16:18 25/10/2022

Thực phẩm giúp trẻ phát triển toàn diện trong giai đoạn dậy thì

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lan Phạm

Dậy thì muộn có thể gây lo lắng, rối loạn tâm sinh lý, thậm chí là chậm phát triển thể chất ở trẻ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do dinh dưỡng kém. Vậy trẻ cần có chế độ ăn uống thế nào để phát triển dậy thì toàn diện đúng độ tuổi?

1. Dinh dưỡng kém có thể gây dậy thì muộn

Theo BSCKI Hoàng Hường, BVĐK Quang Bình - Hà Giang, bình thường trẻ gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 9 đến 13 và được đánh dấu bằng sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên cũng như sự phát triển của một số dấu hiệu sinh dục phụ như: chiều cao tăng lên, vú phát triển và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục.

Nếu trẻ gái không có bất kỳ dấu hiệu sinh dục phụ nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho đến khi 16 tuổi thì được coi là dậy thì muộn.

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn như: di truyền, rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp hoặc buồng trứng, dị tật bẩm sinh ở buồng trứng, mắc bệnh mạn tính, căng thẳng nghiêm trọng...

Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng kém, suy dinh dưỡng dẫn đến không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng làm cho nhiều trẻ dậy thì muộn hơn những trẻ cùng tuổi có chế độ ăn uống tốt.

Tình trạng chán ăn, rối loạn ăn uống, ăn kiêng không khoa học, giảm cân quá mức… cũng gây thiếu chất khiến cơ thể không thể phát triển bình thường, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng ở trẻ dẫn đến dậy thì muộn.

Vì vậy, để đảm bảo nhu cầu năng lượng giúp cho sự phát triển ở giai đoạn dậy thì, trẻ cần được ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Tăng cường thực phẩm giàu đạm, canxi, sắt, vitamin và khoáng chất… trong chế độ ăn uống để trẻ phát triển thể chất, chiều cao tốt nhất.

7ab53770033dea63b32c
Trẻ cần được ăn uống đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo nhu cầu năng lượng cho giai đoạn dậy thì.

2. Chế độ dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện trong giai đoạn dậy thì

Dậy thì là lúc trẻ phát triển mạnh, nhanh về thể lực, sự thay đổi của hệ thần kinh, nội tiết và hoạt động của các tuyến sinh dục. Đây là thời điểm trẻ cần phải có một chế độ dinh dưỡng thật tốt để phát triển toàn diện.

Nhu cầu năng lượng của trẻ khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì cần 2.200 - 2.400 calo, tương đương với lượng ăn của người trưởng thành.

Nếu không cung cấp đúng và đủ trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm hoàn thiện và phát triển thể chất đầy đủ.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các nhóm chất, chế độ ăn uống của trẻ trong giai đoạn này cần tăng cường các thực phẩm giàu đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin (A, C…) và các khoáng chất, đặc biệt là chất sắt, canxi… để đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể.

3. Một số thực phẩm tốt cho trẻ trong giai đoạn dậy thì

3.1. Thực phẩm giàu protein

Protein (chất đạm) là dưỡng chất quan trọng giúp xây dựng và tái tạo tất cả các mô của cơ thể, ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ bắp. Protein cũng là một phần quan trọng của quá trình cung cấp năng lượng và vận chuyển ôxy đi khắp cơ thể. Nó cũng giúp tạo ra các kháng thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật, giúp giữ cho các tế bào khỏe mạnh và tạo ra các tế bào mới.

Trẻ trong giai đoạn dậy thì phát triển cơ bắp nên cần tăng cường lượng protein trong chế độ ăn uống. Trong đó đạm động vật là tốt nhất vì thức ăn có nguồn gốc động vật chứa nhiều sắt, chất dinh dưỡng này có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu.

Nguồn thực phẩm giàu protein động vật bao gồm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…

603c3df909b4e0eab9a5
Cần tăng cường thực phẩm giàu protein.

3.2. Chất béo

Chất béo có vai trò quan trọng khi là nguồn cung cấp năng lượng cao đáp ứng cho sự phát triển nhanh của cơ thể trẻ. Chất béo cũng đóng vai trò trong cấu trúc nên tế bào, màng tế bào thần kinh ở trẻ.

Đồng thời nó cũng làm tăng cảm giác ngon miệng, giúp trẻ hấp thu tối đa và sử dụng tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K.

Bữa ăn của trẻ nên kết hợp giữa chất béo động vật và chất béo thực vật. Hạn chế ăn các loại chất béo xấu có trong các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên đi chiên lại nhiều lần…

3.3. Thực phẩm giàu canxi

Canxi là khoáng chất rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì. Trẻ cần được cung cấp đủ canxi để giúp xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao và ngăn ngừa bệnh loãng xương sau này.

Mỗi ngày trẻ cần 1.000- 1.200mg canxi từ các nguồn thực phẩm: sữa, tôm, cua, cá…

4ac91d0c2941c01f9950
Thực phẩm giàu canxi rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì.

3.4. Thực phẩm giàu sắt

Sắt là một khoáng chất quan trọng được cơ thể chúng ta sử dụng để hình thành các tế bào hồng cầu và cung cấp oxy đi khắp cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này.

Đặc biệt, đối với trẻ gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn trẻ trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy trẻ cần được bổ sung các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hàng ngày như: thịt, gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, đậu đỗ…

Nên tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như rau xanh và trái cây tươi trong bữa ăn để giúp hấp thu sắt tốt hơn.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận