06:39 31/05/2024

TS. Đặng Hoàng Ngân: “Trẻ em dưới 13 tuổi không nên tiếp xúc với mạng xã hội”

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Như Quỳnh - Quốc Huy

TS. Đặng Hoàng Ngân nêu rõ, nhiều clip giải trí trên mạng xã hội chứa nội nội dung xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của trẻ em.

Trước thực trạng thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em, PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã trao đổi với TS. Đặng Hoàng Ngân - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tâm lý trẻ em bị ảnh hưởng bởi môi trường sống

PV: Hiện nay, trẻ em tiếp xúc với Internet từ rất sớm, trên các trang mạng xã hội tràn lan nhiều thông tin xấu độc như: ma túy, khiêu dâm, kinh dị… đây có phải mối nguy hại đến tâm lý không, thưa bà?

TS. Đặng Hoàng Ngân: Thực tế, thông tin trên mạng Internet có nhiều nguy cơ gây hại đến tâm lý trẻ em, thanh thiếu niên. Có thể phân thành những nhóm nội dung gây hại. Nhóm thông tin đi ngược với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật: cổ vũ tệ nạn xã hội, bình thường hóa hành vi phạm pháp, kích động phân biệt đối xử…

Tiếp theo, thông tin cần kiểm duyệt về độ tuổi và sự ổn định tinh thần của người sử dụng: khiêu dâm, nội dung có yếu tố tình dục, nội dung kinh dị, nội dung có hình ảnh bạo lực, nội dung có hình ảnh thương tích cơ thể…

Ngoài ra, những thông tin kích thích bạo lực, bắt nạt trực tuyến cũng rất nguy hiểm. Nhóm này không chỉ bao gồm các bài đăng có xu hướng bài xích, tấn công mà còn là sự tương tác, bình luận của những người sử dụng Internet. 

Bình luận của người dùng Internet không thể kiểm soát và gây hại theo cách ngầm, chuyển thông điệp sai lầm rằng bất kì ai cũng có thể nhân danh công lý một cách thiếu hiểu biết để bộc phát sự tức giận đến người khác. Họ không cần quan tâm đến hệ quả tâm lý của người bị bạo lực, bắt nạt trực tuyến, cũng như những người quan sát.

tâm lý học
TS. Đặng Hoàng Ngân - Giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

PV: Theo bà, vì sao trẻ em dễ bị thu hút bởi nội dung xấu, độc? 

TS. Đặng Hoàng Ngân: Trẻ em nói chung và nhóm trẻ vị thành niên được sinh trưởng, giáo dục trong những môi trường khác nhau cũng có cách phản ứng khác nhau trước các nội dung trên Internet. 

Trẻ có gắn bó với gia đình, thường xuyên có các hoạt động chung thú vị với gia đình mà không cần Internet, hay trẻ có nhiều thời gian vui chơi ngoài trời với bạn bè, hoặc trẻ yêu thích đọc sách và thảo luận cùng bạn bè, gia đình,… không dễ thu hút bởi nội dung xấu. 

Ngược lại, trẻ thiếu gắn bó với gia đình, thiếu hoạt động ngoài trời cùng bạn bè và gia đình, hệ giá trị của gia đình tương thích với nhiều điều chưa đẹp trong xã hội, môi trường sống bất ổn, phần lớn thời gian sử dụng mạng xã hội,… có nhiều nguy cơ hơn bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin khổng lồ trên Internet. 

Nếu giới hạn lại một số nội dung có độ thu hút nhất định với trẻ em và đặc biệt là thanh thiếu niên, thì nội dung có yếu tố tình dục hoặc kinh dị có khả năng ảnh hưởng nhiều hơn. 

Bởi tâm lý tự nhiên của thanh thiếu niên là tò mò về đời sống tính dục, về sự sống và cái chết. Trẻ có nhu cầu tìm kiếm sự hiểu biết và câu trả lời cho những thôi thúc này. Môi trường càng cấm kỵ về những chủ đề trên, trẻ càng phải tự giấu giếm và càng bị thôi thúc phải xem những nội dung như vậy.

tâm lý trẻ em
Nhiều nội dung nhạy cảm không phù hợp với trẻ em trên mạng xã hội. Ảnh: nguồn VTV

Những nguy hiểm rình rập khi trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội

PV: Theo bà, nội dung xấu, độc trên mạng xã hội ảnh hưởng như thế nào tới tư duy và đời sống tinh thần của những người trẻ? Mức độ ảnh hưởng có khác biệt với từng độ tuổi ra sao?

TS. Đặng Hoàng Ngân: Trẻ em khi sử dụng mạng xã hội sẽ có nguy cơ bị một số ảnh hưởng như: Bắt chước hành vi xấu hoặc hành vi tự gây hại  (bạo lực, khoe khoang với mục đích phân biệt đối xử hoặc tổn thương người khác, quan hệ tình dục không an toàn, cưỡng ép người khác, tự làm đau, tự sát…).

Hình thành niềm tin lệch lạc về ứng xử con người, giá trị đạo đức, cách sống (công chúng có quyền trừng phạt người có hành vi sai; kẻ xấu xứng đáng bị chửi bới, miệt thị bởi bất kỳ ai; sự giàu có là mục tiêu tối thượng; tình dục quyết định tình yêu…).

Ngoài ra, trẻ em có thể trở thành nạn nhân của bạo lực, bắt nạt trực tuyến và tin rằng mình sai trái đến mức đáng bị như vậy. Thậm chí gây sốc tâm lý hoặc sang chấn tâm lý khi trẻ tiếp xúc với những nội dung quá mức độ chịu đựng tinh thần.

Khi trẻ em nghiện, phụ thuộc mạng xã hội sẽ không còn thời gian cho các hoạt động sống bình thường. Bên cạnh đó, xem nội dung ngắn liên tục và thói quen xem video giải trí khi gặp bài khó sẽ bào mòn sự ứng phó tích cực trước căng thẳng của trẻ, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tập trung.

Trẻ em dễ hình thành niềm tin sai lầm rằng có thể tìm mọi câu trả lời đúng trên mạng xã hội và Internet, nguy hiểm nhất là tin rằng người nổi tiếng nói gì cũng đúng. Trong khi đó, niềm tin đúng là học tập, tìm hiểu các nguồn tin cậy, thảo luận cùng người có kinh nghiệm làm việc thực tế và hiểu biết, tự trải nghiệm, đánh giá. 

Ngoài ra, khi dành nhiều thời gian trên không gian ảo, trẻ em ít ra ngoài dễ bị thu rút xã hội, cô đơn, thiếu năng lực ứng phó với các tình huống xã hội, nguy cơ mắc rối nhiễu lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…

Mức độ ảnh hưởng của Internet tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố thuộc về giáo dục, hoạt động, chứ không chỉ độ tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 13 tuổi không nên tiếp xúc với mạng xã hội.

PV: Vậy làm thế nào để phát hiện trẻ em đang có dấu hiệu nghiện mạng xã hội hoặc có những triệu chứng tâm lý?

TS. Đặng Hoàng Ngân: Khi trẻ vị thành niên nghiện Internet sẽ kém kiểm soát các hành vi của bản thân khi dùng mạng xã hội. Các em đăng tải, bình luận quá nhiều, không thể ngừng dùng mạng xã hội ngay cả khi thực tế đang cần làm việc khác. Sẽ cảm thấy bực bội, buồn bã, đau khổ khi không dùng mạng xã hội. 

Phụ huynh nên chú ý khi con trẻ có một vài trong số những biểu hiện như: thu mình, không muốn chia sẻ, không đi chơi với bạn bè như trước, thay đổi giấc ngủ (ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường mà không có các nguyên do khác như sức khỏe, lịch thi, kì nghỉ,…), thay đổi hành vi ăn uống (ăn quá ít, ăn quá nhiều, từ chối ăn…), phê phán gay gắt về các hiện tượng trên mạng xã hội, lo lắng, hoảng sợ, khóc nhiều, nói lời tiêu cực, bốc đồng, cáu gắt, hung hãn, tấn công người khác, tự làm tổn thương bản thân, nói về ý định tự tử,…

Trẻ tiếp xúc nhiều với mạng xã hội không chỉ làm thay đổi tâm lý mà còn có thể chuyển thành bệnh lý. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

PV: Bà có thể nêu một vài giải pháp khắc phục khi trẻ em, thanh thiếu niên bị lôi kéo vào những nội dung xấu, độc trên mạng xã hội?

TS. Đặng Hoàng Ngân: Cha mẹ khi nhận thấy con làm theo nội dung xấu trên mạng xã hội, cần nói chuyện và giải thích cho con hiểu vì sao những hành động ấy lại không tốt. Cha mẹ nên tập trung nói về hành động bị lan truyền trên mạng xã hội kia và tránh phê phán con, khi con đang chỉ tin rằng mình làm theo những điều mọi người đều được phép. Hãy đứng cùng một phía với con, để con hiểu rằng cả gia đình đang cùng con phân tích về hành vi và hiện tượng mạng xã hội.

Cha mẹ cần là người nêu gương cho con trẻ. Do vậy, để chỉ dẫn được con, cha mẹ cũng cần là những người sử dụng mạng xã hội một cách có ý thức và lành mạnh.

Trân trọng cảm ơn TS. Đặng Hoàng Ngân về cuộc trò chuyện này!

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận