Trẻ sơ sinh có cần bổ sung vi chất?
Hầu hết trẻ đều dự trữ đủ nhu cầu vitamin và chất khoáng từ lúc sinh ra đến 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ cần được bổ sung thêm một số loại vi chất.
Với trẻ sinh rất non - sinh ra với cân nặng dưới 1,5kg - sẽ cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất trực tiếp vào sữa mẹ hoặc sữa công thức. Ngoài ra, trẻ bú mẹ hoàn toàn cũng như bú mẹ một phần nên được cung cấp vitamin D bắt đầu từ khi mới sinh và bổ sung sắt bắt đầu từ 4-6 tháng tuổi.
Theo Bệnh viện Trung ương quân đội 108, các chất bổ sung phổ biến nhất được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh bao gồm:
Vitamin K
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K một lần ngay sau khi sinh để giảm nguy cơ mắc bệnh xuất huyết. Vitamin K cần thiết cho cơ thể để kích hoạt một số phân tử giúp máu đông.
Vitamin D
Vitamin D cho phép cơ thể hấp thụ và giữ lại canxi và phốt pho, cả hai đều rất quan trọng để xây dựng xương chắc khỏe. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến còi xương trong hai năm đầu đời và ảnh hưởng đến phát triển thể trạng của trẻ khi trưởng thành.
Vì sữa mẹ không cung cấp đầy đủ vitamin D, nên tất cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đều phải được bổ sung. Trẻ bú sữa công thức nói chung không cần bổ sung thêm vitamin D vì sữa công thức đã được bổ sung vitamin D. Nếu trẻ được uống ít nhất 900ml sữa công thức mỗi ngày thì trẻ đang nhận đủ lượng vitamin D.
Vitamin B12
Vitamin B12 giữ cho các tế bào thần kinh và máu của cơ thể khỏe mạnh, đồng thời giúp tạo ra ADN, vật liệu di truyền trong tất cả các tế bào. Thiếu vitamin B12 có thể gây ra một loại thiếu máu gọi là thiếu máu nguyên bào khổng lồ khiến người bệnh mệt mỏi và suy nhược.
Vitamin B12 không có trong thực phẩm thực vật, vì vậy những bà mẹ đang cho con bú theo chế độ ăn thuần chay nghiêm ngặt (có nghĩa là họ không ăn bất kỳ loại thực phẩm động vật nào) sẽ cần bổ sung vitamin B12 vào chế độ ăn uống của họ để đảm bảo rằng cả bản thân và con của họ đều được nhận đủ mức.
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu vitamin B12 ở trẻ sơ sinh bao gồm nôn mửa, hôn mê, thiếu máu, chậm phát triển, giảm trương lực cơ (trương lực cơ thấp). Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể bị thiếu vitamin B12 khi được 2-6 tháng tuổi, nhưng các triệu chứng có thể không rõ ràng cho đến khi được 6-12 tháng. Và trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể phát triển các dấu hiệu lâm sàng của sự thiếu hụt vitamin B12 trước khi mẹ của chúng bị.
Sắt
Sữa mẹ ít sắt nhưng hầu hết trẻ sinh ra đều có đủ lượng sắt dự trữ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh thiếu máu, ít nhất là cho đến khi trẻ được 4 - 6 tháng tuổi. Nếu mẹ bị đái tháo đường thai kỳ được kiểm soát kém, hoặc con bạn sinh non hoặc nhỏ hơn 2,9kg khi sinh), con bạn có thể không nhận đủ chất sắt trong thai kỳ.
AAP khuyến nghị trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và bú mẹ một phần nên bổ sung sắt lỏng 1mg/kg/ngày bắt đầu từ 4-6 tháng và tiếp tục cho đến khi thức ăn rắn có chứa sắt được đưa vào bữa ăn dặm vào sáu tháng tuổi. Khi bạn bắt đầu cho bé làm quen với thức ăn đặc, hãy chọn thức ăn có chứa sắt, như ngũ cốc tăng cường, thịt, cá, đậu và rau.
Các bà mẹ cần làm gì?
Nếu trẻ bú sữa công thức thì em bé của bạn đang nhận được đầy đủ chất sắt và vitamin D trong sữa công thức của mình, vì vậy hãy tiếp tục bú bình sữa công thức trong suốt năm đầu đời.
Nếu trẻ bú mẹ, AAP khuyến cáo trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và một phần nên được bổ sung sắt lỏng 1mg/kg/ngày bắt đầu từ 4-6 tháng và tiếp tục cho đến khi thức ăn rắn có chứa sắt được đưa vào bữa ăn dặm khi trẻ được khoảng sáu tháng tuổi. Bắt đầu từ khi trẻ mới sinh, nên bổ sung 400 IU vitamin D hàng ngày và tiếp tục cho đến khi trẻ được 1 tuổi.
Nếu con bạn sinh non, con bạn có thể cần bổ sung sắt cao hơn là 2mg/kg/ngày bắt đầu trong tháng đầu tiên sau sinh. Mẹ nên gặp bác sĩ của bé để nhận lời khuyên về các nhu cầu dinh dưỡng cụ thể.
Nếu bạn ăn chay trường hoặc ăn chay ngày trai, hãy bổ sung B12 và gặp bác sĩ dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống và chất bổ sung của chính bạn là đủ cho cả mẹ và bé.
Bạn có một số lựa chọn để cung cấp các chất bổ sung vitamin D, từ thuốc nhỏ đậm đặc được đặt thẳng vào núm vú của bạn trong khi cho con bú hoặc vào bình sữa của trẻ đến liều lượng ít đậm đặc hơn như siro được đưa trực tiếp cho trẻ qua ống nhỏ giọt.
Không cho trẻ uống sữa bò tươi cho đến sau sinh nhật đầu tiên của trẻ. Trẻ bú sữa bò tươi (thay vì sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cường chất sắt) trong năm đầu đời có nhiều khả năng bị thiếu máu do thiếu sắt vì lượng đạm quá nhiều trong sữa bò cũng có thể làm thận của trẻ bị quá tải.
Sau 6 tháng tuổi cho trẻ ăn thức ăn giàu sắt như rau xanh, thịt và ngũ cốc. Sau 4-6 tháng, lượng sắt dự trữ tự nhiên của bé từ lúc mới sinh sẽ bắt đầu giảm. Đừng ngại cho bé ăn các loại protein và rau xanh sẽ cung cấp cho bé tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết. Rốt cuộc, cơ thể chúng ta xử lý sắt theo cách tự nhiên hơn khi nó đến từ thực phẩm chúng ta ăn thay vì chất bổ sung hoặc vitamin. Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: Đậu nành, đậu lăng, rau bina, đậu garbanzo, đậu xanh, củ thụy sĩ, đậu tây, đậu phụ, đậu đen, thịt bò và trứng.
Nếu bé cần bổ sung các vi chất, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về chủng loại, liều lượng đểu đảm bảo an toàn cho sự phát triển tối ưu của trẻ.
Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất