11:55 08/11/2022

Trường học ở Hà Nội ráo riết phòng chống dịch sốt xuất huyết trước diễn biến phức tạp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hương Giang

Trước tình hình ca mắc sốt xuất huyết tăng cao và có nguy cơ bùng dịch, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

Bài viết này thuộc chuyên đề Sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Xem thêm

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến ngày 4/11, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 10.716 ca mắc, 12 ca tử vong; số ca mắc tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 539/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.

Toàn thành phố ghi nhận tổng cộng 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: Thôn Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất (200); Phượng Trì, thị trấn Phùng, Đan Phượng (73); Ngọc Đình, Hồng Dương, Thanh Oai (53).

Như Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã đưa tin, tính đến tuần 43, trên địa bàn huyện Đan Phượng ghi nhận 1.039 ca mắc. Tất cả 16/16 xã, thị trấn đều phát hiện có bệnh nhân mắc.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng (Hà Nội) nói: “Theo báo cáo của khoa Kiểm soát bệnh tật thống kê trong số 1.039 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm trên địa bàn, có 20 ca mắc sốt xuất huyết là trẻ em. May mắn, hiện tất cả các em đều đã khỏi bệnh và xuất viện”. 

Nhận định về tình hình ca sốt xuất huyết ở Hà Nội cũng như các khu vực khác trên cả nước, các chuyên gia y tế thông tin, bệnh sốt xuất huyết năm nay có thể diễn tiến rất nhanh. Nguy cơ bệnh nhân sốc, các các biến chứng nặng và tử vong là rất cao, ở cả người lớn và trẻ em.

Các chuyên gia đầu ngành cũng nhận định, trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp. Cũng như mọi năm, cao điểm mùa dịch cao điểm mùa dịch có thể nằm trong hai tháng cuối năm. Nguy cơ bùng dịch cao hơn khi đây là thời điểm bắt đầu vào mùa của một số bệnh như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus,...

muỗi gây sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng thành dịch (Ảnh: Internet).

Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch ở các trường học

Trước những diễn biến khó lường của dịch sốt xuất huyết, hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố đều đang chủ động trong công tác phòng chống dịch. Ở khu vực nội thành, diện tích lớp học nhỏ, số lượng học sinh đông, nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn. Chính vì thế, nhiều cơ sở giáo dục đã tiến hành phun thuốc diệt muỗi, tổ chức vệ sinh khuôn viên trường lớp để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trường THCS Ngọc Thụy (Long Biên) là một trong những trường đi đầu về công tác này. Chia sẻ với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thảo Linh, giáo viên THCS Ngọc Thụy, cho biết: “Thời tiết giao mùa, các ca sốt xuất huyết tăng cao. Chính vì thế, trường THCS Ngọc Thụy đã triển khai công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên.

Theo đó, với mục tiêu giảm thiểu tối đa các ổ nước đọng, phá hủy nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và khống chế không để dịch lớn xảy ra, trường đã tổ chức chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường diệt muỗi và bọ gậy, phòng, chống sốt xuất huyết đợt I/2022.

Sau chiến dịch, 95% các dụng cụ chứa nước, phế thải, phế liệu được thu gom, các ổ bọ gậy được loại bỏ, vệ sinh môi trường được cải thiện nhằm giảm các nguy cơ về dịch bênh trong nhà trường và duy trì được kết quả của chiến dịch” .

Ngoài ra, trường THCS Ngọc Thụy thường xuyên tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô toàn phường vào các tháng cao điểm từ tháng 6 đến tháng 9. Nhà trường nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, của giáo viên, nhân viên về công tác phòng chống dịch bệnh bằng cách luôn theo dõi để phát hiện sớm học sinh mắc bệnh, cách ly cấp cứu điều trị kịp thời khống chế, ngăn ngừa, không để bệnh lan tràn trong nhà trường.

Đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết ở các trường học trên địa bàn Hà Nội 2
Trường THCS Ngọc Thụy đã phun thuốc diệt muỗi, tổng vệ sinh môi trường sư phạm (Ảnh: Trường THCS Ngọc Thụy).

Trên địa bàn huyện Thanh Trì, công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cũng được đẩy cao khi mùa mưa bắt đầu. Đặc biệt, khối trường mầm non, các trường thực hiện nghiêm túc công tác chống dịch bệnh.

Là người đứng đầu trường Mầm non thị trấn Văn Điển, cô giáo Trần Thị Thu Trang luôn cập nhật tin tức, theo dõi sát sao diễn biến của bệnh để kịp thời có phương án giải quyết. Đồng thời, cô cho biết, vì là khối mầm non nên nhà trường cũng sát sao trong việc thực hiện các yêu cầu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì trong công tác phòng chống bệnh.

“Trường mầm non thị trấn Văn Điển phun thuốc diệt muỗi theo chu kỳ 3 tháng/lần, thành lập đội xung kích diệt bọ gậy. Trường thường xuyên tổng vệ sinh khuôn viên sư phạm, không để nước đọng và các vật dụng chứa nước sau khi sử dụng phải úp xuống.

Ở các cuộc họp phụ huynh, giáo viên của trường luôn chủ động tuyên truyền đến phụ huynh học sinh về các tác nhân, triệu chứng của sốt xuất huyết cũng như cách phòng chống”, cô Trần Thị Thu Trang chia sẻ.

Trong khi đó, là đơn vị quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh cũng không ngoại lệ trong việc chống dịch sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Quang Hòa - cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh chia sẻ: “Sốt xuất huyết thường lây nhanh ở nội thành. Nhưng không vì thế mà chúng tôi lơ là trong công tác đảm bảo an toàn cho giáo viên và phụ huỳnh.

Khi năm học mới bắt đầu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh đã có những văn bản đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện để chủ động phun thuốc phòng ngừa, tổng vệ sinh dọn dẹp môi trường.

Chúng tôi cũng yêu cầu lãnh đạo các trường theo dõi sát sao, nắm bắt tình hình khi có học sinh hoặc giáo viên bị bệnh và thường xuyên báo cáo với Phòng Giáo dục về công tác chống dịch. Trước nguy cơ bùng phát dịch như hiện tại, chúng tôi luôn cập nhật tin tức từ Bộ Y tế, báo chí.

Qua đó, chúng tôi tiếp tục có văn bản gửi các trường để tổ chức tuyên truyền tới học sinh, đồng thời ngoài việc yêu cầu phun thuốc diệt muỗi theo định kỳ, thậm chí yêu cầu phun liều bổ sung nếu như cần thiết”.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận