11:53 07/05/2024

Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh bị phát hiện sách "dung tục" có học phí cao ngất ngưởng

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Lại Cường

Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh thu học phí cao ngất ngưởng bị phụ huynh nổi giận vì giáo viên phát sách có nội dung "dung tục", ảnh hưởng xấu tới tâm lý trẻ nhỏ.

Tiền học cao ngất ngưởng 

Được thành lập vào năm 1993, Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ISHCMC) nhận học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, học các chương trình của nước ngoài. Học phí của trường này cũng được cho là ở nhóm cao nhất, lên đến hơn 900 triệu đồng/năm (cho khối THPT), chưa kể những khoản phí khác như sách, đồng phục, sinh hoạt ngoại khóa, tiền ăn bán trú, phí đưa đón.

Mặc dù là một trong những trường học có mức học phí cao ngất ngưởng, nhưng trong hai năm gần đây, Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đã để xảy ra nhiều vụ việc tai tiếng.

Trong đó có sự cố bạo lực học đường vào năm 2022. Vụ việc liên quan đến học sinh lớp đang học lớp 8 bị đánh ở ngay bên trong khuôn viên của trường. Đáng chú ý, theo vị phụ huynh có con bị đánh, giáo viên của trường này có nhìn thấy, nhưng đã không có một hành động nào can ngăn.

Sau đó, nhà trường nói sẽ cho số của những vị phụ huynh kia, để các bên tự giải quyết với nhau, do sự việc xảy ra ở bên ngoài nhà trường. Sau khi phụ huynh đưa con mình đi khám ở bệnh viện, thì có kết quả là có vết thương ở tay, có biểu hiện khó thở.

Phụ huynh của học sinh bị đánh cũng đã đăng đàn lên mạng xã hội cho biết, nhà trường tôn trọng, lắng nghe phụ huynh, nhưng lại không ai nhận trách nhiệm bảo vệ con của họ.

Liên quan đến sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã phải có văn bản, đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan xác minh thông tin, xử lý kịp thời vụ việc, đúng quy định, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh.

Ngày 29/5/2022, hiệu trưởng của ISHCMC đã lên tiếng, nhận một phần trách nhiệm do đã để xảy ra sự việc đáng tiếc giữa các học sinh với nhau, làm cho phụ huynh lo lắng. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống nhanh chóng, để tránh gây hiểu lầm cho phụ huynh, tạo thông tin trái chiều trên mạng xã hội.

truongquoctethanhphohochiminh
Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh nơi có mức học phí cao ngất ngưởng vừa xảy ra sự cố sách có nội dung nhạy cảm. Ảnh: VTV

Mới đây nhất, theo phản ánh của phụ huynh nhà trường, trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, một giáo viên đã phát cho học sinh cuốn sách (bằng tiếng Việt) có tên “Một thoáng ta rực rỡ nhân gian”.

Phụ huynh xem và thấy rằng trong cuốn sách này có một số nội dung nhạy cảm, bị đánh giá là đồi trụy, khiêu dâm.

“Tôi ngồi đọc sách cùng với con mà giận run cả người, vì không hiểu nhà trường hoạch định chương trình như thế nào, mà lại có thể lựa chọn một tác phẩm với những ngôn từ như vậy để dạy học sinh” – một phụ huynh viết trên mạng xã hội.

Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của phụ huynh, ngay trong tối ngày 2/5, ISHCMC đã phát đi thông tin, đề nghị thu hồi toàn bộ các ấn bản này đã được phát tới tay học sinh.

ISHCMC giải thích, đây là cuốn sách nằm trong danh mục sách tham khảo, được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt, đã được Chương trình Tú tài quốc tế (IB) giới thiệu, phổ biến rộng rãi tại Việt Nam.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu nhà trường báo cáo gấp vụ việc. Được biết, đã có 19 cuốn sách được phát tới tay học sinh cần phải được thu hồi. Sở đã yêu cầu nhà trường cần nghiêm túc khắc phục, kiểm điểm hay phê bình giáo viên (tùy theo mức độ vụ việc), vì đã không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của mình, dẫn đến những thông tin tiêu cực, phản cảm.

Lỗi tại đâu?

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc thu hồi sách, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Có ý kiến cho rằng xã hội đang quá khắt khe trong khi đó với sự phát triển của Internet hiện nay và sự cởi mở đối với xã hội thì chuyện này là bình thường.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng phải kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu khi để những tác phẩm có ngôn từ không phù hợp như vậy lọt vào nhà trường.

phqt-17147154880491201596
Ảnh chụp màn hình những trích đoạn được đánh giá là không phù hợp. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu giáo dục Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm: “Về sự cố của Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cho rằng cần làm rõ kế hoạch giảng dạy của giáo viên cụ thể là như thế nào. Việc danh sách tác phẩm được khuyến nghị cho học sinh cần phải có mục đích giáo dục cụ thể, đặc biệt vai trò của giáo viên rất quan trọng. Giáo viên sẽ lựa chọn các trích đoạn phù hợp cho mục đích bài giảng của mình hay hoạt động học tập của học sinh. Cũng có những tình huống có những trích đoạn phù hợp nhưng tổng thể tác phẩm có những đoạn khác không phù hợp với mục đích bài học, giáo viên phải thực hiện công việc sàng lọc một lần nữa sau khi người thiết kế chương trình đã có bước chọn lọc ban đầu.

Chương trình Tú tài quốc tế hướng tới đào tạo các công dân toàn cầu, do vậy cách tiếp cận rộng mở, đa văn hóa. Tuy nhiên, có nhiều chuẩn mực là chung cho mọi nền văn hóa và được xác định rõ bởi khoa học giáo dục và sư phạm.

Vấn đề tình dục, tình dục đồng giới còn khá nhạy cảm trong văn hóa Việt Nam, nhưng không phải là vấn đề mới trong văn hóa nhiều nước phương Tây, do vậy chủ đề này hoàn toàn không phải là vấn đề cấm kỵ.

Tuy nhiên, khi lựa chọn đưa vào giảng dạy cho học sinh, người biên soạn chương trình cần có những cân nhắc cẩn trọng về bối cảnh văn hóa, đối tượng học sinh, mục đích giáo dục chứ không nên giới thiệu các trích đoạn hay tác phẩm văn học có yếu tố nhạy cảm một cách không kiểm soát.

Việc đó không khác nào người dạy bơi dắt người học bơi ra sông xuống nước mà không trực tiếp chỉ dẫn, hướng dẫn. Tác phẩm văn học không có lỗi khi nó được xuất hiện trong chương trình học, dù phù hợp hay không phù hợp.

Điều cốt yếu nằm ở nhà giáo thiết kế chương trình và nhà giáo giảng dạy: họ chọn tác phẩm nhằm mục đích gì? Đó đã là lựa chọn tối ưu chưa hay còn có tác phẩm khác, trích đoạn khác hay hơn, phù hợp hơn làm ngữ liệu giảng dạy? Họ đã hướng dẫn học sinh như thế nào khi tiếp cận tác phẩm văn học hay để học sinh tự tiếp xúc và cảm nhận một cách tự do không kiểm soát? Về vấn đề này, đội ngũ chuyên môn của ISHCM cần có sự giải trình với phụ huynh của trường".

Tất cả giáo viên dạy chương trình Tú tài quốc tế (IB) đều được tổ chức Tú tài quốc tế (IBO) tập huấn để thực hiện việc giảng dạy theo triết lý và phương pháp của tổ chức này.

Cô giáo Đỗ Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Khoa học - Giáo dục và Môi trường Quốc gia chi nhánh Quảng Ninh cũng cho rằng: "Từ vụ việc phát sách ở trường Trường Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, tôi cho rằng các cơ sở giáo dục và giáo viên cần có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm giáo dục đưa đến cho học sinh.

Việc phát triển văn hóa đọc cho trẻ là điều tốt và cần được khuyến khích mở rộng, nhưng nếu những gì các em đọc không mang lại giá trị nhân văn mà lại gây phản cảm, kích dục, thì lợi ích không cân bằng so với hại.

Nếu không có sự hướng dẫn cụ thể từ người lớn, người dạy học, người thẩm định chương trình thì sẽ gây ra những hệ quả khó lường. Nếu thẩm định, hướng dẫn không tốt, việc này không chỉ không có tác dụng tích cực mà còn có thể góp phần vào việc gia tăng các vấn đề học đường như yêu sớm, quan hệ tình dục sớm, suy đồi đạo đức và ảnh hưởng đến tinh thần và lối sống lành mạnh của thế hệ học sinh".

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất


Bình luận