06:05 08/11/2022

Nguy cơ trẻ em nhập viện vì sốt xuất huyết gia tăng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Hoài Linh

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng. Tại một huyện ở Hà Nội, trong hơn 1.000 ca nhiễm được ghi nhận, có 20 ca mắc là trẻ em.

Bài viết này thuộc chuyên đề Sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến ngày càng phức tạp, số ca mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Xem thêm

Ông Nguyễn Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết: “Tính đến tuần 43, trên địa bàn huyện Đan Phượng ghi nhận 1.039 ca mắc. Tất cả 16/16 xã, thị trấn đều phát hiện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Trẻ em Việt Nam, ông Phúc chia sẻ thêm: “Theo báo cáo của khoa Kiểm soát bệnh tật thống kê trong số 1.039 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm trên địa bàn, có 20 ca mắc sốt xuất huyết là trẻ em. May mắn, hiện tất cả các em đều đã khỏi bệnh và xuất viện”. 

Theo báo cáo về công tác phòng chống dịch trong 7 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận 136.075 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 45 trường hợp tử vong. 

Trẻ em bị muỗi đốt gây mắc sốt xuất huyết
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy cơ số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới (Ảnh minh họa: Hoài Linh).

Ông Phúc lưu ý, cha mẹ cần hết sức chú ý khi trẻ có các triệu chứng mắc/nghi mắc sốt xuất huyết, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời không nên tự ý điều trị tại nhà.

Theo ông Nguyễn Gia Phúc, để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trong việc phòng bệnh như:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam
Trẻ em Việt Nam

Bình luận