11:43 26/01/2024

"Trường học hạnh phúc": Học sinh phải thấy an toàn, yêu trường, yêu lớp

Icon No Avatar Tre Em Viet Nam Trần Phương

Theo các thầy ở huyện vùng cao Mường Nhé (Điện Biên) chỉ khi nào học sinh thật sự yêu trường, yêu lớp thì khi đó có "trường học hạnh phúc".

Mường Nhé là một huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên. Mường Nhé có địa hình chia cắt phức tạp, đồi núi cao, giao thông đi lại giữa các vùng còn nhiều trở ngại và cũng là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% số dân, địa bàn rộng, hiểm trở, dân cư sinh sống phân tán.

Trường học hạnh phúc phải thân thiện, sạch sẽ, an toàn

Vì điều kiện sống còn nhiều khó khăn, hàng năm có trên 60% học sinh trung học cơ sở và trên 20% học sinh tiểu học trên địa bàn huyện không thể đi học và trở về nhà trong ngày, các em phải ở bán trú tại trường để học tập.

Việc xây dựng “trường học hạnh phúc” trên địa bàn Mường Nhé không chỉ giữ chân học trò vùng khó ở lại trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trao đổi với Tạp chí Trẻ em Việt Nam về việc xây dựng “trường học hạnh phúc” trên địa bàn toàn huyện, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé cho biết, năm học 2023 - 2024, bên cạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao tỉ lệ trường chuẩn quốc gia, mục tiêu xây dựng “trường học hạnh phúc” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé hướng đến.

2023_04_06_09_41_051[1]
Trường học hạnh phúc là nơi các em cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: Trường mầm non Nậm Vì (Mường Nhé)

Theo ông Phạm Thiết Chùy, “trường học hạnh phúc” được hiểu là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học.

Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày.

Không những thế, “Trường học hạnh phúc” phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức.

Bên cạnh truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, trường còn chú trọng giáo dục bồi đắp tâm hồn đẹp cho các em.

Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò phải luôn được tôn trọng, không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.

Thấu hiểu được sự cần thiết của việc xây dựng trường học hạnh phúc trong thời đại ngày nay, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 957/KH-PGDĐT, ngày 05/10/2023 về việc triển khai xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn huyện Mường Nhé chỉ đạo các đơn vị trường trực thuộc xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học, coi mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục của nhà trường.

Yếu tố đầu tiên được nhà trường hướng đến là xây dựng nhà trường thân thiện, sạch sẽ và an toàn.

Khuôn viên nhà trường được xây dựng hợp lý với hệ thống cây xanh có bóng mát, bồn hoa, cây cảnh hài hòa được chăm sóc thường xuyên.

Hệ thống các phòng học, phòng thiết bị dạy học, hệ thống sân chơi, bãi tập, khu nhà ở, nhà ăn bán trú được bố trí khoa học, đảm bảo thẩm mỹ. Các lớp học được trang trí hài hòa, sạch sẽ.

Chia sẻ thêm về hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc, ông Phạm Thiết Chùy cho biết: Ở trường, hoạt động dạy và học của thầy trò các nhà trường được tổ chức phong phú và hiệu quả. Mở đầu mỗi tiết học bằng những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống, những trò chơi hay những hoạt động tập thể vui nhộn tạo cho học sinh không khí thoải mái thân thiện.

Trong giờ học, thầy cô là những người tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động, khám phá tri thức. Thầy cô là người đồng hành cùng các em, hỗ trợ các em học tập. Học sinh được tự do thể hiện ý tưởng, quan điểm, hiểu biết, cảm nhận của mình trước lớp.

Những điều mà các em khám phá, tích lũy được trong giờ học được đánh giá khách quan, chính xác qua những đánh giá của thầy cô hay của các bạn đã tạo cho học sinh sự hứng thú, tự tin hơn trong học tập và giao tiếp.

Trường học không chỉ là nơi học tập

Cùng với hoạt động học tập, các nhà trường trên địa bàn huyện Mường Nhé còn đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động tập thể ngoài giờ học, đặc biệt là các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Các hoạt động được tổ chức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường để tạo cho các em học sinh cũng như các thầy cô giáo một sân chơi thoải mái vui vẻ. Hình thức tổ chức hoạt động phong phú, đa dạng.

Từ hoạt động văn hóa, văn nghệ như múa dân vũ, hội diễn văn nghệ đến các hoạt động thể thao như thi đấu các môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co đều thu hút được đông đảo học sinh và thầy cô giáo tham gia…

Nêu một vào con số về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại Mường Nhé, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay các đơn vị trường trên địa bàn huyện đã tổ chức trên 250 hoạt động thu hút gần 30.000 lượt học sinh tham gia.

Từ những hoạt động gắn liền với nâng cao chất lượng dạy và học được tổ chức công phu, hiệu quả như tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng” đến những hoạt động mang tính trải nghiệm như tổ chức “Hội chợ xuân” đã mang lại cho các em học sinh, các thầy cô giáo cũng như phụ huynh những trải nghiệm thú vị, bổ ích và đáng nhớ.

2[1]
Xây dựng trường học hạnh phúc, thầy cô thân thiện là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Giáo dục Mường Nhé. Ảnh: LC

Trường học không chỉ là nơi để học, để chơi, để tham gia trải nghiệm mà đó còn là ngôi nhà thứ hai của các em. Nơi đó, các em thấy yên tâm, tin tưởng. Hằng ngày đến trường các em mang đến đây biết bao câu chuyện để kể với bạn bè và cô giáo.

Ở đây, các thầy cô luôn lắng nghe các em, luôn nâng niu những ước mơ nhỏ bé của các em. Và đặc biệt hơn nữa các thầy cô luôn “tôn trọng cảm xúc” của các em.

Chia sẻ cụ thể tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mường Nhé, nhà giáo Dương Văn Công – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc xây dựng trường học hạnh phúc được các thầy cô giáo trong nhà trường và các em học sinh rất hưởng ứng. Từ đầu năm học nhà trường đã thực hiện theo kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Để xây dựng được trường học hạnh phúc trước hết phải từ đội ngũ lãnh đạo nhà trường, sáng tạo và năng động trong các hoạt động thì các em học sinh và các thầy cô giáo sẽ hưởng ứng.

"Trường học hạnh phúc" đối tượng đầu tiên cảm thấy hạnh phúc là các em học sinh. Các em phải thấy được ở trường vui hơn ở bản. Các em được học những kiến thức mới, sống trong tính thương chan hòa của cô thầy, bạn bè và các em trưởng thành hơn…

Nói như vậy không chỉ về mặt lý thuyết mà còn phải từ người lãnh đạo, cụ thể là người Hiệu trưởng. Lãnh đạo, cô thầy biết chia sẻ, thân thiện và làm bạn được với học sinh các em mới cảm thấy hạnh phúc.

Mỗi ngày đến trường, ngoài việc học tập các em được tham gia phong trào văn nghệ, tập các bài hát truyền thống, dân ca. Niềm vui hoạt động ngoại khóa trong nhà trường sẽ tạo không gian học tập và sân chơi bổ ích để học sinh tích lũy kỹ năng, hoạt động tập thể và cơ hội phát triển toàn diện".

Theo nhà giáo Dương Văn Công, việc tham gia CLB dân vũ tạo điều kiện cho các em có thêm kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và tự tin thể hiện trước đám đông. Những bài ca, điệu nhảy giúp các em giải phóng cơ thể, giải tỏa căng thẳng và có thêm năng lượng mới để học tập...

"Chính vì thế các em học sinh luôn coi các thầy cô ở đây như người thân của mình. Và cũng chính vì lẽ đó, trong những năm học gần đây, tỉ lệ học sinh chuyên cần của các nhà trường luôn được duy trì tốt. Phong trào học tập, rèn luyện của học sinh cũng như hoạt động thi đua của thầy cô luôn sôi nổi.

Chất lượng dạy và học của các nhà trường không ngừng tăng lên. Nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy để các phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình", thầy Công chia sẻ.

Like fanpage để theo dõi thông tin mới nhất

Trẻ em Việt Nam

Bình luận