08:09 16/03/2024

Trẻ em trước nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công trên mạng xã hội

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Nguyễn Hà Chi

Trẻ em đang trở thành mục tiêu bị tấn công của nhiều kẻ xấu trên mạng xã hội. Câu chuyện chúng tôi nêu ra dưới đây là hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh. 

images

“Game is game” - Không đơn giản chỉ là trò chơi 

Với các bậc làm cha mẹ chắc hẳn ai cũng muốn “khoe” những hình ảnh đáng yêu của con mình với mọi người, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội ngày càng phát triển giúp việc chia sẻ lại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc làm này lại vô tình có thể khiến trẻ rơi vào các tình huống nguy hiểm. 

Mới đây, một tài khoản TikTok có đăng tải hình ảnh một bé gái diện bộ đồ chú thỏ màu trắng cùng với hoạt động dễ thương, đoạn video ngắn này đã thu hút hơn 3,6 triệu lượt yêu thích cùng với 80 nghìn lượt bình luận. Bên cạnh những bình luận bày tỏ sự yêu thích với cô bé thì xuất hiện rất nhiều bình luận là “game is game” khiến nhiều người cảm thấy phẫn nộ khi biết được ý nghĩa của nó. 

Đoạn video thu hút lượt tương tác cao trên mạng xã hội TikTok (Ảnh: chụp màn hình).

Theo như một số tài khoản TikTok giải thích “game is game” ở đây mang ý nghĩa là những kẻ có những hành vi trái pháp luật đối với trẻ em, cụ thể là những hành vi xâm hại trên môi trường mạng internet. Những kẻ có suy nghĩ đồi bại nói điều đó với trẻ em để các em nghĩ rằng hành vi của chúng chỉ giống như một trò chơi nên đừng nói với người lớn.

“Game is game” - Không đơn giản chỉ là trò chơi mà nó còn mang ý nghĩa độc hại tới trẻ em (Ảnh: chụp màn hình)

Trước thực trạng nhức nhối này, đã có một số bạn trẻ lên tiếng với mong muốn cảnh báo tới các bậc phụ huynh cần chú ý tới những bình luận độc hại khi đăng tải hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội. 

Là một người mẹ có cô con gái xinh xắn, đáng yêu, chị Ngọc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) cũng thường xuyên chia sẻ những hình ảnh của con lên trang cá nhân. Khi biết được câu chuyện trên chị chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam cảm giác hoang mang, lo lắng vì không nghĩ rằng hình ảnh đáng yêu của con trẻ lại mang ý nghĩa tiêu cực như vậy.

“Tôi không biết những người bình luận vậy họ có ý gì hay chỉ đơn giản là hiệu ứng đám đông thôi. Nhưng nếu thật sự họ đều có suy nghĩ đen tối vậy thì tôi vô cùng phẫn nộ”, chị Khánh bày tỏ. 

Chung cảm xúc với chị Ngọc Khánh, chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) còn cho rằng không chỉ với hình ảnh của các bé gái mà các bé trai cũng sẽ gặp phải những bình luận mang ý nghĩa độc hại.

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã công khai thủ đoạn phạm tội của đối tượng sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em; xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang diễn biến rất phức tạp. Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng. Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ.

Một số tài khoản TikTok đã lên tiếng và bày tỏ trạng thái phẫn nộ với những bình luận tiêu cực ở đoạn video (Ảnh: Chụp màn hình).

Bảo vệ con trên không gian mạng 

Trên thực tế, đã xảy ra nhiều vụ việc xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em thông qua mạng xã hội. Các nạn nhân là những em nhỏ dường như phải sống cùng nỗi ám ảnh và luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đã được triển khai thực hiện.

Luật An ninh mạng được ban hành năm 2018, quy định một số nội dung về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Năm 2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, trong năm 2021.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2264/QĐ-BTTTT ngày 22/12/2020 về việc Phê duyệt Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng trong năm 2021. 

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được ra đời vào năm 2021 (Quyết định số 716/QĐ-BTTTT ngày 26/5/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông) với sự tham gia của 24 đơn vị gồm có đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với các Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước chuyên về lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt “Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Ngày 18/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có quy định về việc vận động người thân trong gia đình bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ em vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.

Ngày 27/9/2023, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cũng đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC). Tuy nhiên, để có thể bảo vệ con trên không gian mạng một cách trực tiếp cần có sự đồng hành đến từ cha mẹ. 

Chị Ngọc Khánh đã đưa ra biện pháp để bảo vệ con bằng việc tránh cho con tiếp xúc với mạng xã hội quá sớm và cùng con dần dần trải nghiệm mạng xã hội. Trực tiếp đồng hành cùng con giúp chị định hướng được cho con một cách xác thực hơn. Bé có thể hình dung dễ hơn những nội dung phù hợp với lứa tuổi. 

Chị Khánh chia sẻ: "Ngoài việc phân chia nội dung từng độ tuổi trên mạng xã hội, thì việc giám sát và định hướng con là giải pháp thiết thực nhất. Bên cạnh đó, chị cùng gia đình cũng sẽ hạn chế đăng tải hình ảnh cá nhân của con lên mạng xã hội để phần nào tránh những tác động tiêu cực đến con".

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận