15:24 24/01/2024

Trường học hạnh phúc: Bắt đầu từ đâu?

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Trần Phương

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, hạnh phúc bắt đầu từ sức khỏe tốt, để có trường học hạnh phúc trước hết trẻ em đến trường phải được chăm sóc đầy đủ, khỏe mạnh.

LTS: Từ khóa “trường học hạnh phúc” đã dần trở nên quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục, nhưng làm thế nào để những đứa trẻ thật sự được hưởng hạnh phúc khi tới trường là vấn đề không dễ dàng.

Với mong muốn đóng góp cùng ngành Giáo dục và các địa phương trên cả nước sớm xây dựng được mô hình trường học hạnh phúc, Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và khởi đăng tuyến bài "Cùng chung tay xây dựng trường học hạnh phúc".

Hạnh phúc bắt đầu từ sức khỏe của học sinh

Bàn về trường học hạnh phúc, đây là một dự án của UNESCO được khởi động vào năm 2014 nhằm mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập.

Lấy cảm hứng từ mô hình "Happy School" của UNESCO, mô hình "Trường học hạnh phúc" được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước.

Tiêu chí trường học hạnh phúc của UNESCO có đến 22 tiêu chí, chia làm 3 nhóm: Nhóm tiêu chí  về Con người; Nhóm tiêu chí Quá trình giảng dạy và học tập và Nhóm tiêu chí Môi trường nhà trường.

Tùy theo điều kiện mà mỗi địa phương có những tiêu chí khác nhau nhưng một trường học hạnh phúc có 3 tiêu chí quan trọng, có tính cốt lõi là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Cụ thể, về tiêu chí yêu thương đó là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao trùm lên là bao dung.

Về tiêu chí an toàn: Trường học phải an toàn về thể chất và tinh thần. Giáo viên, học sinh phải được bảo vệ, không có sự xúc phạm về thể xác và tinh thần để mỗi khi đến trường như là về nhà.

Đối với tiêu chí tôn trọng: Cần tôn trọng sự khác biệt bởi chính sự khác biệt ấy mới tạo nên sự đa dạng về văn hóa và đổi mới. Tôn trọng sự khác biệt, trước hết là không áp đặt, đem giá trị của một vài cá nhân, áp đặt cho cái chung.

Nói đến trường học hạnh phúc, nhiều người nghĩ ngay đến việc phải đầu tư những ngôi trường  thật hiện đại. Nhưng hạnh phúc, trước tiên lại phải bắt đầu từ việc tạo niềm vui đi học mỗi ngày cho trẻ.

Theo đó, trường học hạnh phúc là môi trường chú trọng giảng dạy không chỉ giới hạn ở những điều học sinh cần và thiếu mà còn phải hỗ trợ các em phát huy tối đa mọi tiềm năng, đặc biệt là niềm hăng say học tập.

tapchitreemvn (2)tapchitreemvn (2)
Muốn hạnh phúc, trước tiên các em phải được chăm sóc sức khỏe thật tốt tại trường. Ảnh minh họa: LC

Tại Việt Nam, từ năm học 2019-2020, “trường học hạnh phúc” đã trở thành một từ khóa quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng.

Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), được triển khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở một số trường học tại thành phố Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước.

Ngày 22/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra 3 yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Đây cũng chính là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu thực hiện.

Thực tiễn hiện nay, các trường học đang có xu hướng xây dựng trường học hạnh phúc, đẩy mạnh phong trào thay đổi để có một trường học hạnh phúc, trở thành nhiệm vụ để thi đua, phấn đấu xây dựng thương hiệu hạnh phúc.

Tuy nhiên chưa có một mô hình cụ thể, một tiêu chí cụ thể nào được đưa ra để đánh giá trường học có đủ tiêu chuẩn “trường học hạnh phúc” hay không.

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nhận định, việc các trường học của cả nước hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc là rất tốt, điều này đã và đang thúc đẩy sự phát triển của giáo dục.

“Theo tôi, trường học hạnh phúc nên bắt đầu bằng sức khỏe của học sinh. Học sinh đến trường được chăm lo về dinh dưỡng thông qua bữa ăn bán trú, chăm sóc sức khỏe qua các hoạt động thể dục thể thao… Các em khỏe mạnh, đến trường vui thì tất sức học của các em sẽ phát triển. Rất khó có một trí tuệ phát triển trong một cơ thể yếu đuối. Việc chăm sóc sức khỏe học sinh phải được thực hiện một cách xuyên suốt, từ trẻ mầm non đến cấp bậc trung học phổ thông phải được xây dựng một cách khoa học.

Học sinh tiểu học theo chương trình mới đi học 2 buổi trên ngày và phần lớn gia đình gửi con đều cho ăn bán trú tại trường. Do vậy, viêc chăm sóc sức khỏe học sinh rất quan trọng. Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ.

Khi đảm bảo được sức khỏe, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, nhà trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ, lỗi thời”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.

Học sinh tới trường mà không thấy hạnh phúc thì chẳng có ý nghĩa gì

Hiện nay, khái niệm “Trường học hạnh phúc” đang trở thành mục tiêu hướng tới của tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước. Tuy nhiên, để vận hành được khái niệm này trong việc dạy và học, mỗi hiệu trưởng, giáo viên phải có cách nhìn nhận đúng.

Theo Luật Giáo dục năm 2019: “Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, trí thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân, có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”.

Cũng chính vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, nên trong trường học, không chỉ riêng vấn đề học tập mà còn cần phát triển nhiều năng lực của học sinh.

tapchitreemvn (1)
Trường học hạnh phúc mà học sinh không cảm thấy hạnh phúc thì chẳng có ý nghĩa gì. Ảnh: LC

Theo thầy Lê Chí Thông – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hướng Hóa (Quảng Trị), trường học hạnh phúc không phải là một khái niệm cũng không phải là một mô hình. Trường học hạnh phúc là cách thức vận hành một trường học để thực hiện được mục tiêu giáo dục “vì sự tiến bộ của con người học sinh”.

Để xây dựng được trường học hạnh phúc thì học sinh phải là đối tượng cảm thấy hạnh phúc đầu tiên.

Để học sinh cảm thấy được hạnh phúc thì các thầy cô giáo cần phải có kiến thức có kinh nghiệm trong ứng xử với học trò. Có như vậy việc xây dựng trường học hạnh phúc mới có thể đi vào thực chất. Nếu ta cứ nói xây dựng trường học hạnh phúc mà từ Hiệu trưởng đến giáo viên không có kỹ năng, nhận thức để xây dựng môi trường cho học sinh cảm thấy hạnh phúc thì rất khó có thực chất.

Nói một cách đơn giản , trường học hạnh phúc là một ngày đến trường, giáo viên, học sinh đều cảm thấy là một ngày vui và thực sự ý nghĩa. Vì thế, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở và những vận dụng thực tế, mà còn là làm thế nào để học sinh thấy được ngôi trường của mình trở thành một nơi thú vị.

Nên chăng, trong chương trình đào tạo sinh viên sư phạm nên dành một học phần từ năm thứ nhất, về đào tạo kỹ năng cảm xúc xã hội.

Từ đây, sau khi ra trường, chính người giáo viên đã có sẵn kỹ năng này, lúc này dễ dàng truyền tải đến thế hệ sau, vì nếu thực sự không đào tạo kỹ năng này, khi áp dụng lớp học hạnh phúc vào nhà trường, các giáo viên dễ hiểu nhầm rằng trường tạo áp lực cho họ. Đây cũng là câu chuyện mà mỗi người quản lý hiểu về trường học hạnh phúc đều trăn trở", thầy Lê Chí Thông chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, một ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Về phía ngành Giáo dục, việc quan trọng đầu tiên là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Văn hóa học đường khi được triển khai tốt, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường, tự khắc nó đem đến các giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc.

Tại Hội nghị tổng kết vào ngày 4/1 vừa qua, Bộ trưởng nêu rõ: "Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc".

22 TIÊU CHÍ TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC CỦA UNESCO

Tiêu chí 1. Tình bạn và các mối quan hệ

Tiêu chí 2. Thái độ và tính tích cực của giáo viên

Tiêu chí 3. Điều kiện làm việc và hạnh phúc của giáo viên

Tiêu chí 4. Tôn trọng sự đa dạng và khác biệt

Tiêu chí 5. Các Giá trị và Thực tiễn Tích cực và Hợp tác

Tiêu chí 6. Kỹ năng và Năng lực của Giáo viên

Tiêu chí 7. Khối lượng công việc hợp lý và công bằng

Tiêu chí 8. Tinh thần hợp tác và làm việc theo nhóm

Tiêu chí 9. Phương pháp dạy và học thú vị và hấp dẫn

Tiêu chí 10. Học sinh được Sáng tạo và Tương tác

Tiêu chí 11. Ý thức về thành tích và sự hoàn thành

Tiêu chí 12. Các hoạt động ngoại khóa và các sự kiện của trường

Tiêu chí 13. Học tập theo nhóm giữa Học sinh và Giáo viên

Tiêu chí 14. Nội dung học tập hữu ích, có liên quan và hấp dẫn

Tiêu chí 15. Sức khỏe tinh thần và Quản lý căng thẳng

Tiêu chí 16. Môi trường an toàn không có bắt nạt

Tiêu chí 17. Môi trường học tập thân thiện và ấm áp

Tiêu chí 18. Không gian học tập và vui chơi cởi mở và xanh

Tiêu chí 19. Tầm nhìn và Lãnh đạo của Trường

Tiêu chí 20. Kỷ luật tích cực.

Tiêu chí 21. Sức khỏe, Vệ sinh và Dinh dưỡng tốt

Tiêu chí 22. Quản lý trường học dân chủ

 

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận