay vốn đầu tư giáo dục với phụ huynh. Các hợp đồng này không chỉ là sự cam kết về việc đóng một khoản tiền lớn trước mà còn đồng nghĩa với việc đặt niềm tin vào một tương lai học tập bền vững cho con cái. Tuy nhiên, bên cạnh những lời hứa và kỳ vọng là những rủi ro tiềm ẩn, khiến nhiều phụ huynh đau đớn.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, tình trạng giáo viên của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tại huyện Nhà Bè (TPHCM) đồng loạt ngừng giảng dạy do vướng nợ lương đã gây ra sự lo ngại và nghi vấn lớn về việc hoàn trả học phí cho các phụ huynh. Trường này đang gặp khó khăn về tài chính từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến việc trả lương cho giáo viên trở nên trì trệ.

image[1]
Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS) có gói đầu tư trị giá 2 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford. Ảnh: Website nhà trường

Nhiều trường quốc tế khác cũng có các chương trình “đầu tư giáo dục”. Chẳng hạn, Trường quốc tế Nam Mỹ (UTS), có địa chỉ tại Dương Quảng Hàm, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP.HCM tung ra gói đầu tư trị giá 2 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh theo chuẩn Common Core (Mỹ) và 2,75 tỉ đồng cho chương trình tiếng Anh Oxford.

Theo nhà trường, với gói đầu tư đóng một lần, gia đình nhận lại 100% học phí sau khi học sinh hoàn thành chương trình phổ thông tại UTS và phụ huynh không phải lo về học phí trong suốt 12 năm học.

Một thí dụ khác là hệ thống trường ICS (I Can School - địa chỉ:  Nguyễn Duy Trinh, Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) áp dụng một chương trình đầu tư giáo dục cho năm học 2023 – 2024, đầu tư 9 năm hoàn đến 80% học phí.

Cụ thể, phụ huynh sẽ đóng 100% mức học phí cho 9 năm học, bao gồm 5 năm tiểu học và 4 năm THCS, ngay trong năm học đầu tiên. Chẳng hạn, với lộ trình tích hợp chương trình học quốc tế Oxford, phụ huynh sẽ đóng một lần hơn 1,2 tỉ đồng (cụ thể 1.273.300.000 đồng) cho học phí xuyên suốt 9 năm (lớp 1 – 9). Phụ huynh được cam kết hoàn trả 80% học phí sau khi con hoàn thành 9 năm học, tức hơn 1 tỉ đồng (cụ thể 1.018.640.000 đồng).

IMG_9410

Ngoài ra, một số trường liên cấp tung chính sách chiết khấu cho phụ huynh đóng tiền dài hạn, ví dụ đóng trước 2 năm phụ huynh được chiết khấu 20%, đóng trước 3 – 4 năm được chiết khấu 30 – 40%, đóng trước 5 – 12 năm được chiết khấu 50%…

Tại Hà Nội, Hệ thống trường Dewey (tên cũ là Gate way) với mức học phí từ 300 – 560 triệu đồng/năm cũng áp dụng “chương trình nộp học phí nhiều kỳ”. Phụ huynh có thể nộp học phí trước nhiều kỳ để nhận được học bổng hoặc các khoản giảm trừ đặc biệt. Học sinh cũng sẽ được giữ nguyên mức học phí khi đóng nhiều kỳ liên tiếp (trên 2 năm).

Ngoài ra, hệ thống trường Dewey còn triển khai chương trình trả góp học phí lãi suất 0% đối với những phụ huynh nộp phí từ 1 - 3 năm, tương ứng từ năm học 2024 – 2025 đến năm học 2026-2027.

Phụ huynh có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trước, nhà trường sẽ chi trả 100% lãi suất khoản vay đóng học phí. Trị giá gói vay từ 100% - 300% học phí cả năm học. Như vậy, phụ huynh vẫn sẽ được hưởng song song các chương trình ưu đãi.

Với những hấp dẫn mà các trường vẽ ra như vậy, nhiều phụ huynh đã không ngần ngại “xuống tiền” đầu tư cho con theo học.

truongdewey
Sau vụ việc cháu bé thiệt mạng trên xe ô tô, trường Gateway đổi tên thành Dewey.

Rủi ro hiện hữu

Thời gian gần đây, với những sự việc tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) tại huyện Nhà Bè (TPHCM), Trường Mầm non Chồi Xanh hay trường Trường Tiểu học và Trung học cơ sở The Light Academy (Lào Cai)… đã tạo nên những tình trạng lo lắng không chỉ với phụ huynh mà còn là kẽ hở về quy định pháp luật đối với vấn đề này.

Lo ngại từ các gói tài chính mà các trường quốc tế đang áp dụng đã khiến nhiều gia đình đã phải đối diện với nỗi lo sợ về việc liệu con em mình có được hưởng một môi trường học tập ổn định và chất lượng như cam kết ban đầu hay không. Việc đình công của giáo viên và những khó khăn tài chính của trường càng khiến các phụ huynh nghi ngờ về tính bền vững của mô hình giáo dục dựa trên các gói tài chính này.

Hơn nữa, tại Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, không chỉ có sự lo lắng về vấn đề lương của giáo viên mà còn là về việc hoàn trả học phí cho các phụ huynh. Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, rất nhiều phụ huynh đã phải gửi đơn lên Sở yêu cầu trường hoàn trả học phí lên đến hàng chục tỉ đồng vì không thực hiện cam kết ban đầu.

truongquoctevietmy_treemvietnam.net.vn
Hệ lụy từ những gói tài chính rất khó khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa: CTV

Các gói đầu tư giáo dục dài hạn, dù hứa hẹn giảm áp lực tài chính hàng năm cho phụ huynh, lại mang theo những rủi ro không hề nhỏ. Theo các chuyên gia giáo dục, những hợp đồng vay vốn này thực chất là một loại quan hệ vay mượn, không có sự thế chấp nào, do đó, nếu trường không đủ khả năng hoặc gặp khó khăn tài chính, việc hoàn trả học phí cho phụ huynh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hình thức vay vốn thông qua “gói đầu tư giáo dục” – phụ huynh trả học phí trước nhiều năm – đã có từ gần 15 năm trước. Hình thức đầu tư giáo dục thông qua học phí về bản chất ẩn chứa mối quan hệ tín dụng, trong đó nhà trường "cắt cầu" ngân hàng bằng cách làm việc với phụ huynh.

Đặc điểm riêng của dịch vụ trường học là trường thu tiền trước rồi cung cấp dịch vụ sau, không được nợ học phí. Với gói đầu tư giáo dục dài hạn, người học còn phải "tạm ứng" trước nhiều năm cho nhà trường.

Về hình thức này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm, hạn chế việc trường học vay tiền phụ huynh.

Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức vay vốn của các tổ chức, cá nhân hoặc vay vốn của các tổ chức tín dụng. Việc vay mượn được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện, phải sử dụng tiền đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên.

Trong bối cảnh hiện tại, khi nhiều trường quốc tế tại Việt Nam đang áp dụng các gói "đầu tư giáo dục" đòi hỏi phụ huynh đóng một khoản tiền lớn trước nhiều năm, các phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định theo đuổi hình thức tài chính này. Việc đảm bảo tương lai học tập của con cái không chỉ là về mặt tài chính mà còn là về sự bền vững và an toàn của môi trường giáo dục mà con em mình sẽ tiếp nhận.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm: “Về phía cơ quan quản lý, tôi cho rằng cần có quy định hạn chế trường học thu học phí trước nhiều hơn một năm học, vì trường học hoạt động theo đơn vị năm học, và thông lệ trường học trên thế giới cũng chỉ thu học phí theo tín chỉ, theo học kỳ hoặc theo năm học, chứ không thu tới 5, 10, 12 năm như một số trường đang làm ở Việt Nam.

Việc giới thiệu gói đầu tư giáo dục dưới danh nghĩa trả trước học phí nhiều năm thể hiện mối quan hệ tín dụng, bản chất là cho vay tín chấp, không có thể chấp, do vậy rủi ro cao nằm ở phía phụ huynh đầu tư.

Đã là quan hệ tín dụng thì phải thực hiện theo quy định về tín dụng, không nên liên quan tới học phí ở đây. Do vậy, các trường cần gọi cho đúng hợp đồng đầu tư này là thỏa thuận đầu tư, thay vì gọi là chương trình ưu đãi học phí.

Khi chọn trường tư, đặc biệt là chọn những gói đầu tư tài chính của trường đưa ra, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về trường, bao gồm việc biết rõ về uy tín của chủ trường, của hội đồng quản trị, giám đốc điều hành trường và hiệu trưởng.

Đừng nên chọn trường chỉ vì chương trình học và học phí, vì yếu tố con người mới thể hiện cam kết của trường học với vấn đề chất lượng”.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trên toàn thành phố hiện có 961 trường ngoài công lập, từ mầm non đến THPT với 274.000 học sinh. Hơn 20 trường dạy chương trình phổ thông của Anh, Mỹ, Canada, Australia, thường được gọi là trường quốc tế.

Theo chương trình này, học sinh thi tốt nghiệp để nhận bằng tú tài Anh (A-level) hoặc tú tài quốc tế (IB), tú tài bang Ontario, Canada (OSSD). Học phí các trường này dao động từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng mỗi năm.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận