14:06 11/11/2022

Trẻ em bị ép học thêm 14 ca mỗi tuần, phụ huynh, giáo viên có bị xử phạt?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Theo như thông tin Tạp chí Trẻ em đưa tin trước đó, hiện nay, xuất hiện trường hợp phụ huynh ép con em học thêm 14 ca/tuần, tương đương với các bé phải học liên tục cả buổi trên trường học, gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Bài viết này thuộc chuyên đề Học thêm

14 ca học thêm mỗi tuần, từ tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt cho đến các lớp học ngoại khoá như catwalk, mỹ thuật, đàn... khiến trẻ ám ảnh, muốn được đi chơi nhưng không dám xin mẹ vì "sợ mẹ buồn".

Xem thêm

Hiện nay, ngày càng có nhiều phụ huynh đặt kì vọng lớn lao, muốn con cái phải học tập tốt, đạt điểm cao, thành tích học tập xuất sắc. Đi cùng với đó là so sánh con em mình với “con nhà người ta”, lấy thành tích ép buộc con phải nỗ lực hết mình, mà bỏ qua sự cố gắng của trẻ nhỏ.

Chỉ với bốn chữ ngắn ngủi “con nhà người ta” nhưng làm dấy lên những mặc cảm, tự ti trong cảm xúc của trẻ nhỏ. Thậm chí, điều này còn có thể khiến con trẻ trở nên không hòa đồng, không muốn giao tiếp với các bạn, là nguy cơ gây ra tình trạng trầm cảm, tự kỉ ở trẻ nhỏ. 

Kết quả trên được lấy từ báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam - báo cáo được thực hiện vào tháng 4 năm 2021 về các vấn đề trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Báo cáo được tiến hành tại 7 tỉnh thành và được chia sẻ trong hội thảo cũng như được công bố bởi Viên nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD).

Học thêm
Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đưa tin trước đó, hiện nay, xuất hiện trường hợp phụ huynh bắt ép con em học thêm 14 ca/tuần (Ảnh: Internet).

Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đưa tin trước đó, hiện nay, xuất hiện nhiều trường hợp phụ huynh bắt ép con em học thêm 14 ca/tuần, tương đương với các bé phải học liên tục cả buổi sáng trên trường học, chiều lại học thêm cho tới tối muộn, suốt từ thứ Hai cho tới Chủ nhật, một lịch học dày đặc, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. 

PV đã trao đổi với LS. ThS. Nguyễn Hoài Sơn - Công ty Luật TNHH Châu Á - Asialaw về vấn đề này.

Có thể thấy hiện nay, một số gia đình Việt chưa thực sự coi trọng suy nghĩ và mong muốn của trẻ, ép con phải đạt được những kỳ vọng lớn mà phụ huynh đặt ra. Luật sư có thể cho biết, liệu việc cha mẹ bắt ép con trẻ đi học thêm có bị phạt hay không?

Tôi sẽ chia ra làm hai vấn đề chính. Đầu tiên, đối với trường hợp sử dụng vũ lực để bắt ép trẻ đi học thêm.

Việc trẻ nhỏ luôn không nghe lời cha mẹ tham gia vào các lớp học thêm đa phần tạo nên sự nóng giận trong các phụ huynh, ngọn lửa đó tích tụ ngày một lớn dần, sau một hai lần không vâng lời của các con sẽ khiến tâm lý của người lớn không ổn định. Từ đó, dần đánh mất lý trí vốn có, dẫn đến hành vi sử dụng vũ lực để bắt ép chúng phải đi học thêm.

Người xưa thường có câu “có lần một thì sẽ có lần hai”. Sau một hai lần dùng bạo lực, kết hợp với sự nóng giận nhất thời do con trẻ không nghe lời sẽ đưa đến những kết quả không tốt đẹp và không ai mong muốn.

Đối với trường hợp sử dụng vũ lực để ép buộc con cái học thêm của phụ huynh học sinh sẽ bị xử phạt tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của sự việc theo căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 42 Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 52, Điều 53, mục IV Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

Điều 53. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

Thứ hai là đối với trường hợp tự ý đăng ký lớp học thêm cho con mà không báo trước, không hỏi ý kiến trẻ.

Căn cứ vào Khoản 1, 4 Điều 5, khoản 6 Điều 6 Luật trẻ em năm 2016, cha mẹ luôn luôn phải có nghĩa vụ đảm bảo một cách tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, cho chúng không gian riêng để thực hiện những quyền chúng đáng được hưởng mà không có bất kỳ ai trong xã hội được phép tước đoạt (trừ trường hợp bất khả kháng), cùng với đó, luôn phải lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng quyết định, nguyện vọng, ý kiến của trẻ. 

Chính vì vậy, việc phụ huynh tự ý đăng ký các lớp học thêm cho con mà không báo trước cũng như hỏi ý kiến trẻ là trái với quy định của pháp luật về trẻ em. Việc cha mẹ sắp đặt cho trẻ một lịch học quá sức dày đặc từ sáng cho tới đêm, không chỉ có thể được xem như hành vi vắt kiệt sức lực của trẻ mà còn là gây cản trở trẻ thực hiện những quyền cơ bản mà chúng vốn có.

Trẻ em lúc này không có thời gian cho những hoạt động vui chơi, giải trí, giúp nâng cao sức khỏe và gia tăng khả năng tiếp xúc, làm quen với các bạn đồng trang lứa, phát triển các kỹ năng “mềm” (soft skills), được xem là bị tước đoạt quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. 

Căn cứ vào Điều 27 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, việc cha mẹ có hành vi cố ý cản trở, xâm phạm quyền vui chơi, giải trí, quyền được tiếp cận thông tin của trẻ em được xử lý như sau: 

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cản trở trẻ em tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, nhu cầu, năng lực của trẻ em, trừ trường hợp vì lợi ích tốt nhất của trẻ em;

b) Cản trở trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em;

c) Cản trở quyền vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Ép buộc, trù dập khi trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em;

b) Không tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi, giải thích ý kiến, nguyện vọng của trẻ em;

c) Không tiếp nhận, giải quyết, phản hồi ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em, tổ chức đại diện tiếng nói nguyện vọng của trẻ em theo quy định;

d) Không công khai, công khai không chính xác thông tin về kế hoạch học tập và rèn luyện, chế độ nuôi dưỡng và các khoản đóng góp theo quy định.

Theo Luật sư, việc nhà trường và giáo viên mở lớp học chui bắt ép học sinh theo học có vi phạm pháp luật không? Hình thức xử phạt ra sao?

Hiện nay, ngoài tình trạng cha mẹ bắt ép con cái đi học thêm quá nhiều, với thời gian học dày đặc, không thể tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật, thì còn một hiện tượng nguy cấp không kém là việc các giáo viên tổ chức các lớp học thêm ngoài giờ học để kiếm thêm thu nhập.

Vốn chẳng có gì để bàn cãi nhưng điều khiến chúng ta cần phải suy nghĩ là hành vi các thầy cô bắt ép học sinh theo học lớp học thêm ngoài giờ trên trường, những trường hợp không chịu học lớp đó thì thường xuyên bị thầy cô giáo trù dập, cố tình hạ thấp điểm, làm khó trên lớp khiến các em học sinh buộc phải tham gia học thêm. 

Có nhiều trường hợp không chỉ dừng lại ở việc hạ thành tích học tập của học sinh một cách cố ý, nhiều giáo viên còn có hành vi bạo lực tinh thần đối với các em thông qua những hành vi như xé vở, đánh vào tay, hay thậm chí có những lời lẽ quá đáng với học sinh trước mặt cả lớp.

Chính những điều đó đã tạo nên “bức tường vô hình” ngăn cách các em với các bạn, với mọi người xung quanh, dần dần trở thành tự mình cô lập bản thân khỏi xã hội - một tình trạng đáng báo động. 

Theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm, cụ thể tại Điều 4 của Quy định kèm theo Thông tư về các trường hợp không được dạy thêm:

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.”

Theo quy định nêu trên, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấm việc dạy thêm đối với học sinh tiểu học trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; các giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (trường học công lập) khi không được cho phép không thể tùy tiện dạy thêm.

Việc dạy thêm cần được tổ chức theo đúng quy định từ Điều 5 - 10 Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT liên quan đến các yêu cầu về người giảng dạy, người tổ chức, việc thu và quản lý tiền học thêm, hay cơ sở vật chất phục vụ học thêm. Việc dạy thêm bên ngoài nhà trường cần phải được cấp giấy phép theo đúng quy định pháp luật, hồ sơ xin cấp phép được thực hiện theo chương III Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT, cụ thể tại Điều 12, 13 Thông tư này

Hành vi trên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm theo căn cứ tại Điều 22 Thông tư 17/2012/TT-BGD&ĐT

1. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định”. 

Việc học sinh khi gặp phải tình trạng này cần phải nói chuyện với cha mẹ vì dù sao các em cũng còn nhỏ tuổi không đủ khả năng để chống lại hành vi bất hợp pháp đó, và tránh trường hợp giấu diếm sự việc do sợ bị trù dập.

Các bậc phụ huynh có thể gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo tới cơ quan quản lý trực tiếp của trường học, giáo viên có hành vi nêu trên (hiệu trưởng trường học đối với trường hợp người vi phạm là giáo viên; Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp trường học có hành vi vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm) hoặc các cơ quan thanh tra của Nhà nước và các cơ quan thanh tra chuyên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định tại Điều 21 Thông tư 17/2012/TT- BGD&ĐT.

Luật sư có thể chia sẻ một vài biện pháp khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em?

Ngoài những biện pháp can thiệp đến từ quy định pháp luật, chúng ta cần tiến tới các biện pháp mang tính phòng ngừa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đáng được hưởng của trẻ em.

Các biện pháp có thể hướng đến như tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng xã hội, gia đình và trẻ em về quyền hợp pháp của trẻ, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ các quyền của trẻ em bị xâm phạm.

Mở các cuộc tuyên truyền kiến thức pháp lý về dạy và học thêm trong cũng như ngoài trường từ phía nhà trường cũng như phía các cấp cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tổ chức các buổi talkshow nhằm tuyên truyền về các kiến thức liên quan đến lĩnh vực tâm lý học, hạn chế tạo nên những hành vi gây ra ảnh hưởng tới tính thần của trẻ em, tránh những hợp bị ám ảnh tâm lý, gây ra các bệnh về tâm lý.   

Cảm ơn luật sư!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận